[eMagazine] - Nổ mìn, đẩy đuổi “vàng tặc” trong Vườn quốc gia Sông Thanh

QUẢNG NAM MEDIA 23/03/2021 20:53

(QNO) - Lần đầu tiên, tỉnh Quảng Nam lên phương án đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh để ngăn chặn vĩnh viễn “vàng tặc”. Công tác này đang được tỉnh giao các ngành, các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường chính xác, cụ thể để vừa đảm bảo an ninh, an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ và người dân địa phương, vừa tránh tác hại đến tính đa dạng sinh học trong vườn quốc gia.

 

Giữa tháng 2.2021, đoàn công tác của Ban chỉ đạo đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh của UBND tỉnh đã tiếp cận được khe Tà Vạt, xã Đắc Pring (Nam Giang) sau nhiều giờ đồng hồ di chuyển bằng ghe trên lòng hồ Thủy điện Sông Bung 4 và đi bộ xuyên rừng. Giữa rừng sâu, khu vực khe suối Tà Vạt là một công trường ngổn ngang, hoang tàn do hoạt động khai thác vàng trái phép…

Nhiều cây cổ thụ trong Vườn Quốc gia Sông Thanh bị đốn hạ để xây dựng bãi vàng trái phép.
Nhiều cây cổ thụ trong Vườn quốc gia Sông Thanh bị "vàng tặc" đốn hạ để xây dựng bãi vàng trái phép.

Đồi núi sạt lở nham nhở; nhiều cây rừng cổ thụ bị đốn hạ; dọc khe suối Tà Vạt có rất nhiều đoạn bị “vàng tặc” chặn lại để đãi vàng, bốc mùi nồng nặc của hóa chất. Bên cạnh các hầm vàng cũ, một số hầm mới vừa bị “vàng tặc” khoét sâu vào lòng núi với nhiều ngóc ngách được chằng chống bằng gỗ tạm bợ; có nhiều hầm lò đào sâu, chỉ vừa đủ một người ra vào. Cạnh miệng hầm là những lán trại được các đối tượng khai thác vàng trái phép dựng lên để làm nơi ăn, ở. Các dụng cụ, phương tiện, máy móc đào, đãi vàng nằm ngổn ngang…

Tổng cộng có 17 hầm khai thác vàng trái phép tại Tà Vạt, đã được lực lượng chức năng kiểm tra, đánh dấu theo số thứ tự để thuận tiện cho công tác quản lý, triệt phá.

 
Khung cảnh tan hoang trong rừng do "vàng tặc" tàn phá để khai thác vàng

Công tác tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh từ năm 2008 đến nay, Kiểm lâm viên Trần Duy Minh (Tổ phó Tổ truy quét, chốt chặn các bãi vàng trái phép tại Vườn quốc gia Sông Thanh) gần như tham gia tất cả các vụ truy quét “vàng tặc”, nắm rõ địa bàn và các khu vực bãi vàng trái phép nơi đây. Theo ông Minh, việc khai thác vàng trái phép trong khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh diễn ra từ những năm 1980, kéo dài đến nay. Bên cạnh một số bãi vàng lớn như Thạnh Mỹ 1 (47 hầm), Thạnh Mỹ 2 (11 hầm), Tà Vạt (17 hầm), Trại 5 (3 hầm) thì vẫn có tình trạng khai thác quy mô nhỏ tại một số bãi như bãi 85, 400…

 

Theo ông Minh, qua công tác tuần tra cũng như từ lời khai khi bị bắt lại của các phu vàng đang làm việc tại các bãi vàng trong khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh, quá trình khai thác vàng ở đây không dùng chất cyanua, nhưng sử dụng rất nhiều các loại thuốc nổ. Phương pháp này được “vàng tặc” thường xuyên sử dụng để phá đất, đá tạo độ mềm, thuận lợi cho quá trình đục thủ công. Lực lượng kiểm lâm qua các đợt truy quét đã phát hiện vỏ của rất nhiều loại thuốc nổ và các dây điện dẫn kíp nổ.

Trước đây, do lực lượng kiểm lâm mỏng nên công tác bảo vệ, triệt phá các bãi vàng gặp phải rất nhiều khó khăn. Tại một số bãi vàng sau khi các lực lượng tiến hành truy quét, đẩy đuổi trở về, các đối tượng “vàng tặc” đã quay trở lại đào hầm, khai thác. Nhưng 2 năm gần đây, từ nguồn kinh phí từ dịch vụ chi trả môi trường rừng, công tác tuần tra, truy quét diễn ra thường xuyên hơn nên tình trạng khai thác vàng trái phép giảm, không còn rầm rộ như trước. 

 
 

Vào thời điểm trước Tết Tân Sửu 2021, lực lượng chức năng đã tiến hành truy quét, đẩy đuổi hơn 100 đối tượng ở bãi vàng Tà Vạt, Thạnh Mỹ 1 và Thạnh Mỹ 2 ra ngoài lâm phận quản lý; đã phá hủy gần 50 lán trại cùng nhiều máy móc, dụng cụ mà đối tượng dùng để khai thác vàng trái phép.

 

Gần đây, Tổ truy quét, chốt chặn các bãi vàng trái phép tại Vườn quốc gia Sông Thanh do Kiểm lâm viên Trần Duy Minh trực tiếp điều hành đã lập chốt tại rừng, tổ chức tuần tra, truy quét liên tục. Chốt được lập tại một lán trại được tận dụng lại từ các đối tượng khai thác vàng, mỗi ngày 9 thành viên trong tổ chia thành 2 nhóm. Một nhóm 7 thành viên sẽ tham gia công tác tuần tra, nhóm còn lại sẽ trực chốt.

“Tôi là người trực tiếp dẫn lực lượng đi tuần tra vì bản thân nắm địa bàn, biết mức độ nguy hiểm của các hầm, nắm cách di chuyển, hướng điều tra khi phát hiện dấu vết ra sao. Đặc biệt, khi đối mặt với các đối tượng “vàng tặc” phải biết cách xử lý, vì đa phần khi bám trụ tại rừng thì họ thuộc thành phần nghiện ngập và rất liều lĩnh. Thực tế, khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, các đối tượng này đã bỏ chạy, nhưng việc truy bắt trong rừng với lực lượng mỏng là rất khó” – ông Minh nói.

“Vàng tặc” đa phần là các đối tượng nghiện ngập, liều lĩnh và rất cảnh giác đã gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm lâm trong công tác truy bắt, đẩy đuổi.
“Vàng tặc” phần lớn là các đối tượng nghiện ngập, liều lĩnh và rất cảnh giác nên gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm lâm trong công tác truy bắt, đẩy đuổi.

Mời bạn đọc xem clip lực lượng chức năng tuần tra, truy quét "vàng tặc" trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh:

Để truy bắt “vàng tặc” ngay tại bãi vàng khi đang khai thác thì lực lượng chức năng phải thực hiện theo phương pháp “mật phục”. Bởi, khi ra quân công khai từ trụ sở, đi theo đường mòn vào bãi thì các đối tượng “chim mồi” sẽ thông tin, các phu vàng trong bãi sẽ lập tức ẩn nấp. Nhưng nếu mật phục, lực lượng chức năng phải ra quân vào ban đêm, đi cắt rừng hàng giờ đồng hồ. Đường rừng về đêm, suối đá trơn trượt, rắn rít và các côn trùng độc hoạt động về đêm là những thách thức, nguy hiểm khó lường mà các lực lượng kiểm lâm như ông Minh thường xuyên gặp phải.

Để truy quét “vàng tặc” nằm sâu trong Vườn quốc gia Sông Thanh, lực lượng chức năng phải mật phục, băng cắt rừng hàng giờ đồng hồ.
Để truy quét “vàng tặc” nằm sâu trong Vườn quốc gia Sông Thanh, lực lượng chức năng phải mật phục, băng cắt rừng hàng giờ đồng hồ.

Ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh cũng cho rằng, chủ rừng và chính quyền địa phương gặp khó khăn trong quản lý, kiểm soát đối tượng, bởi đây là “miền đất sống” cho các đối tượng ma túy, trốn lệnh truy nã, mại dâm ngoài tỉnh vào. Nhưng cuối năm 2020, sau khi công bố chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh, UBND tỉnh đã vạch ra nhiều phương án bảo vệ nghiêm ngặt khu vực này. Trong đó, đáng chú ý là công văn của Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh về việc đánh sập các hầm vàng trong Vườn quốc gia Sông Thanh, mở ra những hy vọng về việc triệt phá, đẩy đuổi vĩnh viễn “vàng tặc” ra khỏi lâm phận này. 

Đánh sập các hầm vàng trong Vườn quốc gia Sông Thanh sẽ là giải pháp triệt phá, đẩy đuổi vĩnh viễn “vàng tặc” ra khỏi lâm phận này.
Đánh sập các hầm vàng trong Vườn quốc gia Sông Thanh sẽ là giải pháp đẩy đuổi vĩnh viễn “vàng tặc” ra khỏi lâm phận này.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu - Trưởng ban chỉ đạo đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh sau khi trực tiếp kiểm tra tại bãi vàng trái phép Tà Vạt và lắng nghe báo cáo của các đơn vị chức năng đã đánh giá, khai thác vàng trái phép đã tác động lớn đến môi trường, nguy cơ bất ổn an ninh trật tự, nguy hiểm tính mạng con người nên cần sớm triệt phá. Phương án đánh sập hầm vàng trong thời gian tới sẽ là giải pháp triệt để ngăn chặn vĩnh viễn tình trạng này; góp phần vào công tác bảo tồn Vườn quốc gia Sông Thanh.

 

Tuy nhiên, nơi thực hiện công tác đánh sập hầm vàng là trong khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh nên phương án thực hiện như thế nào cho đảm bảo an toàn tính mạng cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, người dân cũng như hạn chế những tác động đến môi trường, đa dạng sinh học thì cần tính toán cụ thể. Thông tin trong cuộc họp khẩn diễn ra ngay tại bãi vàng Tà Vạt, Ban chỉ đạo đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh đã yêu cầu lực lượng Công an và BĐBP tỉnh phối hợp đảm bảo vấn đề an ninh trật tự. BCH Quân sự tỉnh tổ chức khảo sát thực tế, tính toán xác định khối lượng thuốc nổ phù hợp để đánh sập hoàn toàn các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh.

 

“Trước mắt, trong thời gian chờ Bộ Quốc phòng đồng ý phương án dùng mìn đánh sập hầm vàng, các lực lượng sẽ phải phối hợp chốt chặn, tuần tra liên tục đến khi triển khai đánh sập các hầm vàng, không cho “vàng tặc” vào lại các bãi vàng. UBND tỉnh đang vạch ra phương án cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng, ngành chức năng để khoảng hơn một tháng nửa, 17 hầm hàng ở Tà Vạt sẽ là nơi đầu tiên triển khai việc đánh sập. Sau đó, UBND tỉnh và các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục họp bàn, rút kinh nghiệm để tiến tới đánh sập các bãi vàng còn lại trong Vườn quốc gia Sông Thanh” – ông Bửu cho biết.

Mời bạn đọc xem clip Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu thông tin về kế hoạch đánh sập các hầm vàng trái phép trong Vườn quốc gia Sông Thanh:

***

Không còn “vàng tặc”, không còn tiếng nổ mìn hay hạ cây cối, phá núi tìm vàng, những cánh rừng già rồi sẽ lại sinh sôi trong không gian yên bình, các loài vật rồi sẽ trở về “ngôi nhà” vốn thuộc về nó. Một diện mạo mới đúng nghĩa của khu vườn quốc gia sẽ về với Sông Thanh, mang lại kỳ vọng trong việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn; bảo tồn đa dạng sinh học và tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái ở dải Trung Trường Sơn.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Nổ mìn, đẩy đuổi “vàng tặc” trong Vườn quốc gia Sông Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO