[eMagazine] - Người lưu giữ văn hóa truyền thống Ca Dong

04/02/2022 10:04

(QNO) - Vợ chồng ông Hồ Văn Minh, bà Hồ Thị Hà (thôn Trà Va, xã Sông Trà, Hiệp Đức) luôn phát huy vai trò già làng, uy tín trong việc làm gương, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau biết kế thừa, yêu quý văn hóa truyền thống dân tộc Ca Dong.

 
 

Bước vào căn nhà vách gỗ, mái tôn đơn sơ của hai vợ chồng ông Hồ Văn Minh (SN 1955) - Hồ Thị Hà (SN 1959), ở thôn Trà Va, xã Sông Trà, (Hiệp Đức), hình ảnh thu hút nhất là những trang phục truyền thống Ca Dong, bộ cồng chiêng và gùi, nia được dụng công đan lát độc đáo. Họ dành cho những “báu vật” này ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn ngắm, nâng niu mỗi ngày. Và đây chính là niềm tự hào mà ông bà muốn khoe với tất cả khách đến thăm nhà.

Vợ chồng ông Minh - bà Hà ấn tượng trong trang phục truyền thống đồng bào Ca Dong. Ảnh: Q.L
Vợ chồng ông Minh - bà Hà ấn tượng trong trang phục truyền thống đồng bào Ca Dong. Ảnh: Q.L

Bà Hà tâm sự, từng hạt cườm, nút thắt hay những đường thêu nhiều sắc màu trong bộ trang phục là hành trình dài kế thừa từ vốn văn hóa truyền thống đồng bào Ca Dong ở vùng cao Hiệp Đức. Từ thuở bé, bà Hà mê đắm khi ngắm nhìn những chàng trai, cô gái trong làng duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống, nhảy múa theo tiếng cồng chiêng âm vang vào mỗi dịp hội làng, lễ tết... Từ đó, mỗi ngày bà tìm đến nhà các bà, các cô trong làng học dệt váy áo, kết hạt cườm làm trang sức. Rồi chờ đến dịp hội làng, nhìn đôi tay, bước chân uyển chuyển theo nhịp chiêng vang của người phía trước, bà Hà cũng háo hức chen vào hàng, bắt chước theo. Tình yêu đó theo bà lớn lên. Khi thành thiếu nữ, bà Hà tự làm cho mình bộ trang phục đẹp nhất và luyện bước chân khéo léo trong điệu múa khiến bao trai làng say đắm.

Ông Hồ Văn Minh tiếp lời, mỗi năm vùng cao Hiệp Đức vào dịp mừng lúa mới, lễ trầu hoa, bà con đều mặc trang phục truyền thống, múa cồng chiêng. Theo các già làng truyền lại, nghi lễ này là tạ ơn trời đất, nguyện cầu nhà nhà bình an, cộng đồng đoàn kết, thóc lúa đầy kho... Đội múa cồng chiêng của làng thường khoảng 20 người, 6 nam đánh cồng chiêng, 14 nữ múa. Sau 3 nhịp cồng chiêng vang vọng, dân làng sẽ hô vang đồng thanh như hình thức kết nối với trời đất, thần linh, bằng lòng biết ơn của cả làng.

 
Điệu múa cồng chiêng của đồng bào Ca Dong. Ảnh: Q.L
Điệu múa cồng chiêng của đồng bào Ca Dong. Ảnh: Q.L

Bà Hà chia sẻ thêm, khi múa, các cô gái di chuyển theo hình tròn, điểm nhấn là động tác nhất bàn chân lên khỏi mặt đất, chỉ dùng mũi và gót chân di chuyển. Tiếng cồng chiêng chuyển từ nhẹ nhàng sang thúc giục, rộn rã thì động tác múa các các cô gái cũng uyển chuyển theo.

“Trong lễ hội, tiếng cồng chiêng, điệu múa, trang phục truyền thống đều đóng vai trò quan trọng, cần kết hợp hài hòa và không thể tách rời. Ngoài là hình thức kết nối với thế giới thần linh, múa cồng chiêng còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó một lòng của đồng bào Ca Dong ở vùng cao Hiệp Đức” - ông Minh nói.

Bộ trang phục truyền thống này do chính tay bà Hà làm ra. Ảnh: Q.L
Bộ trang phục truyền thống này do chính tay bà Hà làm ra. Ảnh: Q.L

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Ca Dong, dịp lễ hội, người nào trang phục đẹp, trang sức đính nhiều cườm nhất chính là biểu hiện của sự sung túc, đủ đầy của gia đình đó.

Bộ trang phục bà Hà đang mặc do tự tay bà làm được xem là đẹp nhất làng Trà Va. Điểm nhấn bộ trang sức là hàng trăm hạt cườm nhiều màu sắc, đính kết thành chuỗi tỉ mỉ để làm khuyên tai, đeo ở cổ, ở chân và thắt lưng. Từng loại trang sức với hoa văn đi kèm đều mang ý nghĩa văn hóa riêng. Bà Hà chia sẻ, ngoài những kiến thức, kinh nghiệm học từ các mẹ, các bà thì bà còn tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo những bộ trang sức đẹp, độc đáo song vẫn trung thành với bản sắc văn hóa tộc người Ca Dong.

“Những gì là hồn cốt của ông bà để lại thì vẫn luôn ở đấy, trong từng cách xỏ cườm, kết đính, hoa văn, chi tiết. Nhưng mình linh hoạt phối hợp nhiều màu sắc, sáng tạo cách gút dây để bộ trang phục đồng bào Ca Dong trở nên ấn tượng, đặc sắc hơn. Nghe đơn giản nhưng phải mất nửa đời người mới đúc kết được. Người làm không chỉ cần khéo léo, mà còn có sự chú tâm, hiểu biết văn hóa” - bà Hà nói.

Bà Hà nâng niu, chăm chút bộ trang phục truyền thống như “báu vật' trong gia đình. Ảnh: Q.L
Bà Hà nâng niu, chăm chút bộ trang phục truyền thống như “báu vật' trong gia đình. Ảnh: Q.L

Ngoài am hiểu về múa cồng chiêng, chế tác trang phục truyền thống, bà Hà còn thông thạo với việc đan lát những nông cụ hàng ngày như gùi, mủng, sàng gạo của đồng bào Ca Dong. Những sợi mây, tre đan qua đôi tay bà Hà làm nên đường viền, hoa văn nổi lên độc đáo, ấn tượng. Gần như trong làng ngày nay không ai có tay nghề để làm nên những sản phẩm như vậy. Đó cũng là một trong rất nhiều trăn trở của bà Hà, ông Minh về bảo tồn văn hóa…

 

Ở 3 xã vùng cao Hiệp Đức gồm Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia, bà Hà là người có uy tín của cộng đồng. Bà Hà được mọi người tôn trọng vì luôn đi trước làm gương, giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong làng, thường biết cách giúp người dân thay đổi tập quán lạc hậu, cho con cái đến trường, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Điều này cũng là cơ sở để bà Hà tự tin có thể vận động người dân giữ văn hóa truyền thống.

Vợ chồng bà Hà giữ văn hóa truyền thống để làm gương cho bà con noi theo. Ảnh: Q.L
Vợ chồng bà Hà giữ văn hóa truyền thống để làm gương cho bà con noi theo. Ảnh: Q.L

“Khi đời sống người dân ngày càng phát triển thì nhiều tập tục, văn hóa truyền thống của đồng cao có nguy lơ lai tạp, mai một. Ở Sông Trà những năm 90 của thế kỷ trước, số người biết làm trang phục truyền thống, múa cồng chiêng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không thể để vốn văn hóa truyền thống đi vào lụi tàn, năm 1999, hai vợ chồng tôi thành lập đội cồng chiêng Trà Va. Sau những ngày bà con đi rẫy, chúng tôi tập hợp mọi người, hướng dẫn cách đánh chiêng, dạy múa và làm trang phục truyền thống”.

“Tập trung mọi người đông đủ đã khó, để hướng dẫn từng người nắm được từng điệu múa cơ bản, rồi sang múa đẹp càng khó hơn bội phần. Bà con đều quen làm rẫy, tay chân thô cứng nên chưa quen với nhịp chân, nhịp tay. Nhưng may mắn, mọi người chịu tiếp thu, đoàn kết một lòng bảo tồn văn hóa truyền thống nên kỹ năng ai nấy khá lên từng ngày” - bà Hà nói.

[CLIP] - Vợ chồng bà Hà gìn giữ trang phục truyền thống của đồng bào Ca Dong:

Chỉ sau đó một năm, đội cồng chiêng gồm 20 thành viên (6 nam, 14 nữ) đã thành thục từng động tác, nhịp điệu và gắn kết với nhau. Khi đội múa đi giao lưu ở 3 xã vùng cao, ai cũng tấm tắc khen ngợi vì nam đánh cồng chiêng hay, nữ xinh đẹp, múa khéo.

Vợ chồng bà Hà thường kể những câu chuyện về văn hóa đồng bào Ca Dong cho trẻ em địa phương. Qua đó, giúp các em nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Q.L
Vợ chồng bà Hà thường kể những câu chuyện về văn hóa đồng bào Ca Dong cho trẻ em địa phương. Qua đó, giúp các em nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Q.L

Tạm an tâm với việc phổ biến điệu múa cồng chiêng, bà Hà lại lo đến việc giữ trang phục truyền thống. Bà tập hợp chị em lớn nhỏ trong làng để truyền lại kinh nghiệm đính cườm, làm trang sức… Ban đầu mọi người đều hứng thú, nhưng không có sự kiên trì, dẫn đến việc không ai theo nghề đến cùng. Vài người cũng chú tâm, nắm cách làm nhưng không thể làm nên một bộ trang sức đẹp.

Bà Hà chia sẻ, vốn quý văn hóa truyền thống của đồng bào không thể cảm thụ được trong vài ngày, mà là quá trình dài. Làm ra bộ trang phục truyền thống cũng vậy, cần tỉ mỉ, kiên trì từng ngày mới có sản phẩm ưng ý. Tự làm cho mình mặc và mặc đẹp đó mới sự khéo léo, giỏi giang của cô gái Ca Dong. Nhưng ngày nay, số người như vậy ở Sông Trà hiếm dần. Khi cô gái nào trong làng hứng thú với trang phục truyền thống, lòng bà Hà vui như mở hội, bà hết lòng hết sức hướng dẫn tận tình.

 
 

Bà Hà tâm sự, hai năm nay dịch bệnh, lễ hội, chương trình cũng tạm ngưng nhiều. Còn trước đó, năm nào cũng có vài chương trình cấp huyện, tỉnh mời đội múa cồng chiêng của xã tham gia. Chuẩn bị cho việc tham gia bất cứ chương trình hay lễ hội nào, bà phải kêu gọi mọi người từ sớm để bà con sắp xếp việc nương rẫy về tập luyện, chăm chút cho trang phục. Vui nhất là mỗi khi tập luyện thì trẻ em cứ quấn quít, trầm trồ, chăm chú xem người lớn đánh chiêng, nhảy múa. 

Chàng trai cô gái Ca Dong ấn tượng trong trang phục truyền thống. Ảnh: Q.L
Chàng trai cô gái Ca Dong ấn tượng trong trang phục truyền thống. Ảnh: Q.L
 

Chuyện bảo tồn văn hóa, vợ chồng bà Hà không còn đơn độc khi có sự chung tay từ chính quyền địa phương. Thời gian qua, huyện Hiệp Đức đã ban hành nhiều chủ trương về bảo tồn văn hóa Ca Dong, hỗ trợ cồng chiêng cho các làng. Đáng mừng nhất, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức (xã Sông Trà) cũng đưa điệu múa cồng chiêng trở thành môn học cho học sinh trong trường.

[CLIP] - Bài múa cồng chiêng của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức biểu diễn tại chương trình “Quê mình xứ Quảng”. Nguồn: QRT

“Sự chung tay của chính quyền các cấp giúp chúng tôi vơi đi một phần trăn trở. Các cháu ở trường sẽ học kỹ năng cơ bản, còn cuối tuần hay nghỉ hè, bọn trẻ ở Trà Va sẽ về làng để chúng tôi kèm cặp, chỉ dẫn thêm. Các cháu trẻ, tiếp thu nhanh cách đánh cồng chiêng, động tác chân tay, thần thái tốt nên múa đẹp không thua kém gì người lớn. Chỉ cần có đam mê, luyện tập, biểu diễn thường xuyên thì văn hóa sẽ chẳng lo bị mai một” - ông Minh cho biết.

Bà Hà dạy trẻ em làm trang phục truyền thống. Ảnh: Q.L
Bà Hà dạy trẻ em làm trang phục truyền thống. Ảnh: Q.L
 

Xã Sông Trà có 316 hộ đồng bào dân tộc Ca Dong với 1.438 khẩu, chiếm hơn 52% dân số toàn xã. Những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa đồng bào Ca Dong được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Hằng năm địa phương tổ chức Ngày hội văn hóa vùng cao, đồng bào các dân tộc 3 xã vùng cao có điều kiện gặp gỡ, tranh tài ở các loại hình trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, hát múa cồng chiêng, ẩm thực rượu cần, các món ăn truyền thống của đồng bào Ca Dong… Nhất là việc phát huy vai trò của người tiêu biểu có uy tín, các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân.

 

***

Hai vợ chồng bà Hà gửi gắm hy vọng bảo tồn văn hóa truyền thống ở lớp trẻ.Ảnh: Q.L
Hai vợ chồng bà Hà gửi gắm hy vọng bảo tồn văn hóa truyền thống ở lớp trẻ.Ảnh: Q.L

Tuổi đã cao, đôi chân không còn đủ khỏe để uyển chuyển theo điệu múa nhưng tình yêu với múa cồng chiêng chẳng bao giờ cạn. Nhìn cách ông Minh - bà Hà khoác lên mình bộ quần áo truyền thống, người gõ chiêng, người chỉ dẫn cho các cháu nhỏ trong làng những động tác múa cơ bản cứ ngỡ họ vẫn đang xuân thì. Cả hai vẫn ngày ngày miệt mài, trên con đường dài gieo hy vọng ở lớp trẻ. 

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Người lưu giữ văn hóa truyền thống Ca Dong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO