Ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn

VIỆT NGUYỄN 19/05/2023 16:11

Phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã trở nên phổ biến và phát triển nhanh thời gian gần đây. Tuy nhiên đã phát sinh tình trạng nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn.

Sản xuất, kinh doanh trên địa bàn gặp không ít khó khăn nên các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện cho người vay vốn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Sản xuất, kinh doanh trên địa bàn gặp không ít khó khăn nên các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện cho người vay vốn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khó cho người vay vốn

Gần đây nhiều khách hàng khi liên hệ với các ngân hàng để được giải quyết nhu cầu vay vốn thì được nhân viên tín dụng ép mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay… của doanh nghiệp bảo hiểm có liên kết với ngân hàng. Ông Vũ Đình Ngọc (Hương An, Quế Sơn) bức xúc nói: “Nếu nhân viên ngân hàng giới thiệu, khuyến khích tôi mua các sản phẩm bảo hiểm thì không có gì để nói, đằng này họ ép tôi mua bảo hiểm nhân thọ với hợp đồng giá trị cao”.

Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho rằng chỉ đạo nhân viên giới thiệu các loại bảo hiểm cho khách hàng chứ không yêu cầu nhân viên ép người vay mua bảo hiểm. Mong muốn người vay vốn tham gia bảo hiểm là nhằm giảm mức độ rủi ro cho ngân hàng trong trường hợp người vay không thể chi trả được khoản vay. Ông Phạm Trọng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm ở các ngân hàng, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ người vay vốn.

Trong khi đó, ông Trần Phú Thiện (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) cần sửa chữa nhà ở đã liên hệ ngân hàng thương mại trên địa bàn để vay 100 triệu đồng. Sau khi đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục như tài sản thế chấp, chứng minh thu nhập, thiết kế sửa nhà và chuẩn bị ký hợp đồng vay vốn thì nhân viên ngân hàng đột nhiên yêu cầu ông mua gói bảo hiểm gần 50 triệu đồng/5 năm. Suy đi tính lại, ông Thiện không đồng ý vì cho rằng không “nuôi” nổi bảo hiểm. Không mua nên không ký hợp đồng vay vốn, ông Thiện bức xúc vì đã tốn nhiều công sức làm thủ tục. “Nhà ở của gia đình tôi ngày một xuống cấp. Tôi phải chạy đôn chạy đáo để tìm ngân hàng khác vay mà không biết có ngân hàng nào không ép mua bảo hiểm khi vay vốn” - ông Thiện nói.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm có quyền thay đổi, điều chỉnh hay chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong vòng 21 ngày. Tuy nhiên không ít khách hàng thực hiện theo đúng quy định nêu trên thì phía ngân hàng thương mại đòi hỏi tất toán luôn hợp đồng vay vốn đã ký kết. Nhiều khách hàng không biết xử lý thế nào với trường hợp đã nêu.

Sẽ xử lý nghiêm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có thực trạng không ít ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã giao chỉ tiêu cho nhân viên tín dụng mỗi tháng phải ký kết nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đi kèm với hợp đồng cho vay vốn. Nếu thực hiện được nhiều hợp đồng bảo hiểm thì nhân viên tín dụng được thưởng; ngược lại không đạt chỉ tiêu thì bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ dù cho nhiệm vụ chính là giao dịch ngân hàng không có vấn đề sai sót.

Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, qua đường dây nóng (02353.652.3498), nhiều người dân đã phản ánh về việc ngân hàng ép mua bảo hiểm khi vay vốn. Qua thanh tra, kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã xử lý nhiều trường hợp. Cùng với đó là yêu cầu toàn thể ngân hàng thương mại trên địa bàn không để xảy ra trường hợp ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, nếu phát hiện, sẽ xử lý nghiêm để răn đe. “Chúng tôi yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn không được giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên tín dụng. Nếu tổ chức tín dụng nào gây sức ép, áp lực cho nhân viên về bán bảo hiểm sẽ bị xử lý mạnh tay” - ông Trọng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Văn Trí - Chánh Văn phòng Hội Luật gia Quảng Nam cho rằng, các ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là cách “đánh” vào tâm lý sợ không vay được vốn của người dân. Mua bảo hiểm là tự nguyện, việc ngân hàng ép khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm. Khách hàng gặp phải vấn đề trên thì có thể khiếu nại để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Trường hợp ngân hàng yêu cầu tất toán khoản vay khi khách hàng chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong vòng 21 ngày theo Luật Kinh doanh bảo hiểm là rất vô lý. “Mọi giao dịch ngân hàng đều thực hiện theo hợp đồng tín dụng. Không ngân hàng nào có quyền tự tiện chấm dứt hợp đồng tín dụng với khách hàng khi thời gian còn hiệu lực. Khách hàng có thể kiện ngân hàng trong trường hợp này” - ông Trí nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO