(QNO) - Bộ trưởng tài chính nhóm G-20 đồng ý soạn thảo luật thuế chung nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế của các đại gia công nghệ như Google, Facebook, Amazon.
Trong cuộc họp thường niên, năm nay diễn ra tại Nhật Bản vào ngày 8.6, các bộ trưởng G-20 nhất trí thúc đẩy việc đánh thuế các gã công nghệ khổng lồ.
Các nhà lãnh đạo tài chính của các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G-20) bày tỏ lo ngại các hãng công nghệ lớn đang được hưởng lợi từ mức thuế thấp, hoặc không phải trả đồng thuế nào tại những quốc gia mà họ thu nhiều lợi nhuận.
Do đó, việc soạn thảo các các quy tắc chung để thu hẹp các lỗ hổng được các công nghệ toàn cầu sử dụng để giảm thuế doanh nghiệp của họ.
Từ lâu, Facebook, Google hay Amazon và các công ty công nghệ lớn khác phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt về việc cắt giảm hóa đơn thuế của họ bằng cách ghi nhận lợi nhuận tại các nước có mức thuế thấp, bất kể khách hàng ở đâu. Riêng Facebook hiện vượt qua cột mốc 2 tỷ người dùng trung bình mỗi tháng.
Do đó, G-20 muốn đảm bảo rằng các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải trả mức thuế tối thiểu quy định chung cho tất cả những thành viên tham gia nhóm này. Các công ty công nghệ vì thế khó có thể chuyển hướng lợi nhuận đến những nước có mức thuế thấp hơn.
G-20 cũng cân nhắc một chính sách thuế mới dựa trên khối lượng hoạt động kinh doanh của công ty tại một quốc gia khi dựa trên người dùng ở mỗi quốc gia đó, chứ không phải nơi họ đặt trụ sở.
Các bộ trưởng tài chính G-20 hoan nghênh những tiến bộ gần đây của nhóm trong việc giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ số hóa, và họ sẽ tăng gấp đôi nỗ lực cho một giải pháp dựa trên sự đồng thuận với một báo cáo cuối cùng vào năm 2020.
Trong tháng 3 vừa qua, Chính phủ Pháp nhất trí đề xuất dự luật đánh thuế 3% thu nhập tại nước này của các gã khổng lồ internet toàn cầu. Mức thuế mới sẽ áp dụng đối với các công ty kỹ thuật số có thu nhập toàn cầu hơn 850 triệu euro, và thu nhập tại Pháp đạt hơn 25 triệu euro.
Dự luật được xem là một cách để giải quyết tình trạng các công ty đa quốc gia trốn thuế. Pháp sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng loại thuế trên nếu dự luật này được Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ đồng ý mức thuế tối thiểu cho các công ty kỹ thuật số như Amazon, Google và Facebook vào giữa năm 2020.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ từng lo ngại việc châu Âu tính “thuế kỹ thuật số” có thể “bất công” với các đại gia công nghệ Mỹ.
Được thành lập vào năm 1999 và hiện chiếm 85% nền kinh tế thế giới, G-20 bao gồm các thành viên: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Argentina, Australia, Brazil, Canada, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Saudi Arabia và Nam Phi.