[eMagazine] - Ngày vui ở làng mới Tắc Tố

HỒ QUÂN - HOÀNG ĐẠO - VĂN TÂY 27/05/2023 17:52

(QNO) - Làng cũ Tắc Tố (Trà Don, Nam Trà My) không thể ở được, hơn năm mươi hộ dân phải rời đi. Tạm biệt ngôi làng trăm năm về nơi mới an toàn hơn, tránh nguy cơ sạt lở vùi lấp là câu chuyện được ghi nhớ trong lịch sử của làng. Về nơi mới, bà con được nhà nước hỗ trợ mặt bằng, tiền xây nhà, làng sẽ có điện… Nhiều người khấp khởi mừng vui với bao dự định cho ngày mới.

 

Như hẹn, anh Mạnh, cán bộ địa chính - xây dựng xã Trà Don đón chúng tôi ở ngay đầu làng mới Tắc Tố. Từ quốc lộ 40B rẻ vào là đường bê tông mới toanh. Vừa rồ ga lên dốc, trước mắt chúng tôi hiện ra những căn nhà kiên cố, khang trang, nằm mặt tiền. “Nhóm hộ đầu làng này được di dời khoảng từ cuối năm 2021, nơi này an toàn hơn trước, yên tâm lắm rồi” - anh Mạnh vui vẻ khoe.

Những sự cố dẫn đến tai ươm vài năm trước có lẽ đã trở thành một phần trong lịch sử của ngôi làng hàng trăm năm tuổi này. Một ngày, mặt đất giữa làng xuất hiện những khe nứt, sau đó thì mạch nước rò rỉ. 

Nhìn mạch nước như “bom nổ chậm” nằm ngay dưới móng nhà của hơn 50 hộ dân, ai cũng nghĩ đến một trận sạt lở sẽ không tránh khỏi. Không khí hoang mang lo lắng bủa vây khắp làng. Cán bộ xã Trà Don đứng ngồi không yên. Phải dời làng ngay!

Làng Tắc Tố cũ
Làng Tắc Tố cũ.

Áp ngay Nghị quyết 23/2021 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025 vào thực tiễn địa phương, chính quyền xã Trà Don ưu tiên những hộ có nguy cơ sạt lở di dời trước, phương án dời làng được huyện nhanh chóng phê duyệt. Sau đó, lần lượt 51 hộ được hỗ trợ di dời về nơi ở mới. Chính quyền xã Trà Don chọn mặt bằng dọc theo tuyến ĐT, an toàn và thuận tiện hơn. Không lâu sau đó, những căn nhà mới dần mọc lên hai bên đường. Bỏ lại bao âu lo, làng mới tràn đầy sinh khí, bà con hồ hởi bắt đầu cuộc an cư mới.

Căn nhà kiên cố của hộ chị Hồ Thị Lực. Ảnh: PV
Căn nhà kiên cố của hộ chị Hồ Thị Lực. Ảnh: PV

Anh Mạnh đưa chúng tôi đến thăm gia căn nhà bề thế nhất trong nhóm hộ đầu làng của gia đình chị Hồ Thị Lực (SN 1997). Từ nguồn hỗ trợ của Nghị quyết 23 HĐND tỉnh cùng hơn 100 triệu đồng tiền dành dụm, vợ chồng chị Lực xây nhà gạch, lót gạch men và tận dụng gỗ từ nhà cũ làm cột, kèo, gác lửng, lợp tôn kiên cố theo kiểu nhà truyền thống. Chị bộc bạch mình dạy học trên nóc Tu Hon (xã Trà Don), còn chồng làm rẫy. Hai vợ chồng vừa làm, vừa tích góp đầu tư căn nhà, không thể tính toán phát sinh hết bao nhiêu, nay đến phần cửa chính, cửa sổ thì cạn tiền. Họ đang cố gắng tích cóp, quyết tâm đến cuối năm nay sẽ hoàn thiện phần còn lại.

 

Bà con nóc Tắc Tố mỗi người xây nhà mỗi kiểu, tùy sở thích, ước nguyện. Có hộ chọn xây kiểu nhà kiên cố như hộ chị Lực, hoặc chỉ xây phần móng, nhà vệ sinh, bể chứa nước, lợp tôn mới, còn lại tận dụng gỗ từ nhà cũ để dựng lại. Chủ trương của UBND xã là tạo điều kiện tốt nhất cho bà con có căn nhà ưng ý nhất, phù hợp điều kiện kinh tế và nếp sống lâu nay. Đồng thời, để mọi người biết trân quý, gìn giữ tài sản do chính họ và nhà nước cùng làm. Đương nhiên, quá trình làm nhà của bà con được cán bộ xã kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn, chất lượng. 

Làng mới Tắc Tố. Ảnh: PV
Làng mới Tắc Tố. Ảnh: PV
 

Rời nhóm hộ đầu làng, chúng tôi chạy xe thêm hơn 2km đến khu vực đông đúc nhất ở làng Tắc Tố. Những nóc nhà mới bắt đầu mọc lên trên những khu đất mới hai bên đường. Nhiều căn nhà vẫn còn dang dở, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, tôn, gạch, xi măng… còn ngổn ngang.

Những căn nhà mới, kiên cố được xây dựng trên nơi ở mới, an toàn và thuận tiện hơn. Ảnh: PV
Những căn nhà mới, kiên cố được xây dựng trên nơi ở mới, an toàn. Ảnh: PV

Làng khá vắng. Chúng tôi đi mãi đến cuối làng mới gặp vài gia đình vừa trở về sau nhiều ngày bám nương, làm rẫy ở ngọn đồi bên kia làng. Ông Trần Văn Thảo cho hay tháng này vào mùa, bà con đi làm vụ mới nên việc nhà phải ngưng hết lại. Đợi khi xong vụ, đàn ông, thanh niên về đông đủ sẽ cùng nhau dựng nhà.

“Người làng Tắc Tố chúng tôi đoàn kết lắm. Tới mùa làm rẫy, cả làng cùng kéo nhau đi làm hết rẫy nhà này đến nhà kia, từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác, đến khi xong thì về. Xây nhà cũng vậy, mọi người chung sức xây xong nhà này thì đến nhà khác. Đặc biệt, làng ưu tiên giúp đỡ những hộ có người già yếu. Người dư đất ở vị trí đẹp sẵn sàng nhường đất, đổi đất cho hộ khác đến tái định cư. Mọi thứ còn dang dở, tiến độ xây nhà hiện nay có phần chậm ngoài chuyện bận làm rẫy thì do mưa giông triền miên…” - ông Thảo cho hay.

Người dân vận chuyển vật liệu dựng nhà. Ảnh: PV
Người dân vận chuyển vật liệu dựng nhà. Ảnh: PV

Trở về sau mấy ngày đi rẫy, ông Thảo liền dọn dẹp đống gạch đá trước nhà, sửa lại bể chứa nước. Dẫu mọi thứ còn bộn bề, nhưng ai nấy đều phấn khởi. Không lâu nữa, họ sẽ có nhà mới, thoáng rộng, bề thế hơn, không còn cảnh co cụm, chen chúc bất an.

 

Ngồi phía nhà ông Nguyễn Thành Đấm - một cư dân của làng nhìn ra là thấy cây trụ điện vừa được trồng cách đây ít ngày. Ít lâu nữa ngành điện sẽ kéo điện về Tắc Tố và dẫn về từng hộ. “Xưa giờ chỉ thấy mấy bóng đèn năng lượng mặt trời lắp đặt trên đường, đêm đêm nhìn về xuôi đèn thấy điện lấp lánh mà mơ ước, chứ bà con làng này vẫn chưa bao giờ được dùng điện. Thấy công nhân điện lực đến khảo sát trồng trụ, ai nấy đều háo hức. Mong lắm ngày điện về làng!” - mắt ông Đấm sáng trưng như thể tối nay thôi làng ông sẽ có điện về!

Ông Đấm cũng như nhiều người dân khác, điện sẽ đưa họ đến gần hơn với cuộc sống mới, hiện đại, bao kiến thức thông tin hữu ích cũng sẽ theo về, cái đầu sẽ sáng lên, sẽ học được cách làm ăn. Họ sẽ được hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn, sắm sửa ti vi, tủ lạnh, quạt máy… Màn trời đêm Tắc Tố bao năm chìm trong sương và mưa lạnh sẽ bừng sáng lên. 

Đồng bộ hạ tầng ở Tắc Tố. Ảnh: PV
Đồng bộ hạ tầng ở Tắc Tố. Ảnh: PV

[VIDEO] - Niềm vui dời làng:

 
Làng cũ và làng mới Tắc Tố nhìn từ trên cao. Ảnh: PV
Làng cũ và làng mới Tắc Tố nhìn từ trên cao. Ảnh: PV

Ở làng mới Tắc Tố, điện - đường - trường đang dần hoàn thiện. Cả thảy 51 hộ được nhà nước hỗ trợ di dời về nơi ở mới, không bị sạt lở đe doạ như nơi ở cũ. Ông Lê Trung Thực - Chủ tịch UBND xã Trà Don nói khó thể khẳng định chắc chắn là nơi ở mới an toàn tuyệt đối, vì Trà Don bao bọc bởi núi rừng, không có mặt bằng rộng và đẹp để bố trí tập trung dân cư. Vị trí gọi là an toàn cần phải có nghiên cứu, đánh giá của ngành chức năng. Xã ưu tiên chọn những vị trí có mặt bằng đẹp nằm hai bên đường để thuận thiện đầu tư hạ tầng. Một khu vực đất nền tái định cư phải đảm bảo hơn 100m2, bằng phẳng, không có độ dốc, được san lấp và kè chắn an toàn.

 

Theo lời ông Thực, việc dời làng nếu không tăng cường tuyên truyền, giám sát sẽ gặp rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, dù phần lớn bà con thống nhất cao về nơi tái định cư, song không ít ý kiến vào ra khi chọn vật liệu làm nhà. Người dân Tắc Tố lâu nay đã quen vào rừng lấy gỗ làm nhà. Để thay đổi dần tập quán đã ăn sâu bén rễ, chính quyền địa phương liên tục vào cuộc vận động tuyên truyền để người dân không tác động vào rừng. Đồng thời giải thích việc nhà nước đã hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng để mua sắm, sử dụng vật liệu thay thế và chỉ được tận dụng gỗ từ nhà cũ để dựng nhà mới. 

“Đồng bào xây nhà bằng gạch kiên cố cũng khiến chúng tôi trăn trở về gìn giữ văn hóa truyền thống. Chúng tôi khuyến khích người dân khi xây nhà mới thì tận dụng gỗ nhà cũ để dựng lại nhà truyền thống, kho chứa thóc... Quá trình làm nhà gỗ, cán bộ xã phải thường xuyên giám sát, đánh giá mức độ an toàn về phòng cháy, chữa cháy” - ông Thực cho hay.

Người dân tận dụng gỗ từ nhà cũ để làm nhà mới, không tác động vào rừng. Ảnh: PV
Người dân tận dụng gỗ từ nhà cũ để làm nhà mới, không tác động vào rừng. Ảnh: PV
 

Để đưa khu vực chăn nuôi ra xa khu dân cư, xã Trà Don tận dụng nơi ở cũ làm khu chăn nuôi tập trung. Người dân tận dụng cột, kèo, lưới thép cũ, đốn tre rào những khoảnh đất là nền nhà cũ trước đây để nuôi bò, heo, gà, vịt. Ông Thực nói, tổ chức chăn nuôi theo cách này tránh lãng phí đất đai, vừa hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Khu vực làng cũ được sử dụng làm nơi chăn nuôi tập trung. Ảnh: PV
Đất làng cũ trở thành nơi chăn nuôi tập trung. Ảnh: PV

“Trước đây, Nghị quyết 12/2017 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 đã hỗ trợ cho địa phương sắp xếp dân cư tại làng Tắc Nầm, Tắc Lang. Tiếp sau đó, Nghị quyết 23/2021 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025 triển khai tại xã Trà Don đã giải quyết những khó khăn trong thực tiễn, phát huy tính hiệu quả và nhân văn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt chính sách hỗ trợ rất nhiều đối với hộ khó khăn có điều kiện xây nhà kiên cố. Song Trà Don vẫn còn nhiều khu dân cư có nguy cơ sạt lở, một số hộ sinh sống phân tán ở nơi xa xôi, thiếu điện, nước sinh hoạt… cần có thêm nguồn lực để sắp xếp, bố trí tái định cư và đầu tư hạ tầng trong thời gian tới” - ông Thực kiến nghị.

[VIDEO] - Ông Lê Trung Thực – Chủ tịch UBND xã Trà Don đánh giá hiệu quả Nghị quyết 23 mang lại cho người dân địa phương:

Trong 2 năm 2021 và 2022, Nam Trà My sắp xếp, di dời chỗ ở 202 hộ. Trong đó, di dời khẩn cấp do thiên tai là 168 hộ, tập trung dân cư là 107 hộ, di dời chỉnh trang tại chỗ là 34 hộ.

Theo UBND huyện Nam Trà My, việc sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện trong những năm qua đã góp phần phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước thay đổi diện mạo thôn, xóm theo hướng khang trang; người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Qua đó từng bước hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nam Trà My vẫn còn nhiều khu dân cư không đảm bảo an toàn cần được di dời. Ảnh: PV
Nam Trà My vẫn còn nhiều khu dân cư không an toàn cần được di dời. Ảnh: PV

***

Giữa trưa, vài giọt mưa lách cách trên mái tôn, mùa này thời tiết miền núi Nam Trà My vẫn vậy, sáng nắng chiều mưa dông. Chúng tôi vội rời làng trước khi cơn mưa dông kéo đến. Trong những căn nhà mới ở làng Tắc Tố, dường như chuyện mưa gió ngoài kia không còn là nỗi bận tâm, họ quay quần bên mâm cơm, sôi nổi tính việc ngày mai, bàn cách hoàn thiện luôn việc nhà việc cửa còn dang dở. Chúng tôi cũng vui lây với niềm vui của dân làng. Hẳn rồi, góc núi Tắc Tố rồi sẽ trở mình trong nay mai, vươn dậy từ một chủ trương sát đúng, hợp lòng dân.

Người dân Tắc Tố chăm lo làm kinh tế để sớm thoát nghèo. Ảnh: PV
Người dân Tắc Tố chăm lo làm kinh tế để sớm thoát nghèo. Ảnh: PV
 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Ngày vui ở làng mới Tắc Tố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO