[eMagazine] - Qua miền lễ hội đầu xuân

X.HIỀN – Q.TUẤN – A.NGƯỚC – H.X.H – PHÚ BÌNH 04/02/2023 16:20

Tháng Giêng là tháng của lễ hội. Từ rừng xuống biển, các cộng đồng bản địa tổ chức các nghi lễ và vui hội mang ý nghĩa khai mở các hoạt động đầu xuân, cầu mong một năm được mùa, đời sống ấm no.

 
 

Lễ hội Tết Nguyên tiêu Hội An vừa trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, thêm lần nữa định vị về giá trị văn hóa dân gian, cộng đồng trong nếp sống của người phố cổ...

Giá trị độc đáo

Ông Trần Văn An - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (VHDG) Hội An cho rằng, lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An là một tập quán, tín ngưỡng có nét giao lưu, tiếp biến, dung hòa giữa hai nền văn hóa Việt - Hoa, được sáng tạo qua các thời kỳ và được lưu truyền, gìn giữ cho đến ngày nay.

Trong đó, có sự tham gia của cộng đồng người Việt, người Hoa sinh sống ở Hội An và các địa phương lân cận, với mục đích chính là tưởng nhớ tới tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn và cầu mong các vị thần bảo hộ, các vị tiền hiền phù hộ cho làng xóm, con cháu an lành, làm ăn khá giả, phát tài.

Người dân xếp hàng chờ đến lượt để xin lộc, viếng hương vào lễ hội Nguyên tiêu tại các hội quán, đình chùa ở Hội An.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt để xin lộc, viếng hương vào lễ hội Nguyên tiêu tại các hội quán, đình chùa ở Hội An.

Theo các nhà nghiên cứu VHDG, lễ hội Nguyên tiêu là dịp để cư dân Hội An trình diễn bản sắc văn hóa cộng đồng cũng như lưu giữ và trao truyền bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Việt, Hoa. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng, trong đó các hoạt động cộng đồng tập trung chủ yếu từ ngày 12 đến ngày 18, lễ chính vào ngày 16 tháng Giêng.

Theo Hồ sơ đề nghị công nhận Di sản quốc gia lễ hội Nguyên tiêu, ở Hội An có câu "Triều Châu nổ pháo Nguyên tiêu mới hết tết".  "Bởi lẽ, trước đây bang Triều Châu có tục cúng Nguyên tiêu rất lớn, quy mô bậc nhất ở Hội An. Trong dịp này, cộng đồng bang thường đốt pháo hoa, khi nổ có nhiều màu sắc và hình dáng rất đẹp, vì thế người dân địa phương cho rằng khi nào bang Triều Châu đốt pháo hoa thì mới hết tết.

Các hoạt động trên đường phố cổ trong dịp lễ hội Tết Nguyên tiêu tại Hội An. Ảnh: L.T.K.
Các hoạt động trên đường phố cổ trong dịp lễ hội Tết Nguyên tiêu tại Hội An. Ảnh: L.T.K.

Không như tết Nguyên đán, được tổ chức tại gia đình, dòng tộc là chính, mang tính sum họp, đoàn viên trong phạm vi gia đình, lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An là tết của cộng đồng, mang tính tập thể, hầu như nhà nào cũng cúng rằm tháng Giêng nhưng các hoạt động chủ yếu được tổ chức tại các di tích tôn giáo, tín ngưỡng chung của cộng đồng”.

Ông Tăng Xuyên - Trưởng ban Trị sự di tích Minh Hương Tuỵ tiên đường cho biết, dịp Nguyên tiêu với các hội quán của cộng đồng người Hoa còn là ngày tế tự tiền hiền, là dịp để con cháu trong bang gặp mặt thường niên. Các thương nhân buôn bán tại Hội An cũng tổ chức cúng tế tại gia đình, tại cửa hiệu để cầu tài lộc, cầu mong công việc làm ăn được thuận lợi, như ý.

Lễ hội của cộng đồng

Ông Quảng Văn Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, điều đặc biệt ở lễ hội Nguyên tiêu Hội An là diễn ra trong không gian rộng lớn bao gồm cả nội thị và các vùng nông thôn phụ cận. Trong đó phố cổ với rất nhiều chùa, đình, miếu, đặc biệt các hội quán của cộng đồng người Hoa là trung tâm của nhiều hoạt động, thu hút đông đảo người dân Hội An cũng như khách thập phương đến chiêm bái.

Từ năm 2010 đến nay, Nguyên tiêu trở thành lễ hội lớn của Hội An, thu hút cả chục ngàn người dân bản địa và các vùng lân cận cùng du khách. Năm nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng ngày 16 tháng Giêng, sau đêm trăng rằm Nguyên tiêu, đường phố Hội An đông người hơn hẳn thường nhật. Nhiều người dân từ các địa phương lân cận, đặc biệt là những người buôn bán, đến Hội An từ đêm rằm để chuẩn bị cho buổi lễ cầu tài, xin lộc đầu năm vào sáng hôm sau.

 

Đúng 5 giờ sáng, tại các điểm di tích trong khu vực trung tâm phố cổ như Quan Công miếu, hội quán Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Triệu… nghi ngút khói hương, bắt đầu mở cửa đón lượt khách đầu tiên vào lễ bái, từ đó cho đến cuối ngày, khách thập phương ra vào tấp nập cầu an xin lộc đầu năm.

Tục cầu tài, xin lộc, xin xăm đầu năm cũng là tục lệ tiêu biểu, là nét đặc trưng của lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An. Ông Trần Văn An cho rằng, vì Hội An vốn là thương cảng sầm uất trong lịch sử, vì thế buôn bán là nghề khá đặc trưng của vùng đất này. Với đặc điểm là một nghề thương mại, gắn bó với tính may rủi, lãi lỗ nên người buôn bán ở Hội An luôn tìm đến các hoạt động cầu may, cầu lộc, phát tài. Đó cũng là điều được duy trì để làm nên đặc trưng lễ hội đầu năm của phố cổ Hội An.

Theo cụ ông Dư Khắc Hưng (phường Minh An), từ hàng trăm năm trước cư dân Hội An và vùng lân cận đã có thói quen ghé về chùa Ông Bổn mỗi dịp Tết Nguyên tiêu để xem bắn pháo bông vào ban đêm. Pháo thời đó khi nổ tạo ra hình bông hoa, chim chóc và sau cùng thường có một câu liễn xổ xuống với dòng chữ vạn sự bình an.

Trong quan niệm dân, lễ hội Nguyên tiêu tại Hội An được xem là ngày “Thiên quan tứ phước” - tức ngày mà các quan nhà trời ban phước lành cho mọi sinh linh trên thế gian. Lộc mà dòng người thụ nhận từ chùa, hội quán là những cành hoa, lá trầu, gói muối. Có khi là nét chữ tài hoa gieo thêm niềm tin, điểm tựa để mọi người cùng hướng đến những điều tốt lành.

Bà Đàm Thanh Nga (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ, đã gần 10 năm nay cứ năm nào Hội An tổ chức hội Tết Nguyên tiêu là hai mẹ con bà lại ghé lại cầu an rồi thăm thú nhiều điểm đến khác trong thành phố. Gia đình cảm nhận được chùa, hội quán ở Hội An linh thiêng mà không quá xô bồ, chen chúc dù rất đông người nên luôn duy trì hành trình du xuân này nhiều năm qua.

Cầu an, xin lộc đầu năm ở Chùa Ông vào dịp Tết Nguyên tiêu. Ảnh: P.Q
Cầu an, xin lộc đầu năm ở Chùa Ông vào dịp Tết Nguyên tiêu. Ảnh: P.Q

Đêm 14 tháng Giêng năm nay, khu phố cổ Hội An sẽ có các hoạt động “Đêm phố cổ” và đêm thơ Nguyên tiêu tại sân đình Cẩm Phô. Như thường lệ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Giêng, tại Chùa Ông, Chùa Bà, Chùa Cầu, đình Hội An, đình Sơn Phong và Tụy Tiên Đường Minh Hương sẽ mở cửa phục vụ người dân và du khách dâng hương. Đến ngày 16 tháng Giêng, các hội quán Quảng Triệu, Triều Châu, Phúc Kiến đồng loạt tổ chức cúng Nguyên tiêu, giỗ tổ tiền hiền theo lễ tục truyền thống. Ở các đình làng, miếu xóm người dân cũng tổ chức tạ thổ kỳ yên đầu năm, cúng tế thần nông tiên thánh, thành hoàng làng để cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống an lạc.

Nét mới trong năm nay là hoạt động phụ trợ như diễn xướng tuồng, trò chơi bài chòi, viết thư pháp, vẽ mặt nạ gốm, trò chơi dân gian diễn ra với tần suất dày hơn, không gian lan tỏa hơn để tăng cường tương tác giữa cộng đồng, du khách với lễ hội. Các hoạt động dù mang yếu tố vật thể hay phi vật thể đều mang hơi thở mùa xuân, giúp người tham gia cảm nhận được quá trình cộng cư, tiếp biến văn hóa để hình thành nên các giá trị đặc sắc của lễ hội nơi đô thị di sản.

 
 

Những đứa trẻ vùng đông Thăng Bình, nhất là ở xã Bình Triều, năm nào cũng ngóng Cộ Bà. Không phải ai cũng tỏ tường giai thoại, sử liệu, tuồng tích. Nhưng chả sao cả, với nhiều đứa trẻ, chúng chỉ chờ đến kỳ khai lễ để lại được cuốn theo dòng người chơi hội...

Cộ Bà được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xếp vào nhóm 3 lễ hội văn hóa ở miền biển Quảng Nam – Đà Nẵng (cùng với lễ hội Cầu ngư và lễ hội Quán Thế Âm trên núi Ngũ Hành Sơn), đủ thấy sức sống của “Cộ”. Trong dòng ánh sáng và màu sắc rực rỡ từ đoàn rước, lũ trẻ vừa tò mò vừa kính sợ khi thấy kiệu Bà được chậm rãi khiêng ngang qua, cung nghinh chiếc ngai sơn son thếp vàng và phủ lễ phục nhung gấm đỏ. Và rồi, người chơi lễ “no mắt” với các cộ hoa, nơi những nghệ nhân trang trí khéo léo để phục hiện tuồng tích xưa: cảnh Hai Bà Trưng cỡi voi ra trận, vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, Bác Hồ ở chiến dịch Biên giới 1950… Phải thêm ít thời gian nữa để đứa trẻ ấy biết rằng các bô lão, nhân sĩ, chức sắc và người dân chợ Được đang thực hành nghi lễ nặng tính chất tâm linh, có ý nghĩa phụng tự để truy niệm đức Bà.

Người dân tập trung về làng Phước Ấm (xã Bình Triều, Thăng Bình) xem lễ hội rước cộ Bà Chợ Được.
Người dân tập trung về làng Phước Ấm (xã Bình Triều, Thăng Bình) xem lễ hội rước cộ Bà Chợ Được.

Theo lệ thường, lễ hội Cộ Bà diễn ra ngày 11 tháng Giêng âm lịch, đúng vào ngày dân làng Chợ Được đón nhận sắc phong của vua dành cho Thần nữ họ Nguyễn, húy là Của. Theo truyền thuyết, bà là con gái nhà khuê các ở Phiếm Ái, nay là xã Đại Cường (huyện Đại Lộc), sinh năm Canh Thân 1799, quy tiên năm 1818 khi mới 19 tuổi. Bà từng bốc thuốc cứu người, khi thác đi rất hiển linh nên được nhân dân sở tại lập đền thờ, sau còn vân du mách bảo dân chúng lập chợ ở Phước Ấm (Bình Triều) nên nhân dân lập miếu thờ. “Thần phả” ghi nhận, tháng 3 năm Thành Thái thứ 6 (1894), nhà Nguyễn sắc phong Bà là “Trai thục Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần”.

Đầu xuân, dọc theo các bến sông trên dòng Trường Giang luôn tưng bừng hội đua thuyền, nối dài từ chợ Bà (xã Bình Giang), chợ Được (xã Bình Triều) vô đến chợ Tây Giang (xã Bình Sa). Phía sau những náo nhiệt ấy ẩn chứa lời mời gọi.

 
 Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn từng nhận ra, người dân nghèo xứ Quảng quanh năm đầu tắt mặt tối nên “có lẽ chỉ có được những phút giây thư thái tâm hồn trong những ngày vui xuân”, như với lễ Cộ Bà. Giống như lễ hội cầu ngư, ở khía cạnh tâm linh, lễ hội Cộ Bà biểu hiện niềm tin vào sức mạnh của điều thiện, tin tưởng và nhớ ơn những bậc tiền nhân có công đức. “Dĩ nhiên, cũng không thể phủ nhận dấu vết của tín ngưỡng phồn thực ở những cư dân nông nghiệp và chài lưới của vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng. Lòng mong muốn được bình an khi đối mặt với thiên nhiên bão tố, ước mong được mùa lúa, mùa biển để cuộc sống ấm no (…) là những nhu cầu tâm linh chính đáng và không thể thiếu của cư dân vùng đất này” (Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, tập 3, NXB Hội Nhà văn 2018, trang 129).
 

 Ông Trương Công Hùng - nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho hay 3 thôn ở xã biển Bình Minh lại có đến 2 ngày “cúng bờ bến”. Ở thôn Hà Bình và Bình Tịnh, ngư dân chọn ngày mùng 6 tháng Giêng, còn ở thôn Tân An phải lùi thêm 10 ngày. “Sau tết, nếu trời yên biển lặng thì ngư dân có thể dong thuyền ra khơi, nhưng lúc quay về mà gặp lúc chưa đến ngày “cúng bờ bến” thì họ phải cho thuyền cập bờ ở nơi khác” - ông Hùng nói.

…Sau tết, những người con xa quê như tôi thường nhận được lời nhắc từ người thân ở vùng đông Thăng Bình: “Nhớ về xem rước Cộ Bà đó nghe!”. Từ ký ức riêng, lễ hội dần dà biến thành di sản chung. Theo thời gian, lễ hội như một lời hẹn hò và thấm sâu vào ký ức mùa xuân…

 

Lễ cầu bông ở làng Phú Hưng

Lễ cầu bông truyền thống ở làng Phú Hưng xưa (nay là xã Tam Xuân I, Núi Thành) nay cử hành vào ngày 14 tháng Giêng. Theo ông chánh bái Lê Ngô Thống (76 tuổi) thì cư dân thôn Phú Hưng của xã đều tham gia lễ cúng này. Lễ tiến hành vào buổi sáng, ban nghi lễ “khăn đóng áo dài” mời thầy cúng đến hành lễ. Nghi thức cúng, văn cúng khá giống các lễ cúng tá thổ đầu năm ở các địa phương khác, chỉ khác ở các phẩm vật cúng đậm màu sông nước: nhất thiết phải có một con cá nướng, một con cua luộc, một dĩa nộm gồm rau trộn với ruột ốc quắn, một dĩa trứng luộc, một dĩa ốc bươu luộc, một con gà hoặc con vịt nướng. Mâm cúng phải có mấy đoạn tre nhỏ vót thành hình đòn xóc. Cũng phải có bó cờ ngũ sắc để phân phát cho các gia chủ về cắm “cầu được mùa” ở vườn nhà.

Nơi diễn ra Lễ cầu bông thôn Phú Hưng (người trong ảnh: ông Lê Ngô Thống - chánh bái). Ảnh: P.B.
Nơi diễn ra Lễ cầu bông thôn Phú Hưng (người trong ảnh: ông Lê Ngô Thống - chánh bái). Ảnh: P.B.

Các nghi thức và phẩm vật trên đều kế thừa từ lễ cầu bông có từ rất lâu đời ở làng Phú Hưng xưa. Ông Lê Ngô Thống và một số vị cao niên cho biết, lễ cúng này nhằm thể hiện ước muốn cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trâu bò khỏe mạnh…

Trước đây, lễ cầu bông diễn ra trên nền tháp Một - một phế tích Chăm sát cận cụm tháp Khương Mỹ ở phía bờ nam sông Tam Kỳ. Lễ tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng, lúc cây lúa tháng Ba sắp tròn mình. Các mâm cúng bày trên nền tháp Một là của nông dân có trâu bò ở địa phương. Các mục đồng tập trung đủ trong lễ này và được ngồi vào ăn (bốc bằng tay) các mâm cỗ sau lễ cúng.

Cỗ bàn sắp thành mấy hàng trước ngôi miếu nhỏ. Các món cúng (đặt trên lá chuối) thường là: cua luộc, cá nướng, rau đắng trộn ruột ốc. Một phẩm vật không thể thiếu là đất sét nặn thành hình bánh xe được xâu thành cặp bằng một đoạn trúc nhỏ hình chiếc đòn xóc. Chủ bái là ông từ giữ miếu. Bài văn cúng có khá nhiều từ lạ được cho là từ Chăm. Cúng xong, mục đồng ăn xong, các chủ gia được chia một cặp bánh xe - đòn xóc đem về đặt trong bồ lúa nhà mình để cầu cho lúa luôn được đầy bồ.

Lễ cúng Dinh bà ở vạn Tân Hội

Dinh Bà ở phía đông của ngã ba sông Tam Kỳ. Tân Hội là một vạn ghe lâu đời của làng Quảng Phú (nay thôn Tân Phú, xã Tam Phú của Tam Kỳ). Vạn này có ba nghề truyền thống: cào hến, rổi cá, đánh cá ở sông và biển. Sau mùa đông đến tháng Chạp, hết mưa, trời ấm, ba hoạt động trên lại diễn ra bình thường. Khi ấy, ghe thuyền, lưới rớ đã được tu sửa, miếu Bà đã được quét dọn, sơn vôi mới, dụng cụ cào hến đã được dọn ra.

Sau lễ cúng Dinh bà, các tàu thuyền đều thực hiện nghi thức nổ máy chạy trên sông nhằm cầu mong cho một năm đánh bắt hải sản thuận lợi.
Sau lễ cúng Dinh bà, các tàu thuyền đều thực hiện nghi thức nổ máy chạy trên sông nhằm cầu mong cho một năm đánh bắt hải sản thuận lợi.

Theo thầy giáo hưu trí Trương Công Đổng (90 tuổi), lễ cúng Dinh bà ở vạn Tân Hội có ý nghĩa như một lễ ra quân chính thức đầu năm phải chờ đến mùng 8 tháng Giêng mới tiến hành. Ngày ấy, dân toàn vạn tập trung trước dinh Bà làm lễ cúng trước khi cho các loại ghe buôn, ghe đánh cá và ghe cào hến “chạy lấy lệ khai trương” đầu năm. Nội điện dinh Bà có các bài vị: thờ Bà (được gọi là Bạch thố Kim tinh Thần nữ), thờ Đại Sĩ (vị thần cai quản các âm binh và âm hồn không nơi nương tựa) và thờ Nam hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần (thần Cá Ông - chuyên phù hộ người đi biển).

Cúng xong ba vị thần này, ngư dân cho ghe chạy tỏa khắp ba hướng sông: Tam Kỳ (hướng nam), Bàn Thạch (hướng tây) và Quảng Phú (hướng đông). Cờ xí rợp mặt sông, tiếng trống, tiếng chiêng hòa cùng tiếng máy ghe (có từ thập niên 1960 về sau) tạo thành một quang cảnh nhộn nhịp, đầy âm thanh sắc màu, thể hiện mong ước nghề nghiệp bội thu của người dân sông nước.

 

Sau Tết Nguyên đán, người vùng cao bắt đầu hành trình “mở cửa rừng”, chuẩn bị cho cuộc mưu sinh mới. Phát huy văn hóa giữ rừng, người vùng cao duy trì lễ tục đầu năm, xem đó như một cách ứng xử văn minh với mẹ thiên nhiên…

Thiếu nữ vùng cao nhảy múa trong lễ hội đầu xuân.
Thiếu nữ vùng cao nhảy múa trong lễ hội đầu xuân.

Lễ ch’chrai “xin phép” thần linh

Người Cơ Tu vốn quan niệm mọi vật xung quanh đều có “hồn” (r’vai) và được chở che bởi một vị Giàng (thần linh) riêng biệt. Những vị thần đó có vai trò như “người quản lý”, cai quản khu vực mà họ chọn làm nơi trú ngụ. Vì thế, trước khi làm công việc gì quan trọng, người Cơ Tu thường tiến hành nghi thức cúng thần (ch’chrai), hàm nghĩa “xin phép” Giàng về hành động sắp sửa diễn ra.

Cộng đồng vùng cao vui hội cúng thần dịp đầu năm mới. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN.
Cộng đồng vùng cao vui hội cúng thần dịp đầu năm mới. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN.

Ông Alăng Đàn, người dân ở thôn Bh’lô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) cho biết, thông qua lễ ch’chrai, người Cơ Tu cầu mong năm mới mùa màng bội thu, dân làng no đủ, mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống… “Lễ ch’chrai thường được tổ chức vào tiết trời lập xuân, trước mùa rẫy nhằm tạ ơn thần linh thời gian đã phù trợ con dân được khỏe mạnh, no ấm. Bằng niềm tin vào các vị thần, người Cơ Tu xem lễ ch’chrai như một câu chuyện văn hóa về tục “mở cửa rừng”, xin thần linh ban phước, chứng giám lòng thành của cháu con đối với mẹ thiên nhiên” - ông Đàn chia sẻ.

Thông thường, lễ ch’chrai được tổ chức theo hộ (hoặc nhóm hộ) gia đình, khi ấy lễ vật cúng chỉ đơn giản gồm gà trống, dĩa xôi, chai rượu, nén hương… được mang đến tận bìa rừng, ngay vị trí chuẩn bị phát rẫy hoặc làm công trình nào đó để thực hiện nghi thức cúng thần. Một chòi nhỏ được dựng lên, tất cả lễ vật được sắp trên đó, ở giữa là bát hương được tạo bởi thân chuối hoặc đọt mây.

Cộng đồng vùng cao vui hội cúng thần dịp đầu năm mới. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Cộng đồng vùng cao vui hội cúng thần dịp đầu năm mới. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Sau bài cúng, máu tươi của gà được rảy quanh vị trí được chọn, các lễ vật lần lượt dâng lên thần trước khi kết thúc lễ ch’chrai “mở cửa rừng”. Trong một vài trường hợp, lễ ch’chrai được tổ chức theo quy mô cộng đồng làng. Lễ vật ngoài gà trống, mâm xôi, ghè rượu cần, còn có thêm một con heo (hoặc bò) với không gian nghi thức cúng thần linh đậm sắc màu truyền thống cộng đồng.

Ứng xử văn minh với mẹ rừng

Dành cả cuộc đời gắn bó với rừng, già làng Bh’riu Pố (thôn Arơh, xã Lăng, Tây Giang) nói, chính các lễ tục văn hóa giúp người vùng cao sống trọn nghĩa hiếu với mẹ thiên nhiên. Bởi, rừng không chỉ là nguồn sống, mà còn chở che, bảo bọc cho cộng đồng suốt hành trình sinh tồn. Vì thế, chọn lấy cuộc sống hòa thuận, ứng xử văn minh chính là thể hiện lòng “hiếu thảo” của mỗi con dân vùng cao với mẹ rừng.

 

Không chỉ riêng đồng bào Cơ Tu, hầu hết các tộc người sinh sống dưới cánh rừng Trường Sơn đều có chung quan niệm về thần rừng. Vì thế, từ xa xưa, tục “mở cửa rừng” đã xuất hiện và duy trì trong đời sống cộng đồng như một nét văn hóa ứng xử văn minh với mẹ rừng. Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho hay, sinh sống dưới cánh rừng nguyên sinh, từ hàng trăm năm qua, người Ca Dong, Xê Đăng ở Nam Trà My luôn xem rừng như “ngôi nhà chung” của cộng đồng nên hết mực tri ân.

Xem rừng như món quà thần linh ban tặng, nhất là sau những “quả ngọt” từ sâm Ngọc Linh, cộng đồng người Ca Dong, Xê Đăng càng trân quý giá trị của thiên nhiên. Bằng vai trò và trách nhiệm trước cộng đồng, nhiều già làng, người có uy tín ra sức tuyên truyền, vận động người dân chung tay gìn giữ tài nguyên rừng bằng nhiều lễ tục độc đáo, văn minh.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Qua miền lễ hội đầu xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO