[eMagazine] - Yêu nghề từ khói lửa nguy nan

THÀNH CÔNG – QUÂN HỒ - XUÂN LINH 22/07/2021 17:07

(QNO) - Không đếm hết những lần nghe tiếng kẻng tập hợp, tưởng chừng cảm xúc của những người lính phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) chai sạn đi theo những năm tháng dài theo nghề. Nhưng trái lại, vẫn tác phong nhanh nhẹn đến từng giây, vẫn những bàn chân luôn chực chạy, và vẫn một tâm thế sẵn sàng lao vào giữa nguy nan cứu người. Họ, thành viên của Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Bắc Quảng Nam (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Quảng Nam), như bao người lính chữa cháy khác, luôn giữ mình như thế. 

 

Nắng như nung. Một trong ba chiếc điện thoại trong căn phòng trực ban rung lên. Trung úy Nguyễn Chí Hồng nhấc máy, hỏi gấp, ghi nhanh. Vừa gác máy, vài giây sau tiếng kẻng đã vang lên trong khuôn viên trụ sở Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam. Trung úy Hồng ôm cuốn sổ trực lao về phía phòng chỉ huy báo cáo; đồng thời là sầm sập những bước chân từ trên lầu gác đến sân vườn. Nhiều chiến sĩ chưa kịp mặc xong quần áo bảo hộ, ôm quần áo lao lên xe. Còi chữa cháy hú vang. Từ khoảnh khắc Trung úy Hồng gác điện thoại đến khi chiếc xe chữa cháy cuối cùng của rời cổng đơn vị chưa đến 90 giây.

Con số 90 thuộc về “nguyên tắc” của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, như một lập trình. Do đó, trong ca trực, anh em trong Đội sinh hoạt hoàn toàn tại đơn vị, phải lập tức tập hợp đội hình, sẵn sàng tham gia chữa cháy bất cứ lúc nào. Họ có thể bỏ dở bữa ăn, có thể phải phải lao ra khỏi phòng tắm khi chưa kịp sạch hẳn xà phòng, hay giữa đêm, khi rất nhiều người đang say giấc… Tất cả vì dân phục vụ!

 

Theo nghề lính chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là sống chung với áp lực công việc. Khi nào không ở ca trực, chiến sĩ PCCC cũng có muôn vàn công việc không tên. Họ rèn luyện sức khỏe, nâng cao năng lực chữa cháy để khi làm việc luôn duy trì được tính kỷ luật, thận trọng và phản ứng nhanh nhạy nhất. Bởi, khi nhận nhiệm vụ bất kì ai trong số họ phải biết cách xử lý trăm ngàn tình huống trong và ngoài những gì đã được đào tạo. Và mỗi hành động, quyết định của lực lượng sẽ liên quan đến sinh mạng, tài sản của rất nhiều gia đình, đơn vị.

Trung tá Từ Tấn Anh - Đội trưởng đã có hơn 18 năm gắn bó với công việc của một người lính, một người cán bộ Cảnh sát PCCC tại Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam. Từng cột mốc thời gian, những đổi thay của đơn vị hay những vụ cứu hỏa, cứu người mà đơn vị thực hiện, Trung tá Anh vẫn nhớ như in.

 

“Ngày 3 tháng 4 năm 2002, đó là ngày đội được thành lập, thời điểm con đường 28.3 phường Thanh Hà này vẫn còn hoang sơ, trống trải lắm. Khoảng giữa thời gian từ khi thành lập đến nay, có đôi lần được điều chuyển về đội khác, song phần lớn thời gian vẫn gắn bó với nơi này. Vừa là duyên, vừa là nghiệp. Nhiều người cứ nói đùa xe chữa cháy là xe vua. Nhưng ngay cả những bác tài lâu năm của đơn vị, ngồi sau tay lái luôn là cảm giác hồi hộp. Phần vì phải đến hiện trường nhanh nhất để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhưng trên hết cũng phải luôn giữ an toàn cho người đi đường và cán bộ, chiến sĩ” - Trung tá Từ Tấn Anh cho biết.

 

Trong khuôn viên trụ sở Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam, nếu không được điều động để làm nhiệm vụ thì cả kíp trực sẽ triển khai huấn luyện thường trực theo kế hoạch.

Trung tá Phạm Quyết Tiến - Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam cho biết, đối với đơn vị, chế độ kiểm tra rất thường xuyên, thực hiện hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Trong vòng một phút kể từ khi có lệnh điều động, các chiến sĩ phải có mặt trên xe chữa cháy. Ba mươi giây sau đó dành cho mọi thao tác còn lại để rời khỏi đơn vị, lên đường thực hiện nhiệm vụ. Khắc khe như vậy, để thấy mức độ sẵn sàng của người lính chữa cháy.

Nhiều năm gắn bó với nghề, những vui, buồn cũng đầy lên dần trong những lần đi làm nhiệm vụ của những cán bộ, chiến sĩ. Khi hỏi bất kì ai trong số họ về chuyện nghề, thì mẫu số chung của các câu trả lời sẽ là nhiệt huyết và tận tâm. Đối mặt với bao hiểm nguy, cả những khoảnh khắc sinh tử giữa trận cháy, không chỉ đòi hỏi sự vững vàng, kinh nghiệm của người lính phòng cháy. Mà ẩn sau đó, còn là cả sự hi sinh thầm lặng cho công việc, miễn sao những sự cố được khắc phục nhanh nhất, hạn chế thiệt hại thấp nhất.

 

Không có thước đo cụ thể cho mức độ nguy hiểm của nghề, nhưng có lẽ người lính PCCC và CNCH là những người đối mặt với khoảnh khắc sinh tử nhiều hơn hẳn so với những nghề khác. Không chỉ lao vào “biển lửa”, cán bộ chiến sĩ của đội còn phải tham gia rất nhiều chuyến tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ những người lính đã dầm mình trắng đêm trên sông Thu Bồn và Vu Gia trong hai đợt tìm kiếm nạn nhân lật ghe. Nhưng đó chỉ là một trong số hàng chục vụ cứu hộ khác mà đơn vị đã triển khai thực hiện trong suốt nhiều năm qua, kể từ khi đơn vị có thêm chức năng cứu hộ cứu nạn. 

 

Quản lý địa bàn khá rộng với 1 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện phía Bắc Quảng Nam, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam phải gánh vác thêm nhiệm vụ gìn giữ hai “viên ngọc quý”: khu phố cổ Hội An (TP.Hội An) và khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), hai di sản văn hóa thế giới. Giữ di sản khỏi nguy cơ cháy nổ trở thành một áp lực không nhỏ trong số bộn bề công việc và nhiệm vụ của đơn vị. Đặc biệt, khu phố cổ Hội An là nơi có tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ rất cao.

Những con số có thể nói lên rất nhiều điều: Trong vỏn vẹn 0.3km2 diện tích khu phố cổ, có 1.197 di tích, trong đó loại đặc biệt có 46 di tích, loại 1 có 94 di tích, còn lại các di tích loại 2,3,4. Cũng trong diện tích khiêm tốn ấy, có 918 hộ dân kinh doanh, sinh sống (tập trung ở 2 phường Minh An và Cẩm Phô), trong đó có 416 hộ dân sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc cho thuê lưu trú, 976 hộ kinh doanh trong chợ Hội An.

 

Những thách thức đã sớm được dự lường, bởi khu vực phố cổ Hội An hội tụ quá nhiều những yếu tố làm gia tăng nguy cơ xảy cháy. Nhà cửa phần lớn bằng gỗ, vật liệu dễ cháy. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là vải, quần áo may sẵn, hàng lưu niệm, nhiều dịch vụ phục vụ ăn uống, nước giải khát, cơ sở lưu trú. Các cơ sở sản xuất trong phố cổ chiếm lượng lớn là nghề tiểu thủ công mỹ nghệ như: mộc, lồng đèn... Trong điều kiện bình thường, nhiều cửa hàng kinh doanh đóng cửa vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến khả năng xử lý ban đầu khi xảy cháy, gia tăng những rủi ro.

Trung tá Từ Tấn Anh cho hay, dù dịch bệnh, nhiều cửa hàng tạm đóng, các sự kiện lễ hội cũng không được tổ chức do yêu cầu phòng chống dịch bệnh, nhưng “giặc lửa” thì vẫn chực chờ. Nguyên nhân là nhà vắng người, nếu có xảy cháy sẽ ảnh hưởng tới công tác xử lý ban đầu. Do đó, việc phòng cháy vẫn phải được duy trì, thậm chí duy trì ở mức cao hơn.

 

Đã có nhiều vụ cháy xảy ra vì nhiều nguyên nhân chủ quan. Nhưng nhờ sự cơ động, nhanh nhạy của lực lượng, không có vụ nào xảy ra cháy lan hoặc gây thiệt hại về người. Thành quả đó là dấu ấn của quá trình thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân phố cổ chấp hành tốt các quy định, giúp nâng cao nhận thức về an toàn PCCC. Đặc biệt, diễn đàn “Lắng nghe ý kiến nhân dân” được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp UBND thành phố Hội An, Công an thành phố Hội An tổ chức tại phố cổ đã trở thành kênh thông tin hữu hiệu để đơn vị có những giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn trong công tác PCCC.

Với lực lượng công an chính quy tại phường Minh An (TP.Hội An), những gương mặt của Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam giờ là những người anh em. Sát cánh cùng nhau trong công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hoạt động được hai đơn vị cùng phối hợp chặt chẽ, tham mưu các cấp chính quyền ban hành các văn bản thực hiện các giải pháp phòng cháy. Ngoài ra, hội thao PCCC được duy trì qua nhiều đợt thực sự là diễn đàn nâng cao nghiệp vụ, tích lũy thêm kinh nghiệm PCCC cho các lực lượng ngay từ cơ sở.

 

Những giải pháp kỹ thuật đã và đang được áp dụng đồng bộ trong khu vực phố cổ tạo nên một “phòng tuyến thép” cho di sản trước nỗi lo “giặc lửa”. Để khắc phục điều kiện về nước chữa cháy, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam đã tham mưu chính quyền địa phương phối hợp mở bến phục vụ lấy nước chữa cháy, đồng thời cấp nước chữa cháy suốt tuyến đường Trần Phú. Những họng nước chữa cháy có sẵn đường ống, vòi phun chữa cháy nằm suốt tuyến đã gia cố thêm đáng kể năng lực chữa cháy tại chỗ nếu có sự cố cháy xảy ra. Bên cạnh đó, hệ thống báo cháy tự động lắp đặt tại hàng chục điểm trong khu phố cổ sẽ thu thập dữ liệu, cung cấp về trung tâm xử lý đặt tại UBND phường Minh An, trợ giúp đắc lực cho việc phát hiện các sự cố cháy.

 

Những chuyến đi thường xuyên, khi thì phát tờ rơi, tuyên truyền kỹ năng, kiến thức sử dụng bình chữa cháy, khi thì hướng dẫn khắc phục các nguy cơ cháy nổ từ hệ thống điện trong nhà, các khu vực sinh hoạt, những người lính PCCC gần gũi hơn với bà con. Cũng chính từ những cuộc gặp thường xuyên ấy, đơn vị kịp thời cập nhật những kiến nghị, đề xuất của bà con. Nỗi lo của bà con vơi đi khi được kịp thời sẻ chia, tư vấn. Ngược lại, người lính chữa cháy có thêm nhiều “diễn đàn” hơn để lắng nghe ý kiến người dân, kịp thời khắc phục những tồn tại, giảm thiểu nguy cơ cháy từ những điều tưởng chừng nhỏ nhất. Những sự kiện quan trọng, ngày lễ, Tết, anh em lặng lẽ túc trực, cùng lực lượng ở cơ sở “gác” vì bình yên di sản. Họ chỉ trở về sau khi “cuộc vui” đã tàn, mọi người đã thưởng thức trọn vẹn những khoảnh khắc đẹp nhất, bình yên nhất của phố cổ…

Tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC cho nhân dân phố cổ Hội An:

Tương tự như Hội An, Mỹ Sơn cũng là một vùng trọng điểm trong công tác PCCC. Với tâm thế luôn sẵn sàng, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền người dân không vào rừng đốt tổ ong lấy mật, không nhóm lửa trong rừng, đặc biệt cảnh giác vào mùa khô để đảm bảo không xảy ra các vụ hỏa hoạn, đe dọa đến an toàn khu di tích… Qua đó góp phần gìn giữ, bảo vệ an toàn cho Mỹ Sơn suốt nhiều năm nay.

 

Trải dài trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố mà Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam phụ trách, hiện có đến 24 cụm công nghiệp thuộc 4 huyện, thị xã (Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An) đang hoạt động với 74 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; 327 cơ sở có nguy hiểm cháy nổ do Đội trực tiếp quản lý. Cùng với khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, đây thực sự là những mạch máu của sản xuất công nghiệp cánh Bắc Quảng Nam. Giữ an toàn về cháy nổ, đảm bảo tài sản cho công ty, doanh nghiệp, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực bắc Quảng Nam còn góp phần gìn giữ nhịp phát triển chung của nền kinh tế, trong bối cảnh Quảng Nam đang cùng gồng mình thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo chung.

 

Qua rất nhiều đợt tuyên truyền, hội thao tại các công ty, xí nghiệp, năng lực chữa cháy tại chỗ của các đơn vị dần được nâng lên. Nhưng những cố gắng thì không dừng lại. Định kỳ hàng năm, nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy được tổ chức linh hoạt bằng nhiều hình thức, ở nhiều diễn đàn. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC, đảm bảo các yếu tố phòng ngừa được đặt lên hàng đầu. Với những cơ sở để xảy ra vi phạm kéo dài, đơn vị kiên quyết lập biên bản, xử lý nghiêm, yêu cầu khắc phục ngay, thực hiện việc huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy theo quy định. Vừa linh hoạt, vừa kiên quyết, mục tiêu lớn nhất của các hoạt động được triển khai là đảm bảo sản xuất, vận hành của doanh nghiệp luôn an toàn, tránh những rủi ro về người, tài sản khi xảy ra sự cố cháy.

 

Tốt nghiệp trung cấp cảnh sát PCCC năm 2015, Trung úy Nguyễn Chí Hồng được điều về công tác tại Đội. Anh là người góp mặt trong khá nhiều đợt cứu nạn, cứu hộ phức tạp của lực lượng PCCC Quảng Nam.

 

Với địa bàn Quảng Nam, phần lớn các vụ cứu nạn cứu hộ là tìm kiếm người mất tích do đuối nước, cán bộ chiến sĩ của đội làm nhiệm vụ thường phải độc lập tác chiến ở những nơi địa hình phức tạp, nước sâu, chảy xiết. Xuống nước, phải xác định một mình mình vận động. Người chiến sĩ tham gia cứu nạn cứu hộ gặp không ít chướng ngại vật như chài lưới, rác thải, các phế phẩm xây dựng… rất dễ bị dính mắc nếu non kinh nghiệm và độ bình tĩnh trước tình huống khó. Chưa kể, mỗi vụ cứu nạn cứu hộ lại không giống nhau, như dòng nước chảy luôn thay đổi, các hố, hầm do hút cát, do địa chất… bất ngờ xuất hiện là nguy cơ khó lường.

Bên cạnh nghiệp vụ được đào tạo, lực lượng cứu nạn cứu hộ nhiều khi phải vận dụng thêm kinh nghiệm thực tế. Điển hình như vụ việc chìm ghe ở Đại Lộc, do phạm vi tìm kiếm rất rộng, nước chảy mạnh, lực lượng đã sử dụng “dây câu kiều” để rà tìm, từ đó xác định, trục vớt được thi thể các nạn nhân.

 
 

 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Yêu nghề từ khói lửa nguy nan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO