[eMagazine] - Linh hoạt thích ứng đáp ứng thị trường lao động

DIỄM LỆ - VĨNH LỘC 12/02/2023 04:05

(QNO) - Thị trường lao động năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức. Song nhiều người lao động vẫn tin tưởng, kỳ vọng vào một năm có nhiều chuyển biến trong kết nối cung - cầu thị trường lao động, vượt qua thách thức bằng sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước.

 
 

Đối với Quảng Nam, thị trường việc làm tạm thời vẫn chưa có sự xáo trộn lớn, nhưng dự lường khó khăn sẽ diễn ra trong năm khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng. Dù vậy lao động vẫn chọn lựa tin tưởng và kỳ vọng sự ổn định sẽ được duy trì.

Người lao động làm việc tại các nhà máy đầu năm 2023. Ảnh: DIỄM LỆ
Người lao động làm việc tại các nhà máy đầu năm 2023. Ảnh: DIỄM LỆ

Trở về từ TP.Hồ Chí Minh sau 7 năm xa quê, anh Nguyễn Tăng Hoàng (SN 2000, xã Đại Quang, Đại Lộc) đã lựa chọn ở lại quê nhà để tìm một công việc thích hợp. Như lời anh Hoàng, ở TP.Hồ Chí Minh, anh làm nghề giày da hoàn thiện cho một cơ sở tư nhân, nên tay nghề đã "cứng". Bây giờ ở lại quê, anh có thể làm bất cứ công đoạn nào trong xưởng sản xuất giày da.

Anh Hoàng nói: "Ai đi xa rồi cũng muốn về. Năm này tôi về và quyết định ở luôn tại quê để đi làm, bởi quê mình cũng phát triển nhiều rồi, muốn việc thì có việc. Tôi đã bắt tay vào tìm kiếm việc làm sau kỳ nghỉ tết, hy vọng sẽ có một chỗ làm phù hợp để tôi gắn bó".

Anh Nguyễn Tăng Hoàng tìm việc làm khi quyết định ở lại quê nhà. Ảnh: DIỄM LỆ
Anh Nguyễn Tăng Hoàng tìm việc làm khi quyết định ở lại quê nhà. Ảnh: DIỄM LỆ

Theo Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn Quảng Nam có 9.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tạo việc làm cho 240.000 lao động (LĐ). Các DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm, da giày, xây dựng, công nghiệp ô tô, điện tử, dịch vụ du lịch, sản xuất đồ uống… Trong đó, LĐ làm việc trong lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm, da giày chiếm 31,25%. Sau đại dịch, hầu hết DN đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: "Các DN thuộc lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm, da giày… ký được nhiều đơn hàng trong năm 2022 và có nhu cầu tuyển dụng trong cả năm gần 10.000 LĐ. Tuy nhiên, các DN hoạt động lĩnh vực du lịch, dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hy vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm này.

Mặt khác, do ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng, lạm phát, xung đột vũ trang trên thế giới nên dự báo trong thời gian đến, các DN sản xuất, gia công hàng xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng cắt giảm LĐ, chấm dứt hợp đồng LĐ với người LĐ trong những tháng cuối năm, và tình trạng này sẽ còn diễn ra trong năm 2023".

Số liệu được Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, cuối năm 2022 có hơn 8.000 LĐ đã bị cắt, giảm việc làm ở các DN dệt may, da giày, chế biến, chế tạo... Các DN sản xuất, gia công hàng xuất khẩu bị đối tác cắt giảm đơn hàng, đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào nên hoạt động sản xuất gặp khó khăn, phải cắt giảm LĐ, giảm giờ làm đối với người LĐ. 

 
 

Dù có không ít khó khăn được dự báo trước, nhưng DNnỗ lực có đơn hàng để người lao động yên tâm với công việc.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Ảnh: DIỄM LỆ
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. ẢNH: TD

Ngay sau kỳ nghỉ tết, nhiều DN trong tỉnh đã trở lại hoạt động với kỳ vọng mới, khí thế mới, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người LĐ.

Tại Công ty CP Prime Đại Lộc (Đại Lộc), gần 800 LĐ đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ. Dù có sự biến động nhẹ với gần 20 người nghỉ việc nhưng điều này không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của công ty. Với mức thu nhập bình quân năm 2022 là 11,4 triệu đồng/người, mức thưởng cuối năm là 2,6 tháng lương thì người LĐ yên tâm khi làm việc tại công ty.

Ông Vũ Đức Hạnh - Giám đốc Công ty CP Prime Đại Lộc nói: "Năm 2023, công ty sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để nâng cấp dây chuyền sản xuất gạch, trong đó có dòng gạch cao cấp. Khi dây chuyền được đầu tư hoàn thiện, nếu hoạt động hết công suất thì mỗi năm sẽ cho ra thị trường 30 triệu m2 gạch.

Thị trường của công ty ở miền Trung đang ổn định, và sản phẩm gạch cao cấp được xuất khẩu sang các nước Lào, Thái Lan, Philippin, Indonesia với thị phần của Prime Đại Lộc chiếm 28% của Tập đoàn Prime toàn quốc. Vì những lý do trên nên Prime Đại Lộc sẽ đảm bảo việc làm trong năm 2023 cho người LĐ như mục tiêu mà công ty đã đặt ra, và đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như có các hoạt động vì an sinh xã hội tại địa phương".

Tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Công ty Rieker Việt Nam đang cố gắng tìm đơn hàng để tạo công ăn việc làm ổn định cho 12.000 LĐ đang làm việc tại công ty. Theo ông Walter Bauer - Tổng Giám đốc Công ty Rieker Việt Nam, công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 6/2023 và đang tìm kiếm đơn hàng mới, giá tốt để có thu nhập cho người LĐ cho đến hết năm 2023.

Thị trường xuất khẩu giày da của công ty chủ yếu châu Âu, châu Mỹ nhưng do ảnh hưởng nhiều yếu tố chính trị, kinh tế... nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Dù vậy, công ty đang rất nỗ lực để việc làm của người LĐ không bị ngắt quãng, đảm bảo để người LĐ tin tưởng, yên tâm làm việc tại công ty.

Một DN có vốn đầu tư từ nước ngoài là Công ty Groz Becker Việt Nam (Đại Lộc) định hướng trong năm 2023 sẽ mở rộng thêm một nhà máy sản xuất nữa bên cạnh 2 nhà máy đang hoạt động. Đó là tín hiệu vui đối với cả DN, người LĐ và địa phương.

Ông Gerd Teufel - Giám đốc Công ty Groz Becker Việt Nam thông tin, công ty hiện có 1.000 LĐ đang làm việc ổn định, đơn hàng năm 2023 đã sẵn sàng nên người LĐ hoàn toàn có thể yên tâm. Với bản thân ông, Quảng Nam, Việt Nam đã như là quê hương thứ hai, ông hài lòng với công việc, điều kiện làm việc hiện tại. Sự ủng hộ của các cấp chính quyền giúp công ty hoạt động thuận lợi, tuyển dụng được nguồn LĐ theo nhu cầu và đào tạo nâng cao thêm tay nghề cho người LĐ trong quá trình họ làm việc tại công ty.

 

Mặc dù tiềm ẩn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp Quảng Nam vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, bằng nhiều giải pháp trước những biến động phức tạp của thị trường lao động.

Lao động làm việc trong doanh nghiệp. Ảnh: VĨNH LỘC – DIỄM LỆ
Lao động làm việc trong doanh nghiệp. Ảnh: VĨNH LỘC – DIỄM LỆ

Từ cuối năm ngoái, tuy đơn hàng không nhiều nhưng với quyết tâm ổn định lực lượng LĐ, thay vì cắt giảm công nhân, Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung (Cụm công nghiệp An Lưu, phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) đã quyết định giảm thời gian làm việc từ 9 giờ/ngày xuống còn 8 giờ/ngày… để ai cũng có thu nhập.

Dự kiến, quý II năm nay hoạt động sản xuất của Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung đi vào ổn định khi các đơn hàng ký kết với đối tác hoàn thành, đảm bảo việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 LĐ đơn vị. Hầu hết trong số hơn 2.000 công nhân của công ty chuyên sản xuất sang thị trường châu Âu là người địa phương, có thời gian làm việc lâu năm, mức thu nhập tốt nên khả năng gắn bó cao.  

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc nhà máy sản xuất thuộc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung cho biết, đây là giải pháp hợp lý giúp giữ ổn định lực lượng LĐ bởi khả năng qua quý II đơn hàng sẽ nhiều.

Ông Phúc nói: “Công ty phải luôn có công nhân sẵn sàng, nếu không giữ ổn định LĐ sẽ thiếu người làm. Trong trường hợp cần thiết chúng tôi cũng chỉ tuyển bổ sung thêm số lượng nhỏ công nhân vì cơ bản lực lượng hiện  tại đã ổn định”.

Theo ông Huỳnh Tấn Tuấn - Giám đốc Xí nghiệp May Duy Trung (Cụm công nghiệp Tây An, Duy Trung, Duy Xuyên), nếu như mọi năm thời điểm này đơn hàng đã đủ đến gần cuối năm, thì nay, đơn hàng chỉ mới đủ hoạt động đến tháng 4/2023, nhưng đơn vị vẫn chủ trương không cắt giảm LĐ.

Mặt khác, DN xoay xở tìm kiếm thêm các đơn hàng mới, kỳ vọng cuối quý II hoặc đầu quý III/2023 tình hình đơn hàng sẽ đảm bảo ổn định. Hiện tại, tổng số lượng công nhân 2 nhà máy của xí nghiệp khoảng 850 người, mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng. 

Với một số DN, việc tuyển dụng đủ LĐ, nhất là LĐ có tay nghề cũng khá áp lực. Tại Công ty TNHH Việt Vương 2 (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Điện Bàn), dự kiến năm nay sẽ tuyển dụng thêm lượng lớn LĐ. Riêng với công nhân có tay nghề thì số lượng không giới hạn nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, nhưng vẫn lo không đủ theo yêu cầu.

Tương tự, tại Công ty CP Thiết bị y tế Danameco (Cụm công nghiệp Trảng Nhật 2, Điện Bàn), theo kế hoạch cuối năm nay sẽ mở rộng nhà máy và tuyển thêm khoảng 500 LĐ để sản xuất các đơn hàng mới, tuy nhiên khả năng khó tuyển dụng đủ số lượng yêu cầu.

Ông Văn Đức Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Danameco cho hay, hiện tại đơn hàng không thiếu, dù vậy một hạn chế của công ty là quy mô sản xuất còn nhỏ nên đơn vị đang xem xét mở rộng nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác, khách hàng, khi đó số lượng công nhân tuyển dụng sẽ nhiều hơn.

“Các khách hàng từ Úc và Nhật đang mong muốn làm việc với mình, tuy nhiên năng lực sản xuất của nhà máy còn hạn chế nên chúng tôi dự định sẽ mở rộng, tuyển dụng thêm nhân sự và công nhân, trước mắt sẽ nâng số công nhân từ 550 hiện nay lên khoảng 1.000 người, tiếp đến sẽ lên vài nghìn người khi hoạt động hết công suất trong những năm tới” - ông Tuấn nói.

 
Đào tạo nghề và tuyển sinh người học nghề tại cơ sở của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: DIỄM LỆ
Đào tạo nghề và tuyển sinh người học nghề tại cơ sở của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: DIỄM LỆ

Với khó khăn của DN trong tìm LĐ có tay nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cũng như tư nhân đều tăng cường liên kết đào tạo nhằm có được nguồn LĐ chất lượng.

Theo ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco, thì chỉ một trường Thaco không thể đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho Tập đoàn Thaco, nên nhà trường phải đặt đơn hàng, liên kết với nhiều đơn vị khác cùng đào tạo và cung ứng nhân lực.

"Lắp ráp ô tô, cơ khí, thương mại dịch vụ... đều là những ngành mà Thaco đang cần tuyển dụng đào tạo tại trường nghề của Thaco và tuyển dụng từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trong và ngoài tỉnh.

Liên kết là xu thế tất yếu và đã được chứng minh hiệu quả khi Thaco hỗ trợ các trường nghề trong khâu thực tập, thực hành, sau đó tuyển dụng vào làm việc thì chất lượng sẽ cao hơn. Nhân lực của Thaco cần hiện nay không chỉ làm việc trong nước mà còn làm việc ở nước ngoài, nên nhu cầu không thấp" - ông Phan Tiềm cho biết.

Còn theo bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, việc đào tạo tại nhà trường sẽ bám sát và đáp ứng yêu cầu tình hình thị trường LĐ của tỉnh. Từ khâu tuyển sinh sẽ gắn với tuyển dụng, đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng LĐ của DN.

"Nhà trường sẽ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đối với người học, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS, THPT học lên trình độ trung cấp, cao đẳng; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội... Ngoài đào tạo tại chỗ thì nhà trường sẽ phối hợp với các địa phương, DN đào tạo lưu động nâng chuẩn trình độ cho người LĐ theo nhu cầu" - bà Vũ Thị Phương Anh nói thêm.

 
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh. Ảnh: DIỄM LỆ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm một doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Đại Lộc dịp đầu xuân 2023. Ảnh: DIỄM LỆ

Trong chuyến thăm và làm việc với doanh nghiệp đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định sự phát triển ổn định và đóng góp của DN cho tỉnh Quảng Nam, tạo việc làm cho người dân ở doanh nghiệp là rất đáng mừng. Không khí sản xuất vui tươi khởi động năm mới là tín hiệu lạc quan. Các công ty đã đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại, nỗ lực tìm kiếm đơn hàng tạo việc làm cho người LĐ là hết sức đáng mừng.

Chính quyền tỉnh luôn chào đón và tạo điều kiện cho các DN đến đầu tư và đặt nhà máy tại Quảng Nam. Khi các nhà máy đến, sẽ có nhiều vị quản lý DN, chuyên gia đến sinh sống, làm việc tại Quảng Nam và hòa nhập vào môi trường sống của người dân địa phương. Điều đó chứng tỏ họ hài lòng với môi trường đầu tư, môi trường sinh sống và làm việc.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam luôn đồng hành với DN, sẽ cố gắng tối đa để hỗ trợ DN trong kết nối thị trường lao động, giải quyết các đề nghị chính đáng của DN. Nếu khó khăn của DN phát sinh ngoài khả năng giải quyết của tỉnh, Quảng Nam sẽ kiến nghị cấp trên.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thăm và làm việc với doanh nghiệp đầu năm 2023:

Tại địa phương nơi DN đóng chân, DN tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với khó khăn của DN trong vấn đề tìm LĐ chất lượng, ngành chức năng của Quảng Nam sẽ hỗ trợ trong việc kết nối, cung cấp thông tin về nguồn LĐ của tỉnh, từ đó giúp DN tuyển dụng LĐ đạt yêu cầu. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và các sở, ngành của tỉnh thăm, làm việc với doanh nghiệp đầu năm 2023. Ảnh: DIỄM LỆ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và các sở, ngành của tỉnh thăm, làm việc với doanh nghiệp đầu năm 2023. Ảnh: DIỄM LỆ

Với những thách thức của thị trường LĐ năm 2023, ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết Sở LĐ-TB&XH tỉnh là cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về LĐ, việc làm nên sở sẵn sàng hỗ trợ DN mọi mặt liên quan đến LĐ, giúp DN ổn định sản xuất.

 

Ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, tổ chức các buổi đối thoại nhằm giải đáp khó khăn, vướng mắc của DN và người LĐ. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường LĐ sẽ được thực hiện đồng bộ.

Cạnh đó, tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam và tại các địa phương. Các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp được tập trung trong năm 2023.

Đối với kỹ năng của người LĐ là điều mà các DN cần, thì sẽ được chú trọng hơn bằng nhiều cách làm, liên kết với DN trong đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Rộn ràng phiên giao dịch việc làm đầu năm. Ảnh: DIỄM LỆ
Rộn ràng phiên giao dịch việc làm đầu năm. Ảnh: DIỄM LỆ

Theo ông Võ Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ thường xuyên theo dõi, thu thập thông tin tình hình tuyển dụng LĐ và việc làm của các DN, chủ động phối hợp với DN trong công tác tư vấn, tuyển dụng, cung ứng LĐ.

Để việc kết nối cung cầu đạt hiệu quả, trong thời gian sắp đến, trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn và thông báo nhu cầu tuyển dụng rộng rãi trên các kênh truyền thông như báo, đài, website của trung tâm tại địa chỉ vieclamquangnam.gov.vn, Zalo, Smart Quang Nam… và trực tiếp tư vấn cho LĐ tại các điểm tư vấn của trung tâm.

Đồng thời đơn vị tiếp tục kết nối chặt chẽ với DN, địa phương để tổ chức tư vấn theo chuyên đề, theo ngành nghề và theo cụm xã để tạo điều kiện cho LĐ và các DN dễ tiếp cận. Nhu cầu tuyển dụng của DN từ đầu năm đến nay thông qua trung tâm là 6.400 vị trí.

Đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với UBND huyện Đại Lộc tổ chức sàn giao dịch việc làm tại trung tâm huyện, để người LĐ dễ tiếp cận với thông tin tuyển dụng. Kế hoạch năm này, trung tâm phối hợp với các địa phương và DN tổ chức 11 phiên lưu động, 3 phiên online và từ 5-7 phiên kết nối theo nhu cầu của DN.

Ngoài ra trung tâm sẽ thường xuyên tổ chức 10 phiên cố định vào ngày 15 hằng tháng tại trung tâm, kết nối số LĐ thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường LĐ để ổn định vị trí việc làm cho các DN.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Linh hoạt thích ứng đáp ứng thị trường lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO