Hưởng ứng Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013, huyện Điện Bàn sẽ giới thiệu 6 sản phẩm du lịch mới gồm: khu nhà cổ Vinahouse Space, Bảo tàng Điện Bàn, Nhà lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, Nhà lưu niệm Mẹ Thứ, Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây.
|
Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây - sản phẩm du lịch mới của Điện Bàn đã sẵn sàng đón khách. Ảnh: KHÁNH LINH |
Theo ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, bên cạnh các hoạt động văn hóa, việc giới thiệu sản phẩm du lịch mới lần này được xem là hoạt động trọng tâm của huyện trong lễ hội. Lần đầu tiên sau khi được đầu tư nâng cấp Bảo tàng Điện Bàn sẽ mở cửa đón khách tham quan. Trong số hàng nghìn hiện vật mới bổ sung, điểm nhấn sẽ là bộ sưu tập 500 chiếc đèn cổ của ông Lê Công Anh Đức, xã Điện Hồng hiến tặng cùng nhiều dụng cụ, trang phục nghệ thuật tuồng cổ Quảng Nam… Việc bố trí không gian tại khu nhà cổ Vinahouse Space cũng đã sẵn sàng. Nổi bật trong đó sẽ là không gian trưng bày nhà cổ 3 miền Bắc - Trung - Nam; ngoài ra khu làng nghề truyền thống và khu ẩm thực cũng đã hoàn tất. Đây cũng là nơi sẽ tổ chức lễ công bố món ăn xác lập kỷ lục châu Á - mỳ Quảng và kỷ lục Việt Nam - bê thui Cầu Mống . “Thời gian này chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện các khâu chuẩn bị cuối cùng như bãi đỗ xe, khu vệ sinh. Chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thành xây dựng bộ tài liệu thuyết minh các điểm tham quan và quy tắc ứng xử trong kinh doanh dịch vụ du lịch gửi đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong huyện” - ông Tấn cho biết thêm về công tác chuẩn bị của huyện.
Đặc biệt, khu du lịch nhà vườn Triêm Tây (thôn Triêm Tây, xã Điện Phương) do kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển làng nghề Hội An đầu tư, sau 3 năm cải tạo, xây dựng cũng đã hoàn thành và sẽ chính thức khai trương vào ngày 24.6 tới. Khu du lịch có diện tích 13.447m2 nằm trên một cồn cát lớn giữa bốn bề sông nước, với 147 hộ dân sinh sống. Khu du lịch là sự kết hợp hài hòa giữa bến sông, làng nghề và những ngôi nhà ẩn hiện dưới lũy tre xanh. Để đến được nơi đây ngoài con đường bộ đi vòng từ thị trấn Nam Phước xuống, du khách từ Hội An qua phải dùng phương tiện đường thủy đưa đón. Ở giai đoạn đầu của dự án, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng bờ kè chống xói lở dọc bờ sông Thu Bồn để bảo vệ khu nhà vườn nhằm giữ nguyên những nét đặc trưng của một vùng quê xứ Quảng. Đến nay, tổng số tiền đầu tư vào dự án du lịch Triêm Tây đã hơn 20 tỷ đồng, trong đó có việc nâng cấp cải tạo những ngôi nhà dân trong thôn phù hợp với nhu cầu đón khách. Trong khu du lịch đã hình thành 20 phòng lưu trú, xây dựng 3 hồ bơi, 1 nhà trưng bày sản phẩm. Mỗi phòng lưu trú rộng 3,6m, dài 4,8m, được làm bằng sườn tre, lợp tranh, vách gỗ, thiết kế cửa song sập, vừa giải quyết ánh sáng, vừa điều chỉnh nhiệt độ... theo đúng phong cách nhà Việt. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch như ghe đưa đón khách, nhà ngắm sông ở đầu xóm, xưởng sản xuất trưng bày chiếu chẻ truyền thống… đã cơ bản hoàn chỉnh sẵn sàng đón khách tham quan. Với mô hình du lịch cộng đồng nông thôn, khu nhà vườn Triêm Tây sẽ tạo ra một sản phẩm mới lạ trong dịp lễ hội sắp tới.
Là một trong 6 địa phương tham gia festival di sản lần này (cùng với Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Nam Giang), Điện Bàn trở thành điểm kết nối các địa phương lại với nhau trên con đường di sản. Dù một số hạng mục vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh nhưng có thể khẳng định “Điện Bàn đã sẵn sàng cho Festival Di sản Quảng Nam” như lời quả quyết của Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Thanh Tấn.
KHÁNH LINH