Gã khuyến nông và chuyện chữ nghĩa

LÊ PHẠM SƠN HẢI 14/02/2018 15:39

Với vẻ bề ngoài hiền lành, chất phác, Hoàng Tuấn Công - anh cán bộ khuyến nông xứ Thanh bất ngờ làm giới học thuật rúng động và sửng sốt khi ra mắt sách để phản bác Từ điển tiếng Việt của GS.Nguyễn Lân. Nhân dịp năm mới, tác giả của bộ sách “dậy sóng” từng đoạt giải thưởng Sách hay năm 2017 đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Tư gia của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công luôn mở cửa đón tiếp khách yêu sách.Ảnh: SƠN HẢI
Tư gia của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công luôn mở cửa đón tiếp khách yêu sách.Ảnh: SƠN HẢI

Anh viết rất nhiều bài báo chỉ ra các sai sót trong nhiều cuốn từ điển, nhưng tại sao anh lại chọn Từ điển tiếng Việt của GS.Nguyễn Lân để làm hẳn một cuốn sách. Có phải anh chọn “phê bình” từ điển của ông để được nổi tiếng theo cái tên Nguyễn Lân?

 - Theo tôi, tất cả sáng tạo được thực hiện chỉ với mong muốn trở nên nổi tiếng thì kết cục đều trở thành lố bịch. Tôi từng viết bài về hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt kém chất lượng. Tuy nhiên, những cuốn từ điển đó phần lớn là từ điển khổ nhỏ, tôi gọi là “từ điển rác”. Tuy có nhiều sai sót, nhưng việc phê bình những cuốn sách đó chỉ đáng (và chỉ có thể) dừng lại ở phạm vi một vài bài báo. Mục đích là lên tiếng trước tình trạng xuất bản lộn xộn, cảnh báo để độc giả biết mà tránh mua phải loại sách này. Nhưng với từ điển của GS. Nguyễn Lân lại là chuyện khác. Vì những sai sót trong từ điển của ông mang tính hệ thống (có tới 5 cuốn, mà GS.Nguyễn Lân với tư cách là tác giả và đồng tác giả). Trong hơn 20 năm qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bài viết chỉ ra những sai sót đó. Nhưng từ điển của GS.Nguyễn Lân vẫn được tái bản mà không hề được sửa chữa. Đó chính là lý do khiến tôi đi đến quyết định phải làm riêng một cuốn sách khảo cứu về từ điển của Nguyễn Lân, dù giáo sư đã nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cho cụm công trình về giáo dục học và Từ điển tiếng Việt: “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”.

Ngoài nghiên cứu chữ nghĩa, Hoàng Tuấn Công là gã khuyến nông cần mẫn.Ảnh: SƠN HẢI
Ngoài nghiên cứu chữ nghĩa, Hoàng Tuấn Công là gã khuyến nông cần mẫn.Ảnh: SƠN HẢI

Nếu gia đình GS.Nguyễn Lân đề nghị sử dụng cuốn sách của anh để phục vụ cho việc sửa chữa, biên tập cuốn từ điển của Nguyễn Lân thì anh có sẵn sàng không?

Tất cả bài phê bình từ điển của tôi đều hướng đến mục đích cuối cùng là những sai sót phải được đính chính, sửa chữa. Bởi vậy, chẳng có lý do gì tôi lại không đồng ý cho những người có trách nhiệm sử dụng những gì tôi viết để chỉnh sửa sai sót đó. Nếu được hiệu đính, dĩ nhiên từ điển của GS.Nguyễn Lân sẽ bớt đi rất nhiều sai sót, đặc biệt là những lỗi nặng. Còn việc sửa chữa để từ điển của GS.Nguyễn Lân trở thành cuốn từ điển tốt nhất, theo tôi là cực khó. Khó, bởi từ điển của ông không chỉ sai sót trong những trường hợp cụ thể, mà còn sai về phương pháp luận. Bởi vậy, yêu cầu của công việc sửa chữa, hiệu đính lớn đến mức gần như phải biên soạn lại.
Để tác phẩm này có mặt trên kệ sách, anh có phải gặp nhiều khó khăn gì không? Nếu có thì anh đã làm gì cho đứa con tinh thần mình ra đời?

(Ngồi trầm tư).Vâng. Gian nan lắm. Chỉ xin lấy một vài ví dụ: Sau 2 năm giao ước, từ tháng12.2014 và cầm giữ bản thảo vào tháng 6.2016, giám đốc một nhà xuất bản lớn ở phía Nam thông báo với tôi, bản thảo “đang đưa vào kế hoạch để xin giấy phép Cục xuất bản”. Thế nhưng, sau 3 tháng chờ đợi, nhà xuất bản này gửi trả lại tôi bản thảo vào ngày 19.9.2016 mà không một lời giải thích.

Ngay sau đó, một công ty sách lớn đã ký với tôi hợp đồng khai thác bản quyền (trong 3 năm). Tưởng đã xong, nhưng bỗng dưng hợp đồng lại bị hủy bỏ. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi tiếp tục gửi bản thảo đến nhiều nhà xuất bản, nhiều công ty sách tên tuổi khác, nhưng đều lần lượt bị từ chối cấp phép, hoặc từ chối ký hợp đồng khai thác bản quyền. Có nhà xuất bản nói thẳng lý do (xin không tiết lộ) mong tôi hiểu và thông cảm; nhưng cũng có nhà xuất bản từ chối khéo. Trong đó, có thêm một nhà xuất bản ban đầu đồng ý cấp phép cuốn sách và dù đã được Cục xuất bản chấp nhận kế hoạch xuất bản nhưng rồi bỗng dưng kế hoạch lại bị hủy. Cho dù những bước đi trên đây, tôi đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều bậc đàn anh trong làng văn, cũng như anh em bạn bè, nhưng bản thảo cuốn sách vẫn lâm vào bế tắc. Tôi hoang mang, vì giấy phép xuất bản không có, trong khi, lại có quá nhiều người nắm bản thảo cuốn sách trong tay. Bạn bè khuyên tôi tìm cách xuất bản ở hải ngoại, hoặc cho công bố toàn bộ nội dung bản thảo lên mạng. Nhưng tôi nói, tôi không muốn cuốn sách xuất bản ở hải ngoại. Còn chuyện công bố trên mạng, tôi đã làm trước đó 3 năm rồi. Đến đây, hành trình đi tìm “giấy khai sinh” cho cuốn sách vẫn chưa được nửa chặng đường. Chặng sau còn không ít gian nan.

Nhiều trắc trở đến mức, khi đã nhận được 10 cuốn sách tiêu chuẩn của tác giả trong tay (sách đang đợi lưu chiểu), tôi vẫn sợ rằng, sẽ tiếp tục gặp một trắc trở nào đó ở phút chót, khiến không thể đến tay bạn đọc. Và cứ nghĩ rằng, khi cuốn sách chính thức được phép phát hành, tôi sẽ có một vài dòng trịnh trọng giới thiệu với anh em bạn bè… Ấy vậy mà sau gần 4 tháng, khi những bản sách cuối cùng trong số 5 ngàn bản đang đến với bạn đọc, tôi vẫn chưa hề có một dòng chính thức nào giới thiệu về cuốn sách của mình. Gần bốn tháng trôi qua với biết bao nhiêu cảm xúc...
Từ khi cuốn sách ra đời đến nay, anh có nhận được phản hồi trực tiếp, chính thức nào từ phía gia đình GS. Nguyễn Lân và có gặp phiền toái gì sau khi xuất bản cuốn sách?

Không có bất cứ phản hồi trực tiếp nào từ phía gia đình GS. Nguyễn Lân. Cũng không gặp bất cứ phiền toái nào, ngoại trừ những bận bịu sau khi sách xuất bản.
Tâm trạng anh như thế nào khi nhận giải thưởng Sách hay năm 2017?

- Dĩ nhiên là vui rồi! Vì ngoài sự đón nhận của độc giả, thì đó là ghi nhận chính thức của một hội đồng trao giải sách hay có uy tín. Mặt khác, tôi thích thể lệ của giải do Viện Giáo dục IRED, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức ở chỗ: chỉ công bố giải, không trao giải; chỉ có giải, không có thưởng; tác giả không cần gửi sách đến dự giải; không cần bất cứ đơn xin xét giải, sơ yếu lý lịch, hay bản tóm tắt nội dung tác phẩm nào. Tôi cũng quan niệm, giá trị của mọi giải thưởng đều mang tính chất tương đối. Nghĩa là giải thưởng không phải là giấy chứng nhận cho giá trị tuyệt đối, vĩnh viễn của cuốn sách, mà hay dở còn phụ thuộc vào việc nó chỗ đứng lâu dài, có giá trị thực sự trong lòng độc giả hay không.

Nhân đây, tôi xin được nói lời cảm ơn tới những quý nhân bằng xương bằng thịt, đã vì tinh thần học thuật mà hết lòng phù trợ; đem cả uy tín và tên tuổi của mình để đánh cược cho sự ra đời của cuốn sách Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu. Cảm ơn tất cả anh em bạn bè, từng gặp hay chưa từng gặp, dù quen biết hay chưa từng biết mặt biết tên, đã quan tâm, dù lời khen hay tiếng chê cũng xin được nói lời cảm ơn.

LÊ PHẠM SƠN HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gã khuyến nông và chuyện chữ nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO