Thế giới

Frankie Malachi: Người mê nghệ thuật múa rối Singapore

KIM OANH 13/07/2024 07:26

Nghệ sĩ Frankie Malachi (tên thật Frankie Yeo) của Singapore tin rằng nghệ thuật múa rối dân gian luôn có sức mạnh để tồn tại lâu dài.

z5615890650254_e04a18b3c0ae448a76b9666ee1330c9a.jpg
Nghệ sĩ Frankie Malachi và con rối do ông thiết kế và điều khiển. Ảnh: S.T

Frankie Malachi (61 tuổi) cho rằng điều quan trọng với nghệ thuật là phải có đam mê. Múa rối là môn nghệ thuật vượt qua mọi lứa tuổi, có khán giả trẻ từ 5 đến 100 tuổi.

Các quốc gia khác nhau có hình thức múa rối độc đáo riêng. Nếu cộng đồng người Mã Lai nổi tiếng với nghệ thuật wayang kulit hay wayang golek trong khi Việt Nam nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước.

Ước tính đến nay, ông đã chế tác được khoảng 400 con rối, từ rối tay đến rối bóng, linh vật và hoạt hình. Trước nguy cơ mai một của nghệ thuật múa rối dân gian, hơn 20 năm qua, Frankie Malachi dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu, kinh doanh liên quan đến nghệ thuật múa rối truyền thống.

Ông tham gia biểu diễn và đạt nhiều giải thưởng quan trọng trong các cuộc thi và lễ hội quốc tế. Tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ II năm 2010, tại Hà Nội, Frankie Malachi vinh dự nhận giải Vàng cho Màn trình diễn xuất sắc nhất, giải Vàng cho Nghệ sĩ xuất sắc nhất (Nghệ sĩ múa rối cá nhân) và giải Đặc biệt cho thiết kế con rối xuất sắc nhất.

Năm 2015, Frankie Malachi biểu diễn ở Ba Lan tại Liên hoan sân khấu quốc tế Valise - lễ hội văn hóa quy tụ các nghệ sĩ múa rối từ khắp nơi trên thế giới.

Cạnh đó, những sáng tạo của nghệ sĩ Malachi đã có mặt trong các sự kiện như Lễ hội đêm Singapore 2015, Thế vận hội Olympic Trẻ Singapore 2010 và tại nhiều quốc gia trên thế giới như Malaysia, Thái Lan, Nga, Indonesia...

Để gìn giữ nghệ thuật múa rối truyền thống của quốc gia mình, Công ty Mascots and Puppets Specialists của nghệ sĩ Frankie Malachi đã tổ chức các buổi biểu diễn và biên đạo múa giới thiệu nghệ thuật múa rối dân gian trong các trường học.

Nghệ sĩ Frankie Malachi vừa nói vừa nhặt một con rối hề: “Mỗi con rối đều có nét kỳ quặc và cá tính riêng. Đây là Bruno - con rối tôi yêu thích nhất và là con rối dây đầu tiên tôi sáng tạo. Tôi định cho Bruno trở thành nghệ sĩ piano, nhưng không hiểu sao nó lại trở thành chú hề”.

Ông Malachi tin rằng đây là điểm khác biệt giữa con rối thủ công với con rối được sản xuất hàng loạt bằng công nghệ hiện đại.

“Con rối in 3D có thể hoàn hảo hơn về mặt kỹ thuật so với con rối thủ công. Nhưng chính những điểm không hoàn hảo mới khiến con rối thủ công được yêu mến: không quá mịn, không quá giả tạo” - nghệ sĩ Malachi giải thích.

Malachi vẫn mong muốn kết hợp tính nghệ thuật truyền thống và hiện đại, làm mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân hiện đại.

“Tôi sẵn sàng kết hợp trí tuệ nhân tạo và thực tế tăng cường vào nghề múa rối. Cuộc sống là để học hỏi những điều mới mẻ” - ông Malachi nói.

Tại xưởng rối của mình, ông cùng những nghệ nhân trẻ lên ý tưởng, viết câu chuyện và kịch bản cho rối. Sau đó, khéo léo điêu khắc khuôn ban đầu từ đất sét và tái tạo nó bằng gỗ hoặc nhựa.

Sau khi hoàn thiện những con rối bằng trang phục và màu vẽ từ kỹ năng của nghệ sĩ, những con rối trở nên sống động trước khán giả qua tài nghệ của nghệ sĩ múa rối.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Frankie Malachi: Người mê nghệ thuật múa rối Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO