Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013: Kết tinh văn hóa Việt

SONG ANH 27/06/2013 08:01

Tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013, những giá trị văn hóa Việt được tôn vinh trong một không gian chung. Dòng chảy văn hóa từ Bắc chí Nam được hình thành liền mạch, xuyên suốt.

  • Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013
Vừ Mí Chá (dân tộc Mông) thổi khèn trong không gian văn hóa Hà Giang.Ảnh: S.ANH
Vừ Mí Chá (dân tộc Mông) thổi khèn trong không gian văn hóa Hà Giang.Ảnh: S.ANH

Từ điểm cực Bắc của Việt Nam đến tận mũi Cà Mau, dòng chảy văn hóa từ Bắc đến Nam được “gầy dựng” và gửi gắm đến người thưởng ngoạn. Không cần phải đến tận Hà Giang mới được nhấp chút rượu ngô Mèo Vạc, cũng không cần phải rong ruổi đến tận miệt Kiên Giang mới được nghe đờn ca tài tử. Ngay ở Hội An, trong những ngày của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013, những thức ấy đủ đầy. Hai mươi hai ngôi nhà rường dung chứa 22 bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền, từ hình ảnh, trang phục, sản phẩm lưu niệm đến cả những loại hình nghệ thuật diễn xướng.

Đa dạng vùng văn hóa Bắc Bộ

Anh Vừ Mí Chá (27 tuổi), dân tộc Mông, nhấp chút rượu ngô rồi lấy khèn mang theo từ bản ở cao nguyên đá Đồng Văn thổi cho chúng tôi nghe. Tiếng khèn dặt dìu, cuồng nhiệt pha chút hoang dã làm lòng người cứ mãi ngóng về nơi địa đầu Tổ quốc. Trong không gian văn hóa Hà Giang, ngoài hình ảnh về cao nguyên đá Đồng Văn - được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, khách tham quan còn bắt gặp những bộ trang phục của các dân tộc ở vùng cao Đông Bắc như Mông, Tày, Nùng, Thái… Cùng những sắc phục ấy là nhạc cụ truyền thống, công cụ lao động của từng tộc người… Tất cả được quy tụ về không gian văn hóa này, giúp người xem hình dung được cuộc sống của đồng bào vùng Đông Bắc.

Đại diện vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ góp mặt khá nhiều tại Triển lãm Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN. Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, mỗi địa phương có những giá trị văn hóa riêng, giao thoa nhưng không trộn lẫn. Ghé thăm không gian văn hóa Ninh Bình, điều đầu tiên bắt gặp là những hình ảnh về cụ bà Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm - báu vật nhân văn sống và là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Với không gian văn hóa Phú Thọ là những hình ảnh về đền thờ vua Hùng và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận - hát Xoan. Ông Hoàng Văn San - Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Không gian văn hóa Phú Thọ là nơi để người Phú Thọ giới thiệu bản sắc của mình tới đông đảo người dân xứ Quảng và các tỉnh thành trên cả nước và bạn bè quốc tế. Được biểu diễn hát xoan ngay tại nơi là Di sản văn hóa thế giới, chúng tôi rất tự hào”.

Hội tụ miền Trung - Tây Nguyên

Cũng từ ngôi nhà văn hóa này, những người bạn Tây Nguyên mang đến một không gian đầy sự huyền nhiệm. “Không gian văn hóa Tây Nguyên” với rượu cần, cồng chiêng luôn làm mê say nhiều người. Ông Trương Xuân Nhật - Trưởng đoàn Nghệ thuật Kon Tum chia sẻ: “Quảng Nam không xa lạ gì với người Tây Nguyên, vì làng người Quảng tại vùng Tây Nguyên khá nhiều. Nhưng để một lần sống trọn vẹn cùng văn hóa Tây Nguyên như những ngày này thì chắc đây là lần đầu tiên. Trong những ngày diễn ra festival, chúng tôi nỗ lực hết mình để đưa được tất cả những giá trị văn hóa của vùng mình đến với cư dân Hội An và bạn bè quốc tế”.

Riêng với những tỉnh thành miền Trung, đây như “sân nhà”. Khi những giá trị văn hóa dân gian Hội An có nét tương đồng với những giá trị văn hóa vùng Trung Bộ thì việc có những cảm xúc đồng điệu là điều đương nhiên. Triển lãm Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN là sự hội tụ của những di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Vậy nên với vùng văn hóa Trung Bộ,  hình ảnh Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), không gian văn hóa Huế với Nhã nhạc cung đình, Đô thị cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) hay Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)  là những di sản văn hóa được gìn giữ bởi chính con người nơi đây.

Tinh hoa văn hóa phương Nam

Vùng đất nổi tiếng với bộ môn đờn ca tài tử cùng những nếp sinh hoạt “rặt  phương Nam” đã được đưa đến Hội An. Tái hiện gần như trọn vẹn bản sắc văn hóa của mình, các không gian văn hóa TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang giúp người dân xứ Quảng hiểu sâu sắc hơn về vùng “đất ngụ cư” tốt lành được nhiều người lựa chọn. Từ điều kiện địa lý hình thành nên tính cách con người và bản sắc văn hóa, vùng đất phương Nam xứng đáng là nơi tụ hội của nhiều giá trị văn hóa. Riêng với An Giang, ngoài nền văn hóa đang hiện hữu và gắn chặt với đời sống người dân, ở không gian văn hóa này, người xem còn được chiêm ngưỡng và giới thiệu về di chỉ văn hóa Óc Eo thông qua những hiện vật được ngành văn hóa An Giang lưu giữ. Song song với đờn ca tài tử Nam Bộ, người dân xứ Quảng còn được tận mắt chứng kiến “Vũ hội đua bò” của người Chăm vùng An Giang.

Với những người yêu thích nghệ thuật cải lương, hẳn sẽ không thể bỏ qua những không gian văn hóa của vùng Nam Bộ này. Họ bày chiếu, pha sẵn bình rượu, mỗi không gian đều có một đội đờn ca tài tử. Vậy là như những chiếu nhậu của miệt miền Tây, người nghệ sĩ Nam Bộ say sưa “kể” cho khán thính giả nghe những câu chuyện tình Lục tỉnh. Cảnh sắc này không chỉ cuốn lấy người Việt, nhiều anh chàng Tây ngồi nghe chăm chú, thích thú mỗi khi người hát lên câu vọng cổ. Nếu tinh hoa văn hóa vùng Bắc Bộ chuộng sự yên ắng, thiên về chiều sâu thì văn hóa Nam Bộ lại cần sự nhộn nhịp của số đông.

Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN” khép lại sau 6 ngày trưng bày (21.6 - 26.6). Khép lại một triển lãm nhưng mở ra những cách nhìn đáng trân trọng về giá trị văn hóa Việt và sự kết nối tinh hoa những vùng văn hóa.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013: Kết tinh văn hóa Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO