(QNO) – Số ca F0 tại nhiều địa phương của Quảng Nam tăng cao mỗi ngày, người dân đổ xô mua kit test nhanh Covid-19 dự trữ, tự xét nghiệm khiến mặt hàng này loạn giá, "cầu vượt cung".
Nhiều cơ sở y tế, phòng khám hết kit test nhanh
Là công nhân, ông L.V.H. (xã Tam Hiệp, Núi Thành) cần kết quả test nhanh để trở lại công ty làm việc song không thể test nhanh ở dịch vụ, ông H. buộc phải đi mua bộ tự test nhanh tại nhà và hi vọng công ty có thể chấp nhận kết quả tự test nhanh. "Đang cần gấp mà chừ không thể làm dịch vụ được, ra Tam Kỳ thì không kịp vì đợi lâu. Đành phải mua bộ tự test nhanh Covid-19 về test rồi chụp hình để thay giấy xác nhận" - ông H. nói.
Núi Thành hiện có 3 bệnh viện, cơ sở y tế, phòng khám có đủ năng lực xét nghiệm cho người dân. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Trung tâm Y tế huyện Núi Thành chỉ thực hiện phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, không thực hiện dịch vụ test nhanh Covid-19 và chỉ duy nhất Phòng khám đa khoa Toàn Mỹ thực hiện dịch vụ này. Thế nhưng, trong những ngày gần đây, phòng khám này không test nhanh cho người dân trên địa bàn huyện.
“Bình thường phòng khám chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu cho trên dưới 100 lượt người test nhanh Covid-19 mỗi ngày với giá 109.700 đồng và xét nghiệm bệnh nhân đến chữa bệnh là 75.000 đồng. Phần lớn là công nhân, người lao động cần có chứng nhận kết quả xét nghiệm. Nhưng hiện nay phòng khám chỉ còn một ít dành cho test người bệnh đến khám, test cho nhân viên. Số lượng bộ test nhanh chỉ có thể đủ dùng trong tuần này. Mà công ty cung cấp vật tư cho chúng tôi thì chỉ hứa cố gắng tuần sau có hàng lại chứ không đảm bảo được” – bác sĩ Huỳnh Văn Ngọc, Trưởng Phòng khám đa khoa Toàn Mỹ cho biết.
Theo bác sĩ Ngọc, việc khan hiếm nguồn cung này gây khó khăn cho người dân vì phần lớn công nhân, người lao động không thể có được chứng nhận xét nghiệm để làm việc. Tuy nhiên, phòng khám không thể mua các loại kit test trôi nổi ngoài thị trường vì làm như thế vừa trái quy định vừa không đảm bảo tính chính xác trong xét nghiệm.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Văn Tiến – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành cho biết, số lượng F0, F1 tăng quá nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau Tết Nguyên đán đã khiến đơn vị cạn kiệt bộ xét nghiệm nhanh Covid-19. Và để “chữa cháy” kịp thời phục vụ điều trị F0, phòng chống dịch trên địa bàn huyện, trung tâm phải chạy đôn chạy đáo "mượn" các đơn vị khác.
“Lâu nay việc cung cấp vật tư y tế của trung tâm đều phải đúng quy định thông qua đơn vị tư vấn, thẩm định giá. Nhưng nay giá thị trường quá cao thì chúng tôi không thể mua vượt giá của đơn vị thẩm định giá. Và ngày 21.2, chúng tôi phải ra văn bản hướng dẫn tạm thời việc xét nghiệm Covid-19 cho các trạm y tế về việc xác định đúng đối tượng F1, hướng dẫn tạm thời về điều trị F0 tại nhà để tiết kiệm trong giai đoạn thiếu hụt vật tư y tế, nhất là kit test nhanh” – bác sĩ Tiến cho hay.
Theo đó, đơn vị này hướng dẫn các đơn vị phải xác định đúng đối tượng F1, tránh tình trạng mở rộng đối tượng, xét nghiệm diện rộng. Đối với F0 điều trị tại nhà 10 ngày (tiêm đủ liều vắc xin) và 14 ngày (chưa tiêm đủ liều vắc xin) không làm xét nghiệm lại và chuyển sang tự theo dõi sức khỏe 7 ngày theo quy định. Và đối với người dân có nhu cầu xét nghiệm ngoài quy định trên thì tự mua bộ kit test nhanh theo đúng quy định của Bộ Y tế và nhân viên y tế sẽ hỗ trợ thực hiện xét nghiệm miễn phí.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ, nhiều ngày nay đã không thực hiện test Covid-19 cho người dân đến khám chữa bệnh ngoại trú, người có nhu cầu xét nghiệm do hết kit test.
Bác sĩ Phạm Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ cho hay, Bộ Y tế mới có thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm Covid-19, mức thanh toán không quá 78.000 đồng/xét nghiệm, so với văn bản trước của Bộ Y tế là 109.000 đồng/xét nghiệm nên các nhà cung cấp không có test để bán. Trung tâm đã liên hệ nhưng không mua được, do vậy không thể thực hiện xét nghiệm cho người dân. Đơn vị cũng nhận được phản ứng của người dân về tình trạng này nhưng không có cách nào khác vì không còn kit test.
“Hiện số kit test từ nguồn của UBND thành phố và CDC tỉnh cung cấp cho trung tâm chỉ đủ để thực hiện xét nghiệm cho người điều trị Covid-19 tại các khu điều trị tập trung và tại nhà. Tại trung tâm, đối với bệnh nhân điều trị nội trú đều được xét nghiệm trước khi nhập viện, còn ngoại trú thì đến nay không thể thực hiện việc xét nghiệm được. Chúng tôi cố gắng liên hệ nhà cung cấp nhưng không biết khi nào mới có lại. Để đảm bảo quy định phòng chống dịch tại trung tâm, đơn vị đã yêu cầu cán bộ, nhân viên, y bác sĩ và người dân phải thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến khám chữa bệnh tại đây” - ông Bình nói.
Trước tình trạng người dân lo lắng khi số ca dương tính với Covid-19 tăng nhanh, nhu cầu xét nghiệm cao, ngoài việc đến các cơ sở y tế để test thì nhiều người tự test ở nhà, bác sĩ Bình khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm quy định 5K, theo dõi sức khỏe thường xuyên thay vì liên tục test Covid-19, khá tốn kém, hơn nữa việc người dân tự tích trữ kit test cũng làm kit test khan hiếm hơn.
Giá kit test nhanh Covid-19 "nhảy múa"
Chị Lê Thị Loan (33 tuổi, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) sau khi nhận thông tin lớp học của con có ca dương tính nên đi tìm mua bộ xét nghiệm Covid-19 về tự test nhanh cho con. “Tôi mua giá cao hơn đợt trước nhiều, 110.000 đồng/bộ so với tuần trước chỉ 70.000 đến 80.000 đồng/bộ. Tôi tự mua về test cho an toàn hơn nhưng không biết rồi có còn mua được bộ test nữa không?” - chị Loan lo lắng.
Ghi nhận trên địa bàn TP.Tam Kỳ, nhiều nhà thuốc lớn, nhỏ đều "cháy" kit test nhanh Covid-19. Đại diện nhà thuốc Long Châu (đường Hùng Vương) cho biết, trong những ngày qua lượng người đến mua bộ kit test Covid-19 tăng nhiều hơn so với trước đó. Nhà thuốc này hiện đang bán 3 loại kit test Covid-19 với mức giá 85.000 đồng/kit, 95.000 đồng/kit và 110.000 đồng/kit. Tuy nhiên đến nay chỉ còn ít bộ kit test giá 110.000 đồng/kit.
“Chúng tôi bán giá được niêm yết ngay từ đầu chứ không có việc tăng giá khi nhu cầu người dùng tăng cao trong những ngày qua. Tuy nhiên số lượng bộ kit test đang ít dần, doanh nghiệp chưa về hàng mới” - nhân viên nhà thuốc Long Châu cho biết.
Tại nhà thuốc Đức Thành (đường Nguyễn Thái Học) đã không còn kít test Covid-19 để bán nhiều ngày qua mặc dù khách hàng đến hỏi mua rất đông. Còn Nhà thuốc Dapharco (đường Trần Cao Vân) đến chiều ngày 24.2 cũng chỉ còn 1 hộp kit BioCredit Covid-19 Ag.
“Giá nhập tăng cao liên tục nên chúng tôi cũng phải tăng theo, trước đây giá nhập mộ bộ kit BioCredit Covid-19 Ag là 65.000 đồng, đến nay đã lên 72.000 đồng/kit, nhưng nhà thuốc bán lẻ mức giá cao nhất cũng chỉ 80.000 đồng/kit, không có tăng quá cao” - đại diện nhà thuốc Dapharco chia sẻ.
Chủ nhà thuốc M.A. trên đường Nguyễn Du cho biết, lượng kit test nhanh Covid-19 khan hiếm bởi vì những ngày trước người đến mua khá nhiều. Nhà thuốc nhập về ít vì giá đẩy lên quá cao. “Tôi sợ nhập về giá cao, người dân lại cứ tưởng mình đẩy giá lại khó bán ra nên lại thôi. Những ngày qua, bình quân mỗi ngày có khoảng 20 khách hỏi mua kit test nhanh nhưng cũng không có hàng để bán” - chủ nhà thuốc này cho biết. Còn với chủ nhà thuốc Q.T. giá kit test lên quá cao, trước đây 55.000 đồng/bộ, bây giờ đến 75.000 đồng/bộ nên nhà thuốc này cũng không nhập hàng vì khó bán. Các kit test tùy theo loại, nước sản xuất sẽ có các giá thành khác nhau. Nhà thuốc này cho biết thêm, Kit BioCredit test của Hàn Quốc giá bán khoảng 80.000 đồng/bộ, Humasis của Hàn Quốc mua tại Pharmacity có giá 110.000/bộ…
Chênh lệch giá dịch vụ test nhanh
Ông A.N. (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ), sáng 25.2 phải đến hai phòng khám mới có thể test nhanh Covid-19 được. Ông N. thông tin, vì công việc nên sáng nay ông đến Phòng khám đa khoa Hồng Phúc (TP.Tam Kỳ) để test nhanh Covid-19, nhưng nhân viên ở đây thông báo không còn kit test. “Sau đó, tôi phải đến Phòng khám đa khoa Sống Khỏe để test, may mắn ở đây vẫn còn kit test nhanh Covid-19” - ông N. bộc bạch. Cũng theo ông N., gia đình ông những ngày qua thường xuyên test ở nhà, sáng nay vợ ông đi mua kit test nhưng vì nguồn hàng khan hiếm nên không mua được.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Quảng Nam, hiện các phòng khám, cơ sở y tế đang thực hiện dịch vụ test nhanh Covid-19 có giá chênh lệch từ khoảng 100 nghìn đồng đến 160 nghìn đồng/lần thực hiện dịch vụ.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Phòng khám đa khoa Sống khỏe cho biết, giá mỗi mẫu xét nghiệm tại đây là 99,8 nghìn đồng. Theo ông, sở dĩ có sự chênh lệch giá cả giữa các đơn vị thực hiện xét nghiệm vì ngoài giá của mẫu kit, mỗi mẫu xét nghiệm còn tính cả trang phục bảo hộ, công nhân viên…
Đồng thời, giá dịch vụ xét nghiệm test nhanh Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân do đơn vị xây dựng và quyết định mức giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Và phòng khám đã thực hiện niêm yết, công khai giá tại đơn vị để người sử dụng dịch vụ biết. Cơ sở y tế tư nhân không áp dụng mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BYT ngày 8.11.2021 của Bộ Y tế quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo phải thực hiện giá tốt nhất để hỗ trợ cho người dân. Hiện tôi đang tìm kiếm nguồn cung để thực hiện xét nghiệm trong thời gian tới cho người dân có nhu cầu” – ông Hải nói.
Theo Bộ Y tế, đối với xét nghiệm Covid-19 test nhanh mẫu đơn mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm. Mức giá theo Thông tư 16 là 109.700 đồng/xét nghiệm. Như vậy mức giá mới sẽ giảm khoảng 30% so với giá đang thực hiện. Xét nghiệm Covid-19 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm.
Sẽ siết chặt quản lý
Tại Núi Thành, đem bộ kit test mua tại nhà thuốc K.P (thị trấn núi Thành) hỏi một người chuyên cung cấp vật tư y tế thì người này cho biết: “Bộ kit test này có giá sỉ là 50.000 đồng/bộ nên họ bán giá 70.000 đồng cũng hợp lý. Những ngày qua việc mua sỉ rất khó vì hiện tại giá bán buôn sỉ cho 1 bộ kit test nhanh đã là 76.000 đồng nhưng không có nguồn cung, còn hỏi nguồn hàng từ tỉnh Quảng Ngãi thì giá từ 78.000 – 80.000 đồng/bộ rồi. Chừ kham hiếm lắm!".
Ông Dương Đạt - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, Sở Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên tục trong những ngày gần đây tại các cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế. “Một số cơ sở kinh doanh không niêm yết giá kit test nhanh hoặc niêm yết giá không đầy đủ” – ông Dương Đạt nói.
Sở Y tế cũng khẳng định đến thời điểm này, Quảng Nam chưa có tình trạng đầu cơ, găm hàng và tình trạng khan hiếm mặt hàng này là có thật. Phần lớn các nhà thuốc đều không bán giá vượt quá cao so với giá trần Bộ Y tế quy định. Và thực tế nhiều nhà thuốc hiện đã không còn nguồn hàng để bán cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh, các nhà thuốc đều mua lại của một số doanh nghiệp cung ứng. Do vậy nguồn hàng hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị nhập khẩu từ nước ngoài cung ứng, trong khi đơn vị sản xuất trong nước không có. Tuy nhiên đến nay, Quảng Nam chưa phát hiện trường hợp giá bán bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tăng cao đột biến hay xuất hiện sản phẩm giả, nhập lậu trên địa bàn.
Tính đến ngày 23.2, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in-vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá; không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Sơn - Quyền cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, việc các nhà thuốc không có kit test là do cửa hàng đó không nhập hàng về vì khả năng giá cao. Hiện Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu những đơn vị này chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.
Đồng thời, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế dùng để phòng dịch Covid-19; đẩy mạnh giám sát hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức cá nhân trên sàn giao dịch cũng như trên website, mạng xã hội…
“Sáng 25.2, 9 đội quản lý thị trường trực thuộc đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cửa hàng bán thuốc, nhà phân phối, cung ứng vật tư y tế… trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm tra việc niêm yết giá, tránh trường hợp lợi dụng dịch bệnh nâng giá bất hợp lý thu lợi bất chính. Đồng thời, đề nghị các cửa hàng, hiệu thuốc, nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh các thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch ký cam kết đảm bảo hàng hóa cung cấp, bán ra thị trường chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như nhãn mác, sản xuất, nhập khẩu từ đâu…" - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay Cục Quản lý thị trường tỉnh đang duy trì các đường dây nóng, người dân nếu thấy cửa hàng, hiệu thuốc nào lợi dụng dịch bệnh nâng giá bất hợp lý thì gọi vào đường dây nóng của đơn vị sẽ kiểm tra ngay lập tức.
Tuy vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường tỉnh cũng thừa nhận, khó có thể kiểm soát giá cả bởi phụ thuộc giá đầu vào của sản phẩm, nên quá trình kiểm tra cũng chỉ tập trung vào một số vấn đề như niêm yết giá và nguồn gốc hàng hóa dựa trên hóa đơn chứng từ đầu vào và đầu ra. Vì vậy, người dân nên thận trọng khi mua hàng, tránh mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động.