Từ “Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN” đến Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam, carnavan đường phố, hội tụ nghệ thuật ASEAN, Hàn Quốc - Nhật Bản…; những hoạt động này trong lễ hội di sản mở ra một không gian văn hóa đa chiều cho người thưởng lãm.
|
Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN hứa hẹn nhiều nét văn hóa đặc sắc với không gian mở. Trong ảnh: Trình diễn nghệ thuật truyền thống ở phố cổ.Ảnh: T.DŨNG |
Tâm điểm lễ hội
Theo Ban tổ chức, tâm điểm của lễ hội là Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN, đặt tại Vườn tượng An Hội (TP.
Để tổ chức Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN, Vinahouse sẽ lắp đặt 23 nhà rường cổ tại công viên Vườn tượng An Hội bên bờ sông Hoài. Trong đó, 22 không gian di sản văn hóa đặc trưng của Việt Nam và một không gian chung cho các quốc gia ASEAN sẽ được bố trí theo chiều bắc - nam. Trong đó, cực bắc sẽ là không gian di sản văn hóa của tỉnh Hà Giang và kết thúc tại điểm cực nam là không gian di sản văn hóa tỉnh Kiên Giang. Tại không gian mở này, người xem sẽ được cung cấp những thông tin cơ bản về văn hóa các vùng đất và sẽ có một trường liên tưởng về dòng chảy văn hóa dọc dải đất hình chữ S và cả khối ASEAN. Tác phẩm sắp đặt “Bản đồ Việt Nam” bằng hoa dựa theo tác phẩm điêu khắc “Chân trời Hội An” của nhà điêu khắc người Đức - Ingo Gũnther cùng các biểu tượng hoa sen bằng lồng đèn Hội An… sẽ kết nối toàn bộ không gian trưng bày. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho hay, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị gần như đã hoàn tất. Phía Quảng Nam sẽ có sản phẩm trưng bày từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Ban Quản lý khu di tích Mỹ Sơn, Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Thông tin từ Ban tổ chức cho biết thêm, ngoài hoạt động tĩnh, các địa phương còn tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể thế giới, trình diễn lễ hội, nghề truyền thống, giao lưu trò chơi dân gian...
Không gian di sản văn hóa lần này chính là sự tôn vinh những giá trị văn hóa Quảng Nam, khẳng định những nét đặc trưng và đóng góp của văn hóa Quảng Nam trong kho tàng di sản văn hóa chung của dân tộc. Đây còn là hoạt động đáp ứng nhu cầu tìm hiểu những giá trị di sản văn hóa của người dân và du khách, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong cộng đồng ASEAN. Thông qua không gian này, các trung tâm quản lý di tích có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Họa sĩ Đỗ Minh Nhàn - người đã có hơn 100 bức tranh vẽ về các di sản văn hóa khắp thế giới, cũng sẽ có một gian hàng triển lãm tại đây.
Hội tụ bản sắc
Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V còn có Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam. Khác với những lần tổ chức hội diễn, liên hoan trước, lần này, các đoàn tham dự được đưa về địa phương để biểu diễn phục vụ người dân. Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh chia sẻ: “Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam vừa để làm phong phú hoạt động của lễ hội, vừa nhằm mục đích giới thiệu các loại hình nghệ thuật đặc trưng của các vùng, miền trong cả nước đến với người dân”. Sẽ có 16 đoàn nghệ thuật với 10 điểm lưu diễn tại các huyện trong suốt thời gian diễn ra liên hoan. Điểm đặc biệt của liên hoan là sự góp mặt của các nghệ nhân, diễn viên không chuyên đại diện các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ông Lê Văn Lộc - Trưởng đoàn nghệ thuật quần chúng TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, được đến Quảng Nam biểu diễn và cùng làm nên một hành trình di sản đa dạng, phong phú là mong muốn của các thành viên trong đoàn. Được biết, các đoàn sẽ cùng tham dự lễ khai mạc festival, carnavan đường phố với đoàn hoa hậu, các đội hợp xướng… Suốt thời gian diễn ra lễ hội, hằng đêm, trên sông Hoài sẽ có phần trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống được nhiều người yêu thích như dân ca quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ, hò hát xứ Quảng, hò ca Huế... Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin cho biết: “Những ngày diễn ra trưng bày Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN chắc chắn sẽ “hút khách”, nhất là với sự tham gia biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên sông của anh chị em diễn viên, nghệ nhân đến từ các vùng miền. Phố cổ, sông Hoài vốn đã ấn tượng về đêm chắc còn đẹp và lung linh hơn nữa trong những ngày này”.
Ngày 21.6, Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN và Liên hoan Nghệ thuật quần chúng sẽ đồng loạt khai mạc. Hy vọng, cùng với nhiều hoạt động khác tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V, các hoạt động biểu diễn này góp phần làm nên một hành trình di sản ấn tượng, độc đáo và lưu lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách.
LÊ QUÂN