(QNO) - Sáng nay 15/11, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc tại đảo Bali, Indonesia. Hội nghị được kỳ vọng sẽ xây dựng sự đồng thuận toàn cầu, phục hồi kinh tế thế giới.
Phát biểu khai mạc hội nghị với chủ đề "Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn", Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo khẳng định, thế giới hiện đối mặt với các thách thức chưa từng có, với các cuộc khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, tác động rõ nhất đối với vấn đề an ninh lương thực và năng lượng.
"Chúng ta không có lựa chọn nào khác, hợp tác là cần thiết để cứu thế giới. G20 không chỉ có trách nhiệm đối với người dân của chúng ta mà còn với người dân thế giới. Chúng ta không nên chia tách thế giới thành nhiều phần. Chúng ta không để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh Lạnh khác" - Tổng thống Joko Widodo phát biểu.
Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới kỳ vọng các nền kinh tế lớn gạt qua khác biệt, tăng cường phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cởi mở, bao trùm và hợp tác cùng có lợi, phục hồi nền kinh tế thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 diễn ra trong bối cảnh nỗi lo suy thoái bao trùm nền kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng chưa từng thấy trong vài thập kỷ qua cả nước phát triển và đang phát triển, điều kiện tài chính thắt chặt ở hầu hết khu vực, khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng bắt nguồn từ các cuộc xung đột, đại dịch, các thảm họa thiên nhiên gia tăng do biến đổi khí hậu, làm chậm đáng kể quá trình xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển...
Tháng 10 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 2,7% vào năm 2023.
Do đó, trong 2 ngày diễn ra hội nghị (15 và 16/11), các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn thế giới tập trung thảo luận các vấn đề ưu tiên toàn cầu từ phục hồi kinh tế thế giới, tăng cường cơ sở y tế toàn cầu như ứng phó khủng hoảng đại dịch, ngăn chặn biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững, chuyển đổi số, an ninh lương thực và năng lượng...
Ví như, để củng cố các hệ thống y tế thế giới, hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ giúp cải thiện khả năng ứng phó với COVID-19 toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng y tế thế giới, đồng thời góp phần làm cho các hệ thống y tế trở nên linh hoạt hơn, toàn diện, công bằng và ứng phó với khủng hoảng.
Được thành lập năm 1999, G20 là nhóm gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu, là diễn đàn thảo luận về các vấn đề lớn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt, tìm giải pháp cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới. G20 đại diện cho hơn 80% tổng sản lượng kinh tế của thế giới, 60% dân số trái đất và 75% thương mại toàn cầu.