Sau mười lăm năm, tôi trở lại Eo Gió. Trên đồi núi quanh vùng, các rẫy keo phủ một màu xanh ngút ngàn. Tuyến đường ĐT 615 từ Kỳ Lý qua Eo Gió lên Tiên Phước đang được chuẩn bị thảm nhựa. Eo Gió - vùng đất bị lãng quên ngày nào, giờ đây đã thay đổi với những gam màu tươi sáng...
Dân Eo Gió vốn sinh sống lâu đời ở Long Sơn, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, họ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và cũng chịu nhiều hy sinh mất mát. Năm 1979, khi công trình đại thủy nông Phú Ninh được khởi công xây dựng, 90 hộ dân Long Sơn tự nguyện di cư lên vùng gò đồi Eo Gió (Tam Lộc) để nhường đất xây hồ. Và cũng từ đó, họ chìm vào những tháng năm mịt mùng gian khó.
Màu xanh no ấm đang trải trên Eo Gió. |
Khó bởi vì Eo Gió là vùng bán sơn địa, đồi núi bao bọc cả ba phía, đất sản xuất nông nghiệp ít - chỉ có 19,5 ha, trong đó diện tích lúa nước 2 vụ chỉ có 3ha. Sản xuất trong vụ hè thu là canh bạc với ông trời, năm nào gặp hạn nặng coi như mất trắng. Tuyến đường ĐT 615 chạy qua Eo Gió hồi ấy còn rất gập ghềnh, cầu cống tạm bợ. Do điều kiện sản xuất, đi lại khó khăn như vậy cho nên cuộc sống người dân Eo Gió luôn thiếu trước hụt sau. Mỗi sáng sớm, từng đoàn phụ nữ Eo Gió gánh củi xuống chợ Cẩm Khê để đổi lấy cái ăn. Người Eo Gió bây giờ vẫn còn nhắc về một cái chết thương tâm. Rằng có một bà vợ khi ông chồng bảo mang thóc giống ra ngâm chuẩn bị cho vụ mùa tới, bà lẳng lặng ra sau vườn thắt cổ tự tử. Thì ra thấy cả nhà đói quá, cầm lòng không đậu bà đã đem thóc giống ra ăn, khi chồng hỏi, bà rối trí nghĩ quẫn. Bị giam hãm giữa một vùng rừng núi, cuộc sống của người dân Eo Gió dường như không có lối ra.
Tuy nhiên, “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Mười năm trở lại đây, đời sống của người dân Eo Gió đã có bước cải thiện rõ rệt. Ông Vương Đình Trung - Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết: “Có sự thay đổi ấy, trước hết là nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước. Từ năm 2000 đến nay, Eo Gió đã nhận được nhiều nguồn đầu tư như các dự án 327, dự án 661. Sở KH&CN cũng đã đầu tư các dự án cây trồng, con vật nuôi như ngan Pháp, heo, chuối cấy mô, tiêu... Chi cục Định canh định cư tỉnh cấp 40 con bò giống, khoan 10 giếng khoan, xây dựng 2 đập thủy lợi nhỏ… Tổng vốn vay phát triển của dân thôn 4, trong đó có Eo Gió hiện là 680 triệu đồng. Nói chung trong các chính sách đầu tư, Eo Gió luôn được dành nhiều cơ chế ưu tiên để bù đắp cho những thiệt thòi của vùng đất này. Cộng vào đó, người dân Eo Gió rất nhẫn nại, cần cù lao động”. Những dự án nhỏ như cấp heo giống, bò giống lại mang đến những kết quả thiết thực và lâu bền. Tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Thiết, mười năm trước, ông được cấp một con bò giống, đến nay nó đã sinh sản đến con thứ tư. Nhờ đó, ông có điều kiện sửa chữa nhà cửa, sắm sanh vật dụng gia đình.
Đường ĐT 615 đang được nâng cấp. |
Bước đầu tư có tính động lực đối với Eo Gió là việc tuyến đường ĐT 615 đoạn từ Tam Kỳ qua Tam Lộc lên Tiên Phước, Hiệp Đức được nâng cấp. Như một động mạch chủ, nó đã khai thông những ứ đọng, đình trệ của đất Eo Gió. Từ ngày có đường, việc đi lại, giao thương hàng hóa, học hành của con em Tam Lộc nói chung, Eo Gió nói riêng, khá thuận lợi. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện là điều kiện cơ bản để người dân địa phương phát triển kinh tế hộ mà trước hết là lâm nghiệp. Anh Nguyễn Văn Quận - Bí thư Chi bộ thôn 4 cho biết: “Hiện Eo Gió có 165ha rừng keo nguyên liệu. Mấy năm nay, cây keo có giá, nên khi thu hoạch, trừ chi phí xong, người dân còn lãi được từ 60 - 80 triệu đồng/ha. Nhiều người ở Eo Gió còn đến các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức để mua rừng khai thác keo hoặc lao động làm thuê cho các chủ khác. Nghề rừng đã giúp người dân nơi đây xây dựng nhà cửa, cho con ăn học. Tiêu biểu như hộ ông Huỳnh Ngọc Xuân, Trần Lam Sơn, Nguyễn Công Mãnh, Lê Cử... nhờ cây keo đã nuôi từ 2 đến 4 con học đại học”. Ngoài trồng rừng, người dân Eo Gió cũng mày mò thử nghiệm cách làm ăn mới để tìm hướng đi lên. Đã xuất hiện các mô hình nuôi nhím, gà rừng, nuôi chồn hương, bồ câu Pháp…
Học hành ở Eo Gió là một câu chuyện có hậu. “Khi tách tỉnh, cả Eo Gió ni chỉ có tôi và một người nữa học cấp ba, còn học chưa hết cấp 2 đã rơi rụng hết. Bây giờ ở đây không có học sinh bỏ học giữa chừng. Cả thôn có 30 người đã qua đại học, cao đẳng hoặc đang theo học. Nhiều người đã ra trường, trưởng thành trong công tác” - Thôn trưởng Thái Viết Trà, hồ hởi kể. Chính sách cho vay vốn đối với sinh viên cũng đã góp phần thúc đẩy tích cực đối với việc học ở vùng quê này. Hiện cả thôn có 29 hộ vay với dư nợ là 352 triệu đồng. Những năm tháng đói kém, lam lũ đã lùi lại sau lưng. Tuy cả vùng Eo Gió còn 28,2% hộ nghèo và cận nghèo, nhưng so với trước đây, đấy là bước đi dài trên con đường phát triển. Từ chỗ “trắng đảng viên”, hiện nay Eo Gió đã có 6 đảng viên; 3 quần chúng ưu tú đang được làm hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng. Các hội, đoàn thể hoạt động tốt. Đặc biệt, Eo Gió có một câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững thu hút 25 cặp vợ chồng tham gia. Eo Gió cũng được chọn là thôn điểm của tỉnh Quảng Nam để triển khai đề án tuyên truyền đạo đức lối sống. “Người dân Eo Gió rất tích cực trong việc họp hành, tham gia ý kiến để xây dựng địa phương và triển khai thực hiện rất tốt các chủ trương của trên” - ông Trần Văn Sửu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Lộc nhận xét.
Chăn nuôi bò đã giúp ông Thiết cải thiện cuộc sống. Ảnh: DUY HIỂN |
Người vui nhất trước những đổi thay của quê hương Eo Gió, có lẽ là ông Thái Viết Siêu. Bởi ngày ấy, ông là một trong hai người đề xuất đưa dân lòng hồ lên đây lập nghiệp để rồi cùng họ ngụp lặn trong muôn vàn khốn khó. Những năm tháng ấy, ông như người thuyền trưởng luôn cố gắng giữ vững tinh thần cho cả thủy thủ đoàn trước đại dương đang mịt mùng sóng gió. Giờ nhìn cuộc sống của bà con trong thôn đã vợi nỗi khổ ải, hướng đi lên ngày một sáng rõ, những nỗi niềm áy náy, buồn tủi trong lòng ông Siêu đã phôi pha. Sự đổi thay của Eo Gió bắt nguồn từ nguồn lực đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, bên cạnh đó cũng thấm đẫm bao mồ hôi và kết tinh sức lao động bền bỉ của người dân nơi đây. Để tiếp tục phát triển, Eo Gió cần được Nhà nước đầu tư xây dựng các giếng khoan cỡ lớn để giải quyết cơ bản nước tưới cho đất màu, nâng cấp mạng lưới điện và hoàn thiện hệ thống đường bê tông nông thôn…
Sau mười lăm năm trở lại Eo Gió, tôi không giấu được niềm vui trước những đổi thay ở vùng gò đồi nhấp nhô này. Dẫu chưa phải là một vùng quê trù phú nhưng Eo Gió cũng đã qua rồi cái thời đói kém triền miên...
DUY HIỂN