[eMagazine] - Lan tỏa việc tốt giữa đời

H.ĐẠO - H.QUÂN - H.TIÊN 19/05/2023 17:37

(QNO) - Đùm bọc, yêu thương nhau là truyền thống nhân ái, tốt đẹp có từ bao đời của dân tộc ta. Truyền thống ấy ngày càng nhân rộng, lan tỏa trong đời sống bởi được "tiếp sức", dẫn lối bởi phong trào học tập, làm theo lời dạy Bác Hồ. Những câu chuyện “lá lành đùm lá rách” dưới đây được phóng viên ghi lại...

 
 

Làng Tắk Xanh của cựu chiến binh Hồ Văn Bim nằm vắt vẻo trên non cao Trà Linh (Nam Trà My) có 24 hộ dân sống quây quần. Đường lên nóc đến hôm nay vẫn chưa được bê tông, gập ghềnh và lổm chổm đá nhọn, đời sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm trước, khoai sắn không đủ no cái bụng các thành viên trong nhà nên ông Bim luôn trăn trở tìm cách đổi thay cuộc sống.

Trước năm 2005, thấy dân trong vùng làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh, ông mang hết tiền bạc dành dụm được mua 28 gốc sâm về trồng. Lệnh nhập ngũ gửi về, ông gửi lại mảnh vườn cho người thân lên đường tòng quân nhưng tâm trí vẫn đau đáu việc phải làm sao khá hơn từ loại cây giá trị này.

“Vừa phục viên về làng là tôi sang làng khác để học hỏi người trồng có kinh nghiệm về áp dụng vào khu vườn của mình. Lần đầu xuất bán được 24 triệu đồng, tôi đem hết số tiền đó mua lưới B40, cây sâm giống để mở rộng diện tích vườn trồng. “Ăn ngủ” với vườn sâm nên đến nay tôi đã có 2.000 gốc sâm” - cựu chiến binh Bim kể chuyện. Khi người dân dần nhận ra việc cây sâm có giá trị kinh tế cao thì làng Tắk Xanh cũng có nhiều người trồng. Song vì nghèo khó, nhiều người dân không có vốn mua cây giống. Cựu binh Hồ Văn Bim đã quyết định tặng sâm giống cho người cùng làng.

 

Cho, tặng sâm giống là để khuyến khích người dân tự bỏ sức ra chăm sóc, lao động nên ông Bim cũng đặt ra những điều kiện kèm theo khi tặng sâm giống là hộ dân đó phải cùng đi trực, đi tuần bảo vệ vườn sâm chung, cam kết không được bán cây sâm do ông tặng và không được trộm cắp sâm của nhau.

“Những gốc sâm này là để nhân giống, để bà con có thêm giống phân chia cho dân làng cùng trồng nên không thể bán... Đều đặn, tôi cùng bà con lên vườn sâm trồng chung để kiểm tra, quản lý. Hộ nào không làm theo mà bán lấy tiền tiêu xài thì sau không giúp nữa. Có như vậy mới khiến bà con siêng năng làm ăn” - ông Bim nói.

Ông Hồ Văn Bim tặng sâm cho người dân. Ảnh: Đ.Q
Ông Hồ Văn Bim tặng sâm cho người dân. Ảnh: Đ.Q

Lòng tốt của ông Hồ Văn Bim luôn đong đầy như con suối trên khe núi, thấy chuyện gì cần làm mà có ích cho cộng đồng là ông làm ngay.

Đảng viên Hồ Văn Phong - xã Trà Linh kể, lâu nay dân làng trên núi cao không biết giờ giấc, chỉ dựa vào tiếng gà gáy, dựa vào bóng ông mặt trời để biết thức dậy đi làm. Cựu chiến binh Hồ Văn Bim thấy vậy nên xuống Tắk Pỏ mua tặng mỗi nhà một chiếc đồng hồ treo tường và tặng cho chi bộ thôn để họp hành đúng giờ giấc.

Ông Phong kể thêm: “Cùng với việc giúp đỡ bà con trong thôn, anh Bim còn tặng ghế đá cho trường học, trạm y tế của xã... Những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa đó khiến dân làng yêu thương nhau hơn, biết chia sẻ và đoàn kết. Từ đó, nhà nhà đều biết làm ăn để con cái không đói, có cơm ăn áo mặc”.

Ông Hồ Văn Bim tặng đồng hồ treo tường cho người dân cùng làng. Ảnh: Đ.Q
Ông Hồ Văn Bim tặng đồng hồ treo tường cho người dân cùng làng. Ảnh: Đ.Q
 
Hội CCB xã Bình Trị nhận đỡ đầu em Đạt. Ảnh: Đ.Q
Hội CCB xã Bình Trị nhận đỡ đầu em Đạt. Ảnh: Đ.Q

Hà Văn Đạt - học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (xã Bình Trị, Thăng Bình) là con út trong gia đình có 3 chị em. Chồng mất sớm, một mình bà Lê Thị Thúy Hằng (mẹ Đạt) nuôi 3 con ăn học. Bà Hằng tâm sự, gần 14 năm qua kể từ ngày chồng mất, ngày nào bà cũng đi làm thuê ở những cơ sở làm nấm rơm gần nhà để có tiền nuôi con ăn học.

Song bao nhiêu công sức đổ ra cũng không đủ cho một gia đình 4 miệng ăn, gia đình cứ thiếu trước hụt sau, căn nhà xây gạch đã xuống cấp nhưng cũng chưa đủ điều kiện sửa chữa. Chị gái đầu của Đạt cũng vừa lập gia đình, còn người anh không có công việc ổn định, phải phụ thuộc vào mẹ. Niềm hy vọng lớn nhất của bà Hằng đều đặt vào con trai út bởi Đạt siêng năng, chăm học, biết phụ giúp việc nhà. Bà hy vọng con trai sẽ ăn học nên người, sau này có công việc ổn định, có ích cho xã hội.

Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình bà Hằng, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bình Trị nhận đỡ đầu em Đạt từ năm học 2022 - 2023 với mức hỗ trợ từ 250-300 nghìn đồng mỗi tháng.

Ông Lê Văn Hậu - Chủ tịch Hội CCB xã Bình Trị nói, tuy số tiền không lớn, nhưng hy vọng sẽ san sẻ phần nào khó khăn cùng gia đình, tạo động lực để Đạt nỗ lực vươn lên, không sa vào thói hư tật xấu.

 

Ông Lê Văn Hậu cho biết, từ năm 2019 đến nay, Hội CCB xã Bình Trị nhận đỡ đầu 12 em, hỗ trợ theo từng năm, tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Riêng năm học 2022 - 2023, hội đỡ đầu 2 em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha với mức hỗ trợ mỗi tháng từ 250 - 300 nghìn đồng. Số tiền này do Hội CCB xã vận động từ nhà hảo tâm và trích từ kinh phí đóng góp của hội viên hằng tháng. Ngoài ra, hội cũng có phần quà cho các em vào các dịp lễ, tết và trao phần thưởng khuyến học đối với các em có thành tích học tập tốt.

“Các trường hợp đỡ đầu, chúng tôi kết nối nhà trường để ban giám hiệu, giáo viên nắm hoàn cảnh, quan tâm hơn với các em. Đồng thời nắm bắt thái độ, thành tích học tập để kịp thời động viên, hỗ trợ. Chúng tôi quyết tâm duy trì mô hình này để có thêm nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường như các bạn cùng trang lứa” - ông Lê Văn Hậu, Chủ tịch Hội CCB xã Bình Trị cho biết.
Hội CCB xã Bình Trị nhận đỡ đầu em Đạt. Ảnh: Đ.Q
Từ năm 2019 đến nay, Hội CCB xã Bình Trị nhận đỡ đầu 12 học sinh. Ảnh: Đ.Q
 
Các thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Hiền luôn đồng hành cùng học sinh của mình. Ảnh: Đ.Q
Các thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Hiền luôn đồng hành cùng học sinh của mình. Ảnh: Đ.Q

Sau vài phút rụt rè, cô học trò N.T.K. (Trường THCS Nguyễn Hiền, thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) cũng bộc bạch với chúng tôi: “Em không thích đi học nên dù biết lịch thi vẫn cố tình ngủ quên. Thầy Nguyễn Minh Thắm phát hiện việc em không đến phòng thi nên tới tận nhà gọi em dậy. Thật sự lúc đó em chán chường nên em chối không đi thi. Thầy tâm sự với em như người cha với con gái, em nhận ra mình còn non nớt quá, sau đó liền theo thầy lên trường đi thi” - K. nói.

Kể từ đó, cô học trò này siêng năng tới trường và dù học lực chưa tốt, K. vẫn tự tin sẽ hoàn thành chương trình trung học cơ sở.

Còn với Lê Bảo Hân (học sinh lớp 7, THCS Nguyễn Hiền), những lần nói chuyện với người thầy giáo đáng kính (đã về hưu) chính là khởi nguồn cho việc cô bé này chăm chỉ học hành. Khi đó, Bảo Hân có phần chậm chạp hơn các bạn và khó khăn trong giao tiếp nên học lực còn yếu. Điều may mắn là em được học ở ngôi trường mà các thầy cô chưa bao giờ bỏ rơi các em. Thấy Hân thua thiệt so với bạn cùng trang lứa, các thầy cô dìu dắt em bằng cách dạy phụ đạo các môn học. Và hơn hết, các thầy cô đã giúp em vượt qua được khiếm khuyết của bản thân về giao tiếp.

 

 [VIDEO] – Thầy giáo Nguyễn Minh Thắm:

Một tiết dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu. Ảnh: Đ.Q
Một tiết dạy phụ đạo ở trường THCS Nguyễn Hiền (thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh). Ảnh: Đ.Q

Ở ngôi trường này, chuyện của K. và Hân không là cá biệt, hàng chục cô cậu học trò chưa ngoan ngoãn, chưa học tốt đã được các thầy cô dìu dắt giúp các em từng ngày trưởng thành hơn.

Theo thầy giáo Võ Văn Thành - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền, xuất phát từ thực tế nhiều học sinh vùng nông thôn có gia cảnh khó khăn, chưa chú tâm học tập nên chi bộ nhà trường đã họp bàn và đi đến thống nhất giúp đỡ các em bằng cách dạy phụ đạo, đồng hành cùng các học sinh chưa ngoan ngoãn.

 

[VIDEO] - Một buổi phụ đạo cho học sinh yếu:

 

Ông Triệu Phúc Cương - Chủ tịch Hội CCB huyện Thăng Bình cho biết, chương trình CCB nhận đỡ đầu bắt đầu triển khai từ năm 2000. Trước đây, các cấp Hội CCB huyện Thăng Bình tập trung đỡ đầu con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hai năm gần đây, hội bắt đầu nhận đỡ đầu con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi.

Tính riêng trong năm học 2022-2023, các cấp Hội CCB huyện Thăng Bình nhận đỡ đầu 19 học sinh. Trong đó, 3 trường học do Hội CCB huyện đỡ đầu sẽ được hỗ trợ xuyên suốt từ nay đến khi tốt nghiệp đại học. Kinh phí đỡ đầu do Hội CCB vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm và hội viên tự nguyện đóng góp.

 

Còn tại huyện miền núi Nam Trà My, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, có hệ thống các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực và sinh động đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong đó, công tác tuyên truyền trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử của huyện, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên và sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội là các kênh giúp tiếp cận tốt nhất.

“Chúng tôi chú trọng tuyên truyền cho thanh niên, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Truyền thanh, truyền hình cơ sở đã tăng thời lượng chuyên mục để biểu dương các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt... để lan tỏa việc học tập theo gương Bác” - ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My nói.

Đồng thời, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị trong huyện đã có nhiều cách làm khác nhau để biểu dương các gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác như tại các buổi chào cờ sinh hoạt chuyên đề Chỉ thị 05 vào sáng thứ 2 đầu tháng; các buổi sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, nhật ký làm theo lời Bác… nhằm lan toả những tấm gương đời thường, những việc làm ý nghĩa trong xã hội.

 
Học Bác đã giúp cán bộ, nhân dân hăng say thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường. Ảnh: Đ.Q
Học Bác đã giúp cán bộ, nhân dân hăng say thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường. Ảnh: Đ.Q

Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tính hiệu quả, đột phá trong thực hiện việc học tập và làm theo Bác Hồ trong 5 năm qua được khẳng định với kết quả có hơn 1.000 mô hình đăng ký học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực. 

Nhiều tập thể điển hình tiên tiến như Đảng ủy Công an tỉnh thực hiện mô hình “Mỗi trinh sát là 1 ngọn cờ - Ngày đêm xung kích, lập công trên trận tuyến miền ảo”; Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh có mô hình “Công trình dân sinh, thắm tình đồn xã”; Thanh niên trẻ Lương Phi (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) nghị lực vượt lên nghịch cảnh, giàu lòng nhân ái; ông Bhling Hạnh (thôn Công Dồn, Zuôih, Nam Giang) cần mẫn ghi chép và sưu tầm những giá trị, bản sắc văn hóa của người Cơ Tu để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau…

 

Để phong trào học tập Bác Hồ đi vào cuộc sống, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lôi cuốn sự vào cuộc của toàn xã hội. Việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phải đi vào thực chất bằng các việc làm, mô hình cụ thể để phổ biến sâu rộng nhằm đẩy lùi hiện tượng “trông chờ”, “ỷ lại”, “trì trệ” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhất là tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm...

Từ đó, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, phải kịp thời phát hiện biểu dương và tuyên truyền sâu rộng những cá nhân, tập thể điển hình, những cách làm hay trong việc học tập, làm theo Bác.

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Lan tỏa việc tốt giữa đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO