(QNO) - Ngày 22 và 23.2, hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương thuộc G-20 tại thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út bao trùm nhiều vấn đề từ thuế công nghệ, kinh tế toàn cầu đến rủi ro của dịch Covid-19.
G-20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn bao gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU). Tại sự kiện lần này, đại diện của Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Trung Quốc vắng mặt vì dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tại nước này.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Kristalina Georgieva cho biết quỹ này dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,1 điểm; trong khi đó tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống 5,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 1 vừa qua do tác động của dịch Covid-19.
Ngoài ra, lãnh đạo IMF cho rằng, sự bùng phát của dịch Covid-19 sẽ tác động nhẹ và ngắn hạn đến kinh tế toàn cầu, song lại xuất hiện khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn hồi phục mong manh.
Hơn nữa, nếu dịch bệnh diễn ra lâu dài và trở thành đại dịch toàn cầu thì nền kinh tế thế giới sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Do đó, IMF kêu gọi hợp tác quốc tế là cần thiết để kìm hãm Covid-19, đặc biệt là ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém.
Các quan chức tài chính G-20 đồng thời thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu và các giải pháp chính trị phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế trước các rủi ro, đặc biệt là liên quan đến sự bùng phát của dịch Covid-19.
Tại hội nghị, Nhật Bản kêu gọi các thành viên G-20 tăng cường chi tiêu nhằm giúp nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Đến ngày 23.2, số người chết vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc đại lục đã vượt mốc 2.400.
Dịch bệnh đã lan rộng đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và các ổ dịch mới bắt đầu bùng phát ở châu Âu, Trung Đông và châu Á làm hơn 10 người tử vong, đặc biệt hiện diễn biến phức tạp tại Iran, Hàn Quốc và Italia.
Các quan chức G-20 cũng bàn về các thách thức phát sinh từ việc số hóa nền kinh tế toàn cầu gây nhiều tranh cãi như thuế công nghệ.
Bộ trưởng Tài chính Ả-rập Xê-út Mohammed Al-Jadaan cho biết năm nay sẽ giới thiệu một thử nghiệm quan trọng về hệ thống minh bạch thuế trên toàn thế giới.
“Phần mềm cung cấp cho chúng ta cơ hội để đánh giá những gì chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực minh bạch thuế… và cung cấp một nền tảng để thảo luận về cách giải quyết các thách thức thuế phát sinh từ việc số hóa nền kinh tế” - ông Mohammed Al-Jadaan nói.
Các quan chức của G-20 cho biết, các nền kinh tế hàng đầu cần thống nhất trong việc đối phó với hành động "tối ưu hóa thuế" của các gã khổng lồ công nghệ như Google, Amazon và Facebook (tất cả có trụ sở tại Mỹ).
Nhiều quốc gia EU đang đẩy nhanh kế hoạch cấp quốc gia đánh thuế các gã khổng lồ công nghệ thì Mỹ cho biết đang cân nhắc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc phản đối các quốc gia EU dự định áp thuế lên các tập đoàn kỹ thuật số lớn như Facebook và Google…