[eMagazine] - Nương theo hương lụa

XUÂN HIỀN 06/03/2023 12:20

Tơ lụa có... "hương". Sẽ lạ lùng thay, nhưng Trần Thị Yến đã "bắt" tơ tằm dậy mùi. Thoảng những cuộc hành hương thấm đẫm trong từng sớ vải, thoảng chút trầm mặc của đất phù sa và những nhiệm màu từ chuyến trở về năm nọ...

 
 
 

Khi tơ lụa Mã Châu mỹ miều chắp cánh cho hàng trăm thiết kế, giới mê thời trang kháo nhau về một chất liệu lạ lùng. Không mới nhưng độc đáo. Không sặc sỡ sắc màu của nhà giàu nhưng khiêm cung thần thái của quý tộc. Những đường tơ đã làm rộn lòng bao kẻ. Để một ngày, vì quá mê những sợi tơ, vuông lụa, Trần Thị Yến cả quyết đeo đuổi chuyện phục hưng... 

Trần Thị Yến - cô gái dốc cạn lòng mình đeo đuổi chuyện phục hưng lụa Mã Châu
Trần Thị Yến - cô gái dốc cạn lòng mình đeo đuổi chuyện phục hưng lụa Mã Châu. Ảnh: LTK

Trần Thị Yến nói, cô tin vào những giao cảm. Ngày cha mình, cũng là nghệ nhân ưu tú duy nhất của làng lụa Mã Châu còn làm lụa - ông Trần Hữu Phương, đăm chiêu trước hơn một nửa khung dệt xếp cất, cô biết mình cần phải làm gì. Chưa định hình rõ ngày sau, nhưng tâm thế của cuộc quay về làng đã nhen nhóm. Đó là một ngày mùa hè năm 2015, khi Yến buộc phải lựa chọn là nhân viên ngân hàng hay về quê làm lụa cùng cha? Những ngày mà Yến biết, cha cô chưa bao giờ mong con trở về... cùng mình cực khổ.

 

Và Yến chọn về làng. Trong cái nhìn xa xăm của cha mình, Trần Thị Yến biết điều mà cô cần phải níu giữ. Đó là danh xưng 600 năm tơ lụa Mã Châu, cũng là tên làng đầy tự hào mỗi lần cô gái này giới thiệu gốc gác của mình. Và cũng là mối giao cảm của một người con với nhiều đời gia đình làm nghề dệt lụa. Khung cửi, tiếng kẽo cà kẽo kẹt, tiếng tằm ăn rỗi, tiếng những cô gái nơi bến đò tơ dạo ấy... như thước phim ký ức xoay chầm chậm trong lòng cô gái trẻ.

Yến nói cha mình đã chắt chiu nhọc nhằn, bao nhiêu năm làm một con tằm đơn độc trên nong, chỉ để cứu lấy danh xưng tơ lụa Mã Châu. Đến mình, những ngày đầu, cô loay hoay tìm một con đường khác. Bởi lẽ, nhiều năm dài, làng nghề tơ lụa Mã Châu với rất đông người làm nghề chỉ ngày ngày dệt hàng thô rồi phân phối cho những làng nghề từ Nam chí Bắc tiếp tục gia công. Khi sản phẩm bán ra thị trường, nó không còn mang thương hiệu Mã Châu.

Đó chính là nút thắt mà Yến nói, mình phải mất rất nhiều tháng tìm hiểu thị trường mới biết được.

Trần Thị Yến từng bước phục dựng thương hiệu tơ lụa Mã Châu. Ảnh: XUÂN HIỀN
Trần Thị Yến từng bước phục dựng thương hiệu tơ lụa Mã Châu. Ảnh: LTK

Năm 2015, bước thay đổi ngoạn mục khi chính HTX Tơ lụa Mã Châu do ông Phương làm chủ, dừng sản xuất hàng thô và bắt đầu sản xuất tơ tằm thành phẩm. Vậy là căn xưởng khi ấy bắt đầu nhập thêm máy móc để làm các công đoạn từ nấu trụi mềm, nhuộm, in hoa văn... Những thớ lụa Mã Châu ra đời, như đúng lụa của mấy chục năm trước mà ông Phương từng cùng cha mình trân quý. 

Cho đến lúc ông Phương “mơ ngày tơ lụa vàng son” thì Yến, lại mong ngày tơ lụa Mã Châu dựng nên thương hiệu trong giới chuyên nghiệp. Từ HTX Tơ lụa Mã Châu chỉ với duy nhất vốn là sổ đỏ của ông Trần Hữu Phương, bằng tri thức người học kinh tế loại ưu, Yến xốc vác từng thứ một. Để khi Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu ra đời, với đầy đủ giấy tờ pháp lý, Yến bắt đầu cuộc lội ngược dòng. 

[VIDEO] - Trần Thị Yến bộc bạch về hành trình đeo đuổi phục hưng lụa Mã Châu:

CLIP: HỒ QUÂN

 

Hành trình của Yến với tơ lụa chưa bao giờ là dễ dàng. Sau những nhọc nhằn cho sớ lụa Mã Châu xuất xưởng, va chạm đầu tiên của Yến là khi bước vào thị trường. Các chủ shop ở Hội An tấm tắc khen lụa đẹp. Nhưng để bỏ ra gấp đôi, thậm chí gấp ba số tiền khi mua một mét lụa Trung Quốc tương đương, đồng nghĩa với giá bán một bộ áo dài, một chiếc khăn lụa sẽ phải tăng gấp đôi gấp ba. Người bán nói, họ không muốn đánh cược. Yến mang mẻ lụa đầu tay, với 100% dệt từ tơ tằm, trở về Mã Châu. Cô bắt đầu tìm cách thức kinh doanh khác.

Trên các diễn đàn mạng, Yến bày tỏ thái độ và kiến thức của mình về tơ lụa truyền thống. Cô tìm cách kết nối với một số nhà thiết kế trẻ. Chưa kể, những năm khi thương mại điện tử chưa bùng nổ, Trần Thị Yến đã biết cách để đưa tơ lụa Mã Châu lên sàn kinh doanh. 

Nhớ lại, bao giờ cũng khiến lòng người xao động. Yến nói những lúc khó khăn khi sản phẩm bị từ chối, cô mới biết rằng, cha mình đã bộn bề vất vả thế nào. Bởi ông Phương cũng từng mang tơ lụa vào Nam ra Bắc, những chuyến xe đường dài ghé xưởng trở thành chỉ dấu của mỗi lần vắng nhà dài ngày của cha. Nên ngay khi bắt tay vào công cuộc phục hưng lụa, Yến biết cô phải tìm đến đúng phân khúc khách hàng của dòng sản phẩm đặc biệt này.

Chương trình văn hóa du lịch với chủ đề “Cổ phục Việt - nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ” năm 2020 chọn lụa Mã Châu cho những thiết kế truyền thống của mình. Ảnh: ĐINH TRÀ
Chương trình văn hóa du lịch với chủ đề “Cổ phục Việt - nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ” năm 2020 chọn lụa Mã Châu cho những thiết kế truyền thống của mình. Ảnh: ĐINH TRÀ

Cô gõ cửa nhà thiết kế Lê Thanh Hòa để kể về câu chuyện tơ lụa Mã Châu. Và chính những nhà thiết kế đã nhận diện được sự vô giá của tơ lụa Việt. Đặc tính riêng của tơ lụa Mã Châu cùng câu chuyện lịch sử 600 năm làng nghề đủ sức thu hút những người luôn tôn trọng các giá trị thuần Việt. Họ đã chắp cánh để định danh và định vị những sản phẩm truyền thống - cũng là di sản của đời sống Việt.

 

Với Trần Thị Yến, cuộc lội ngược dòng nhưng cũng như một cuộc bắt đầu. Là sự gầy dựng, sự nỗ lực và... sự cảm nhận. Cha Yến nói, nếu không cảm nhận được những sợi tơ, thì không thể nào làm ra lụa. Với Yến, nếu không bắt đầu bằng cảm xúc mãnh liệt của một đứa trẻ từng chứng kiến những thăng trầm của gia đình, thì không thể nào vượt lên chông gai mà cuộc đời này đặt ra. Như viên đá ném đi, tiếng vọng lại sau đó mới là thứ khiến mình đau đáu.

Yến đã tự tin để bày tỏ cho người si mê lụa và sành mặc, rằng tơ lụa Mã Châu có sắc thái riêng, giá trị riêng mà không loại lụa nào có được. Chính điều này đã ngoạn mục làm nên những đơn hàng liên tục về với công ty, từ chính các nhà thiết kế trong và ngoài nước. Yến nói, từ nay cho đến 3 tháng nữa, công ty không dám nhận thêm đơn đặt hàng. Cô đang tìm cách mở rộng nhà xưởng để đáp ứng tối đa nhu cầu người tiêu dùng. 

 

Cho đến bây giờ, sau 8 năm dốc sức làm lụa, Trần Thị Yến nói, chưa bao giờ cô hối hận vì lựa chọn ở làng lập nghiệp. Từng đầu việc được hoạch định cụ thể, rõ ràng. Năm 2019, logo nhận diện tơ lụa Mã Châu ra đời, như một cách phục hưng lại thương hiệu cho làng nghề. Năm 2021, sản phẩm khăn lụa Mã Châu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Quảng Nam.

Yến nói, từ sự thừa nhận và hỗ trợ của các nhà thiết kế về lụa Mã Châu, chính là bước mới để khách hàng thoát khỏi tư tưởng về lụa không chỉ dành để may áo dài.

Con tằm, sợi kén, nén tơ làm nên thương hiệu Lụa Mã Châu. Ảnh Facebook Làng Lụa Mã Châu
Con tằm, sợi kén, nén tơ làm nên thương hiệu Lụa Mã Châu. Ảnh Facebook Làng Lụa Mã Châu

Hiện tại, tơ lụa Mã Châu chỉ bán hàng trực tiếp, không qua tay bất kỳ đại lý, đơn vị bán hàng nào. Đây là cách để Yến giữ cho tơ lụa Mã Châu không bị trà trộn bởi bất cứ dòng lụa nào khác. Ngoài ra, cô còn tổ chức bán hàng online trên các trang điện tử và website machausilk.com. Sản lượng mỗi tháng của xưởng hiện nay sản xuất hơn 3 nghìn mét vải lụa, nhưng vẫn bị thiếu. Yến nói con số này mới đáp ứng được 40% nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, vùng nguyên liệu cũng là điều Yến đang trăn trở. "Hiện Mã Châu đang sử dụng tơ ươm thủ công tại Duy Thu, Điện Quang. Nếu phát triển tốt về vùng nguyên liệu, tôi nghĩ Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu đủ sức để bao tiêu đầu ra cho các vùng này" - Yến nói.

Cô còn kỳ vọng sẽ đưa du lịch trải nghiệm về phát triển làng nghề. Tuy nhiên, những vướng mắc về hồ sơ thuê đất thời gian qua khiến giấc mơ này vẫn dở dang. Từ tết đến nay, cô cũng đã từ chối hơn 10 đoàn khách du lịch muốn tham quan làng nghề và nhà xưởng cũng như trải nghiệm các bước ươm tơ dệt lụa của làng nghề...

[VIDEO] - Lụa Mã Châu:

CLIP: HỒ QUÂN

Dẫu vậy, hành trình của Yến cùng tơ lụa trên dòng sông Thu, đã đủ để tạc vóc chân dung của một phụ nữ Việt thời hiện đại: dám nghĩ, dám làm, dám sống với mê say của mình...

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Nương theo hương lụa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO