eMagazine - Tất yếu phải đổi mới giáo dục nghề nghiệp

DIỄM LỆ - VĨNH LỘC 17/09/2022 18:18

(QNO) - Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đã có nhiều sự phát triển, song cũng bộc lộ nhiều bất cập cần đổi mới để thích nghi với đà phát triển của công nghệ và đáp ứng nhu cầu người lao động, doanh nghiệp. Học nghề không còn là "giải pháp cuối cùng" trong tư tưởng của phụ huynh, học sinh nữa mà là cơ hội để có việc làm nhanh và bền vững khi doanh nghiệp luôn cần lao động có trình độ tay nghề. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp là một xu thế và yêu cầu tất yếu.

 
 

Sau khi học xong bậc phổ thông, anh Hồ Minh Ngọc (xã Trà Giang, Bắc Trà My) đã chọn con đường đi học nghề. Nghề mà anh Ngọc chọn là nghề bảo trì, sửa chữa máy may ở một cơ sở dạy nghề. Sở dĩ anh Ngọc chọn nghề này, bởi theo như những lời tư vấn của cán bộ tuyển sinh, đây là nghề các công ty, xí nghiệp may đang. Khi ngành may mặc phát triển, không chỉ là công nhân may mà nhân viên bảo trì, sửa chữa máy may cũng đang khan hiếm. Học xong nghề, anh Ngọc đi làm tại Công ty Panko Tam Thăng từ 2019 đến 2021.

Thế nhưng, khi Công ty may mặc Bắc Trà My đến tận xã Trà Giang để mở xưởng sản xuất, thì Ngọc nghỉ ở Tam Thăng, xin về làm ở đây cho gần nhà, gần vợ con.

“Thực ra trước đó tôi cũng đã đi một nghề khác nhưng không xin được việc làm, nên chuyển sang học nghề bảo trì, sửa chữa máy may đang cần LĐ hơn. Học xong tôi được giới thiệu việc làm ngay, bây giờ cũng nghề này nhưng được về gần nhà thì lại càng tốt.

Tôi thấy lựa chọn học nghề là một lựa chọn đúng, bởi nghề này đã cho tôi công việc với thu nhập tốt. Ở gần nhà mà thu nhập một tháng khoảng 7 triệu đồng, có tháng nhiều hơn thì đó là mức thu nhập đủ để nuôi gia đình" – anh Ngọc nói.

 

Từ xã A Nông (Tây Giang), anh Arất Sang (SN 1995) đã trở thành sinh viên năm thứ nhất ngành lâm nghiệp, bậc học cao đẳng tại Trường Cao đẳng Quảng Nam. Anh Sang vừa mới nhập học và ở lại tại ký túc xá của nhà trường bố trí. Anh Sang trước kia khi học xong lớp 12 đã chọn con đường học nghề trung cấp một ngành học của trường văn hóa, nhưng ra trường không có việc làm. Gần đây, được cán bộ xã tư vấn nên đi học nghề bậc học cao đẳng, và nên chọn ngành lâm nghiệp sẽ có việc làm khi học xong về làm tại Tây Giang.

Anh Sang bộc bạch: "Học nghề xong có việc làm ngay tại quê hương thì ai cũng mong muốn. Tôi mong muốn được về lại để cùng bà con làm nghề lâm nghiệp, giữ rừng, gắn bó với rừng, bảo vệ tài nguyên rừng. Được tư vấn, tôi đã chọn nghề lâm nghiệp vì nó phù hợp. Hơn nữa, tôi đi học được nhà nước hỗ trợ bằng nhiều chính sách, nên tôi quyết tâm sẽ học đạt bậc cao đẳng, có bằng cấp nghề rồi về đi làm cũng dễ hơn".

 

Theo Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 118.152 lượt người. Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Trong giai đoạn vừa qua, nhiều chính sách của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ cho người học GDNN về học phí, tiền ăn, tiền đi lại, tiền ở nội trú, học bổng, đặc biệt là người học thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được nhiều chế độ hỗ trợ nhằm thu hút người tham gia học nghề, được giới thiệu việc làm phù hợp. Đội ngũ nhà giáo, quản lý thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ, góp phần nâng cao chất lượng GDNN của tỉnh".

Tất cả đã góp phần nâng cao trình độ tay nghề cho lao động (LĐ), tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh đạt 67% vào năm 2021. Việc học nghề đúng nhu cầu xã hội đã giúp người học sau khi học có việc làm ngay tại các lễ bế giảng khi các cơ sở GDNN đã có liên kết với doanh nghiệp về đào tạo lao động. Đặc biệt một số ngành nghề mà người lao động có việc làm đạt hơn 90% là may mặc, giày da, cơ khí, công nghệ ô tô, nhà hàng, khách sạn.

 

Dù đã có sự phát triển, nhưng giáo dục nghề nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn, chưa theo kịp sự đổi mới công nghệ và đòi hỏi của doanh nghiệp.

Sử dụng thiết bị cũ

Sinh viên Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung trong giờ thực hành
Sinh viên Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung trong giờ thực hành

Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (Hội An) là nơi đào tạo chuyên ngành về điện với khoảng 200 sinh viên ra trường mỗi năm, hầu hết có việc làm sau tốt nghiệp. Ngoài cung ứng lao động (LĐ) cho các doanh nghiệp sản xuất trong khu vực, hàng năm trường đều liên kết đào tạo với gần 10 đơn vị doanh nghiệp (DN) tại miền Trung theo hình thức trọn gói, DN tuyển người cử đi học và trả chi phí cho trường, thời gian đào tạo từ 3 - 6 tháng. Bình quân mỗi năm có hơn 60 học viên theo học dưới dạng liên kết này.

Theo ông Nguyễn Anh Tuyên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, thời gian qua trường đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối hiện đại như bãi đào tạo nghề sửa chữa điện nóng, xây dựng trung tâm thực nghiệm, trang bị thiết bị đóng ngắt lưới điện gián tiếp tự động… Dù vậy, ông Tuyên cũng thừa nhận, nhà trường khó thể trang bị một số thiết bị hiện đại phục vụ dạy học.

“Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung là doanh nghiệp nhà nước nên tất cả đầu tư phải được hạch toán và mang lại hiệu quả, do đó không phải thiết bị hiện đại, đắt tiền nào trường cũng có thể mua sắm, ngược lại trong một số trường hợp phải mượn tạm thời. Đơn cử như việc đào tạo sửa chữa điện nóng phải cần có xe chuyên dụng nhưng trị giá xe này rất lớn (khoảng 4 tỷ đồng) trường không thể đầu tư nên phải xin xe cũ (hết giá trị khấu hao) để phục vụ giảng dạy” - ông Tuyên chia sẻ.

 

Trường Cao đẳng Quảng Nam được ra đời trên cơ sở sáp nhập 6 trường trung cấp, cao đẳng nên số lượng thiết bị đào tạo tập trung nhiều. Song phần lớn là thiết bị cũ, lạc hậu so với công nghệ của DN. Như nghề công nghệ ô tô hay nghề cơ khí được DN lựa chọn nguồn LĐ từ trường Cao đẳng Quảng Nam khá nhiều, nhưng mô hình để giảng dạy lại quá lạc hậu so với sự phát triển của DN.

Cho nên nhà trường chỉ còn cách liên kết đào tạo với DN, nhà trường đào tạo dựa trên khung chương trình cứng, thực hành trên thiết bị cơ bản. Còn công nghệ, dây chuyền hiện đại thì phải học trực tiếp tại DN qua quá trình thực tế, liên kết đào tạo giữa đôi bên.

Rào cản

 

Theo Sở LĐ-TB&XH, công tác GDNN vẫn còn những khó khăn nhất định. Như ở Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, tổng sinh viên chính quy của trường khoảng 500 người với các ngành đào tạo chính gồm điện công nghiệp, quản lý hệ thống điện, sửa chữa đường dây có điện áp dưới 110kV… Năm 2021, trường tuyển được 174 sinh viên, riêng năm học 2022 - 2023 này nhà trường đã tuyển sinh 190 sinh viên. Tuy vậy, so với những năm trước con số tuyển sinh chính quy của trường sụt giảm.

Ông Nguyễn Anh Tuyên - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, ngoài sự “nở rộ” của các trường đại học, một nguyên nhân khác chính là tâm lý số đông phụ huynh vẫn không muốn cho con học nghề mặc dù nhu cầu việc làm của sinh viên trường rất khả quan. Khảo sát sơ bộ, chỉ riêng Tổng Công ty Điện lực miền Trung mỗi năm tuyển dụng khoảng 100 LĐ, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) tiếp nhận hơn 50 LĐ, cạnh đó, các nhà máy thủy điện và công ty truyền tải điện… cũng có nhu cầu rất lớn đối với LĐ là sinh viên ngành điện.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng GDNN (Sở LĐ-TB&XH) khẳng định,  sau tuyển sinh vào học thì việc duy trì số lượng học sinh, sinh viên của các cơ sở GDNN chưa tốt, sụt giảm số lượng. Về ngành nghề đào tạo ở cơ sở GDNN chưa trọng tâm, trọng điểm, một số nghề còn chưa gắn với nhu cầu tuyển dụng trên thị trường LĐ. Nguồn nhân lực thuộc ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao để đón đầu phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được đầu tư đúng mức nên khi công nghệ phát triển thì nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của DN.

 

Bên cạnh còn nhiều bất cập như đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về kỹ năng nghề đạt tỷ lệ thấp, chương trình, giáo trình đào tạo chưa đáp ứng kịp thời những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở GDNN đã bộc lộ nhiều hạn chế, tần suất sử dụng thiếu ổn định, thiếu tính đồng bộ, nơi có thiết bị thì thiếu xưởng thực hành, phòng học, nơi có phòng học thì thiếu thiết bị...

 

Phát triển giáo dục nghề nghiệp chính là đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp. Hiện nay các trường nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo theo hướng liên kết và cung ứng lao động cho doanh nghiệp bằng cách liên kết đào tạo.

Liên kết đào tạo

Chương trình liên kết đào tạo của Trường Cao đẳng Quảng Nam
Chương trình liên kết đào tạo của Trường Cao đẳng Quảng Nam

Với Trường Cao đẳng Quảng Nam, liên kết đào tạo là mục tiêu hướng tới, nhà trường cam kết sau đào tạo sẽ kết nối tạo việc làm khi các em chọn con đường học nghề bậc học trung cấp hay cao đẳng. Trong năm học 2021 - 2022, nhà trường đã đào tạo khóa đầu tiên tốt nghiệp (sau khi sáp nhập) và bàn giao học sinh, sinh viên tốt nghiệp cho một số doanh nghiệp (DN) trên cả nước đến tiếp nhận về làm việc như Công ty CP Chăn nuôi Green Feed, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất…

Bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết: "Nhà trường định hướng là ngôi trường thực hành, nên việc liên kết đào tạo là hướng đi hiệu quả nhất, giúp khắc phục những tồn tại về thiết bị đào tạo khi nhà trường không thể chạy theo kịp công nghệ hiện đại. Điều làm chúng tôi mừng nhất là phần lớn các em đã được các DN tiếp nhận vào làm việc ngay sau khi ra trường".

 

Tại Trường Cao đẳng Thủy lợi miền Trung (Hội An), ông Lê Ngọc Viên - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định liên kết đào tạo luôn được nhà trường coi trọng. Từ tháng 6.2022 nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty Xây dựng Takara (Tokyo, Nhật Bản) cung cấp lao động (LĐ) qua Nhật Bản thông qua hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng. Cụ thể, mỗi năm Công ty Takara sẽ nhận 30 sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Thủy lợi miền Trung sang Nhật đào tạo và ở lại làm việc.

 

Năm học 2022 - 2023, Trường Cao đẳng Thủy lợi miền Trung tuyển sinh được hơn 460 sinh viên (hai hệ trung cấp và cao đẳng). Học sinh, sinh viên khi vào học đều được định hướng việc làm, và sẽ được giới thiệu thực tập, làm việc trong suốt quá trình học đến khi tốt nghiệp.

DN luôn cần LĐ tay nghề cao

 

Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam đang đầu tư cụm nhà máy sản xuất vật liệu công nghiệp với quy mô sử dụng đất 100ha, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. Đến nay, Hyosung đã đầu tư 245 triệu USD trên 18ha, sản xuất 2 sản phẩm là vải mành và vải túi khí. Hyosung đang tiếp tục lập thủ tục mở rộng lên tổng diện tích là 82ha với quy mô vốn là 1 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2025 tại khu công nghiệp Tam Thăng.

Riêng năm 2022, Hyosung có nhu cầu quỹ đất 21ha để mở rộng nhà máy sản xuất vải mành (quy mô vốn 200 triệu USD), sau đó có kế hoạch thuê thêm 20ha để đầu tư nhà máy sản xuất sợi thép vào quý I/2023. Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và mở rộng, trước mắt Hyosung cần tuyển dụng đến 2.000 LĐ làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, từ bậc phổ thông cho đến thợ có trình độ tay nghề, trong đó ưu tiên thợ có tay nghề và LĐ là công nhân kỹ thuật.

 

Khảo sát nhu cầu LĐ của DN tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Điện Bàn cho thấy, không những DN đang có kế hoạch mở rộng sản xuất cần công nhân mà các DN khác cũng luôn cần nguồn nhân lực qua đào tạo, chất lượng cao. Tuy nhiên một số chuyên ngành DN phải tuyển dụng từ nơi khác do các trường đào tạo nghề trên địa bàn Quảng Nam không có hoặc không đáp ứng được yêu cầu.

Trong những năm gần đây, Trường Cao đẳng Thaco của Công ty CP Ô tô Trường Hải đã đào tạo ngành nghề sửa chữa, lắp ráp ô tô, sinh viên ra trường là chính là lực lượng lao động phục vụ cho nhà máy
Trong những năm gần đây, Trường Cao đẳng Thaco của Công ty CP Ô tô Trường Hải đã đào tạo ngành nghề sửa chữa, lắp ráp ô tô, sinh viên ra trường chính là lực lượng lao động phục vụ cho nhà máy

Theo đại diện Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Quảng Nam, với khoảng 90 LĐ đang làm việc tại nhà máy, công ty luôn muốn tuyển dụng thêm LĐ ngành nghề đặc thù. Với Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc), bên cạch hàng chục ngàn LĐ phổ thông, công ty muốn tuyển LĐ quản lý, kỹ thuật có trình độ tay nghề.

Qua khảo sát tình hình thiếu hụt LĐ của Sở LĐ-TB&XH, có 102 DN có nhu cầu tuyển dụng 13.530 vị trí việc làm; trong đó, nhu cầu tuyển dụng LĐ qua đào tạo là 9.072 vị trí (chiếm tỷ lệ 67%), nhu cầu tuyển dụng LĐ phổ thông 4.458 vị trí (chiếm tỷ lệ 33%). Trong trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 674 DN đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký 4.455 tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động lên 8.500 DN. Hiện nay, tỉnh có 9 khu công nghiệp và 1 Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với 220 DN đang hoạt động. Với số lượng DN này, nhu cầu về nguồn lực LĐ rất lớn, nhất là LĐ có trình độ tay nghề, LĐ trình độ kỹ thuật bậc cao luôn được các DN săn đón bằng nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
 
Sau đào tạo nghề, học viên sẽ có việc làm ổn định, phù hợp là yêu cầu trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Trong ảnh: Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Nam dạy nghề “Trang điểm thẩm mỹ” cho phụ nữ xã Bình Minh, Thăng Bình
Sau đào tạo nghề, học viên sẽ có việc làm ổn định, phù hợp là yêu cầu trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Trong ảnh: Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Nam dạy nghề “Trang điểm thẩm mỹ” cho phụ nữ xã Bình Minh, Thăng Bình

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Quảng Nam đang triển khai xây dựng một đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, để đáp ứng nguồn lao động chất lượng cao, cũng như mong muốn của các doanh nghiệp.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ Sở LĐ-TB&XH xây dựng, lấy ý kiến các sở, ngành để hoàn thiện đề án phát triển GDNN giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến trình tại Kỳ họp HĐND lần thứ 11 sắp tới. Mục tiêu của đề án mới (dự thảo) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường LĐ về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Nam bế giảng lớp học nghề “Trang điểm thẩm mỹ” tại xã Bình Minh, Thăng Bình
Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Nam bế giảng lớp học nghề “Trang điểm thẩm mỹ” tại xã Bình Minh, Thăng Bình

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, dự thảo nghị quyết đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong phát triển GDNN. Cụ thể, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý Nhà nước và sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương là điều kiện tiên quyết đưa GDNN lan tỏa và phát triển hiệu quả. Đối với các văn bản đã hết hiệu lực, tỉnh cũng sẽ rà soát lại để tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh có những văn bản, chính sách mới phù hợp hơn, nhằm động viên người học nghề.

Điểm cần đổi mới của GDNN hiện nay chính là phải xây dựng được phương án quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung sẽ theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo. Ngoài ra, thiết bị đào tạo, cơ sở vật chất, chương trình, phương thức đào tạo, đội ngũ giáo viên dạy nghề, chuyển giao khoa học công nghệ... đều là những yêu cầu bức thiết trong giai đoạn mới nhằm đổi mới toàn diện về GDNN.

 

Tại cuộc làm việc với Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành liên quan về xây dựng Nghị quyết về phát triển GDNN để trình HĐND tỉnh xem xét, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn khẳng định, việc xây dựng Nghị quyết về phát triển GDNN giai đoạn 2022 - 2025 là quan trọng và cần thiết, phải cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh để thực hiện đảm bảo yêu cầu đề ra.

 

Ông Tuấn lưu ý nghị quyết cần xây dựng trên cơ sở bám sát các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, định hướng về phát triển GDNN của đất nước và của tỉnh trong thời gian đến. Việc phát triển GDNN cần thực hiện một cách đồng bộ từ cơ sở GDNN công lập đến các cơ sở GDNN tư thục. Đề án mới phải nêu được những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển GDNN trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu thị trường LĐ trong nước và nước ngoài.

 


Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
eMagazine - Tất yếu phải đổi mới giáo dục nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO