[eMagazine] - Tìm trụ cột đột phá trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam

HỮU PHÚC 19/01/2023 04:37

(QNO) - Quảng Nam định vị đường hướng phát triển tương lai bằng đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 –  2030, tầm nhìn 2050, dựa trên nguồn lực sẵn có với khát vọng xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước. Nhận diện những lĩnh vực, ngành nghề phát triển nổi trội, then chốt làm lực kéo “đầu tàu” kinh tế, kết nối đồng bộ hành lang kinh tế Đông – Tây, tổ chức không gian phát triển đô thị cân xứng; xác lập được các trụ cột đột phá chủ yếu… là những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 
 

Theo quy hoạch tỉnh, sân bay Chu Lai sẽ hướng tới đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế cấp 4F, công suất 10 triệu khách, 1,5 triệu tấn hàng. Cảng biển Chu Lai hoạt động ổn định cho tàu đến 50 nghìn tấn, công suất 10 triệu tấn, trong đó container 4 triệu tấn. 100% các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch

Và, trên 60% trục đường chính trong các đô thị được đầu tư hoàn chỉnh, trong đó đô thị loại I đạt 80%. Giao thông thủy thông suốt theo đúng chuẩn tắc sông theo thiết kế, đặc biệt là các tuyến sông Trường Giang, Cổ Cò, Thu Bồn, Vĩnh Điện.

Hình thành một số loại hình giao thông thông minh. Hạ tầng số hiện đại và dữ liệu số đồng bộ, hoàn chỉnh, mạng 4G/5G phủ sóng 100% các địa phương trong tỉnh, tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

 

Theo Sở GTVT, dự thảo quy hoạch tỉnh lấy các đầu mối giao thông cảng hàng không Chu Lai, cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm trọng điểm; sớm khắc phục yếu kém của các trục quốc lộ kết nối Đông – Tây như 14D, 14B, 14E, 40B, 14G và hoàn thiện các trục kết nối Bắc – Nam.

Định vị lại ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng, quy hoạch tỉnh đề cao vai trò dẫn dắt của công nghiệp chế biến, chế tạo. Thực tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã hình thành một khu công nghiệp tập trung về sản xuất ô tô đạt tầm cỡ hàng đầu khu vực.

Hơn nữa, Tập đoàn THACO đã hình thành chuỗi giá trị từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sản xuất linh kiện phụ tùng, lắp ráp ôtô, vận chuyển và phân phối, bán lẻ ô tô các loại.

 
Luồng hàng hải Cửa Lở (Núi Thành) sẽ được nạo vét để tàu chở hàng 50 nghìn tấn có thể ra vào cảng biển Chu Lai

Nhờ làm chủ được chuỗi giá trị nên THACO là doanh nghiệp Việt Nam đạt tỉ lệ nội địa hóa cao nhất (tương ứng với xe tải là 35 - 40%, xe khách 55 - 60% và xe con trên 25%). Việc từng bước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, thay vào đó tự sản xuất, Thaco đang trở thành đầu tàu trong việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào tháng 3/2022, trong đó có nội dung quan trọng là thống nhất giao cho tỉnh xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai. 

Mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Vì vậy, trong quy hoạch tỉnh đang cập nhật bổ sung quy hoạch quốc gia Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

 
Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu, ưu tiên những ngành có lợi thế, tham gia vào chuỗi giá trị đa quốc gia. Chuyển dịch mạnh cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp.
 

Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, thì cải cách hành chính và chuyển đổi số được xem là một trong những đột phá để cấu trúc phát triển bao trùm kinh tế - xã hội. Phát triển chính quyền số một cách toàn diện, đồng bộ, kết nối xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, đưa các hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số dựa trên dữ liệu và công nghệ số, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Tái cấu trúc các ứng dụng dùng chung của tỉnh theo mô hình kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, hình thành và phát triển kho dữ liệu tập trung, tiến tới hình thành dữ liệu lớn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định, kết nối dữ liệu quốc gia, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

 
Thaco đang phấn trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ của khu vực

Giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Nam ký kết hợp tác thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số với một số doanh nghiệp lớn trong nước, qua đó cùng doanh nghiệp xây dựng lộ trình và nghiên cứu triển khai các giải pháp chuyển đổi số lớn như hệ thống chính quyền điện tử tại địa phương. Sự khác biệt của đồ án quy hoạch tỉnh ở lĩnh vực phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, cần thiết phải chuyển đổi số trong công tác quy hoạch. Xây dựng những công cụ quản lý kỹ thuật hiện đại, chính xác và có hiệu quả nhằm hỗ trợ chính quyền có thể đưa ra các quyết định chính xác cho sự phát triển bền vững của đô thị.

Trong đó, việc tích hợp dữ liệu trong nền tảng số về quy hoạch và phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) có vai trò rất quan trọng. Đồ án quy hoạch tỉnh là sự tích hợp đa ngành, thống nhất không gian phát triển liên kết vùng; nhiều lĩnh vực như xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, công thương, môi trường…, sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Do đó, việc xây dựng một kho dữ liệu tổng thể, dùng chung cho các ngành, lĩnh vực là rất cấp thiết.

 

Góp ý cho đồ án quy hoạch tỉnh, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, Quảng Nam có thể xây dựng và đưa vào vận hành sớm những ứng dụng số nhằm giải quyết các nhu cầu thiết yếu, tác động rõ ràng nhất của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, các dịch vụ công về y tế, cấp thiết phải triển khai ứng dụng trên nền tảng số như giải quyết các thủ tụ hành chính công; ứng dụng đặt lịch khám/quản lý sức khỏe/dịch vụ chăm sóc y tế. Hay các ứng dụng cung cấp thông tin vận hành đường sắt, xe buýt, dịch vụ ô tô chia sẻ… Các ứng dụng này hoàn toàn miễn phí, cách sử dụng đơn giản trên điện thoại thông minh, có thể giúp người dân tiếp cận dễ dàng mọi lúc mọi nơi.

Còn với cộng đồng doanh nghiệp, theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, ứng dụng số giải quyết thủ tục hành chính trong thủ tục xúc tiến thương mại; ứng dụng cung cấp nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số; ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế; ứng dụng cung cấp thông tin về các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước…

 
Quảng Nam định hướng sẽ hình thành chuỗi đô thị Điện Bàn - Hội An - Duy Hải - Duy Nghĩa - Bình Dương - Bình Minh - Bình Hải - Bình Sa và đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh trên cơ sở sáp nhập Núi Thành, Phú Ninh về Tam Kỳ.
 

Hệ thống đô thị ven biển có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế quan trọng số 1 của vùng tỉnh, tạo sự lan tỏa cho phát triển hệ thống đô thị lên vùng tây. Đến nay chưa có quy hoạch đô thị ven biển chung cho tỉnh. Vì chưa có quy hoạch đô thị ven biển, cộng với việc lỏng lẻo trong quản lý hiện trạng đất đai, thiếu chính xác trong dự báo kế hoạch sử dụng đất, thiếu công cụ kiểm soát trong quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị... đã làm biến dạng hình hài đô thị.

Tại vùng ven biển Cẩm An, Cửa Đại (Hội An), các bãi biển công cộng cũng như không gian cho nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp. Cùng với đó, quỹ đất cho phát triển không gian công cộng và hạ tầng đô thị hạn chế, làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gây úng ngập cho đô thị khi xảy ra mưa lớn.

Trong quy hoạch đô thị Tam Kỳ, ngoài xử lý thoát lũ nội đô còn tính toán xử lý lượng nước từ Thăng Bình, Phú Ninh ở phía tây và bắc đổ về đô thị này gây ngập úng cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Vì vậy, Tam Kỳ đang đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu các giải pháp cắt lũ, thoát nước tự nhiên. Đặc biệt khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước hiện nay bằng cách xây dựng cống thoát nước dẫn ra sông Bàn Thạch, đồng thời hạ thấp mực nước của con sông này.

 

Trong khi đó, cái khó của đô thị Hội An là dù đã có nhiều quy hoạch phân khu công viên biển, song do nguồn lực ngân sách địa phương hạn hẹp nên khó giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc phải nhiều lần điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết.

Sở Xây dựng kiến nghị cần làm rõ các yếu tố tự nhiên như địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hải văn, mặt nước… trong quy hoạch đô thị; sớm xây dựng bản đồ ngập lụt ở các đô thị hiện nay.

Kiến trúc sư Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho rằng, giải quyết bài toán ngập lụt phải theo chuyên ngành (đô thị, cấp nước, thoát nước); kiến tạo các hình thức đô thị hóa mới và hình thái đô thị mới theo hướng thích ứng, thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên. 

 
Về quy hoạch xây dựng các đô thị Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, theo các chuyên gia, cần tính toán hợp lý phân lưu vực đến các yếu tố kỹ thuật hướng thoát nước. Xác định hành lang thoát lũ cho các dòng sông để quản lý khu vực không được phép phát triển đô thị, lưu ý hạn chế tối đa tình trạng bê tông hóa nền đô thị. Và xây dựng kịch bản đô thị ứng phó với hiện tượng nước biển dâng, ngập lụt cần thời gian dự báo xa hơn, chứ quy hoạch 10 năm như hiện nay là quá ngắn.
Trong định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam sẽ xây dựng nhiều cây cầu bắt qua sông Trường Giang
Trong định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam sẽ xây dựng nhiều cây cầu bắt qua sông Trường Giang

Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, toàn diện trên tất cả lĩnh vực

Theo Kết luận hội nghị Tỉnh ủy về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về định hướng chủ yếu quy hoạch tỉnh, chú ý không gian phát triển phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm liên kết nội tỉnh và liên vùng. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. 

Phát triển trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành các cụm động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính thống nhất, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, từ đồng bằng, hải đảo đến miền núi; phải đảm bảo tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hài hòa giữa các ngành kinh tế, trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế riêng có, khác biệt từng địa phương và của tỉnh, không mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản. Bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biển đổi khí hậu.

Cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tổ chức không gian phát triển tỉnh, vùng Đông, vùng Tây, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị phải gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả vùng trời, vùng biển.

Phát huy hiệu quả hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây; gắn phát triển kinh tế, văn hóa với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực chất.

Xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước. Phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Khu kinh tế mở Chu Lai, tiềm năng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư các khu đô thị mới vùng Đông Nam theo quy hoạch.

Trong tầm nhìn quy hoạch dài hạn, Quảng Nam sẽ đầu tư khớp nối hạ tầng, phát triển hài hòa hàng lang kinh tế đông - tây
Trong tầm nhìn quy hoạch dài hạn, Quảng Nam sẽ đầu tư khớp nối hạ tầng, phát triển hài hòa hành lang kinh tế đông - tây. Trong ảnh là trục đường giao thông vòng xuyến 2 tầng tại xã Tam Hiệp (Núi Thành)

Tập trung phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược kết nối liên vùng Đông - Tây, tích hợp quy hoạch đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào dọc hành lang tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sân bay, cảng biển, logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng trọng yếu của nông thôn và miền núi.

Đột phá phát triển các loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm, du lịch tàu biển. Phát triển mạnh các khu du lịch ven biển, ven sông với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Bảo tồn, trùng tu, phát huy các di sản văn hóa thế giới, các di tích văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh; số hóa quản lý các di sản, di tích, danh lam thắng cảnh; triển khai đầu tư xây dựng Đền thờ Hùng Vương.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động sang công nghiệp, dịch vụ. Đổi mới sáng tạo, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Tìm trụ cột đột phá trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO