(QNO) - Theo kế hoạch, từ ngày 24/9 đến 17/10, đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thanh tra thủy sản nuôi nước ta.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong những năm gần đây, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam (chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm). Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về khối lượng xuất khẩu, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm cũng trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Cơ quan Thực thi các chính sách về an toàn sức khỏe và thực phẩm của EU (DG-SANTE), số lượng các lô hàng thủy sản từ Việt Nam bị cảnh báo do dư lượng hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng đã gia tăng đáng kể.
Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF) của EU đã nhiều lần phát hiện các lô hàng thủy sản của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn. Điều này đã dẫn đến quyết định của EU tiến hành thanh tra thực địa nhằm đánh giá toàn diện chương trình kiểm soát dư lượng tại Việt Nam.
Nếu kết quả thanh tra không khả quan, có thể dẫn đến các biện pháp hạn chế nhập khẩu nghiêm ngặt từ EU, gây ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản Việt Nam.
Các chuyên gia DG-SANTE sẽ tập trung kiểm tra hệ thống kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng châu Âu và để đánh giá Việt Nam có duy trì và cải thiện được các tiêu chuẩn cần thiết hay không.
Chương trình thanh tra này là một phần trong kế hoạch kiểm tra và phân tích an toàn thực phẩm của EU từ 2021 đến 2025. DG-SANTE đã cam kết tập trung nguồn lực vào việc giám sát thực thi các quy định của EU, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe động vật và cây trồng.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu của EU. Khắc phục những cảnh báo của EU là vô cùng khó khăn nhưng cần thiết để bảo vệ thị trường xuất khẩu.
Ông Tiệp chỉ rõ rằng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc về doanh nghiệp và việc kiểm soát chất lượng từ khâu nguyên liệu là yếu tố sống còn.
“Doanh nghiệp phải theo sát người nuôi nguyên liệu để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Điều này không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế” - ông Tiệp nói.
Ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị từng bị cảnh báo, cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ kiểm soát môi trường, tồn dư hóa chất và kháng sinh. Những hồ sơ này phải khớp với các hồ sơ của cơ quan địa phương và trung ương để tránh bị áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc không được xuất khẩu trở lại.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và triển khai các kế hoạch hành động nhằm chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra này. Các doanh nghiệp được khuyến khích tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và hướng dẫn, đặc biệt trong đăng ký các cơ sở cung ứng, bảo quản, sơ chế cùng với sản phẩm cuối cùng.