Thập niên 2010 trở về sau, trong những bộ phim của Johnny Trí Nguyễn khán giả lại thấy xuất hiện một cái tên rất lạ - họa sĩ Trần Trung Lĩnh, trong vai trò giám đốc mỹ thuật. Đôi khi, lại thấy anh xuất hiện trên một vài phim trong vai trò diễn viên. Ít người biết rằng gã họa sĩ này xuất thân từ Hội An.
Thoạt nhìn, bộ dạng bên ngoài với khuôn mặt cùng bộ râu hơi kỳ kỳ, khiến người tiếp xúc với Trần Trung Lĩnh liên tưởng ngay đến sự tương phản với ánh mắt và bộ ria mép của họa sĩ siêu thực nổi tiếng Salvador Dalí. Người đối diện cũng biết chắc luôn rằng, mình đang tiếp xúc với một gã “quái”.
Những thể nghiệm nghệ thuật
Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, Trần Trung Lĩnh cũng đã nhiều lần thể hiện những suy nghĩ, hành động khiến không ít người cho là bất bình thường, kể cả những người biết rõ về anh.
Sinh năm 1977 tại Hội An, ngay từ nhỏ, Trần Trung Lĩnh được cha hướng dẫn vào con đường hội họa. Gia đình khó khăn, hằng ngày những bài vẽ của Lĩnh là những nét vẽ bằng que gỗ xuống nền đất trước nhà. Có một thời gian anh theo học với thầy Mạc Chánh Bình - họa sĩ nổi danh về vẽ tranh truyền thần ở Hội An.
Được các họa sĩ đồng hương lớp đàn anh như Nguyễn Hữu Thấu, Bùi Tiến Tuấn, Đỗ Xuân Diệu khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ về họa liệu, ngay từ năm học lớp 9 anh đã có tranh gởi tại các gallery ở Hội An.
Trần Trung Lĩnh cho biết, ngoài yêu thích hội họa, chính những bức tranh được bán trong giai đoạn này là nguồn động lực để anh theo nghề hội họa. Tuy nhiên, lúc thi đại học anh lại chọn vào trường Mỹ thuật công nghiệp. Theo học được nửa năm, anh mới chợt nhận ra là mình chọn nhầm trường.
Trần Trung Lĩnh tiếp tục đi thi và đậu vào trường Mỹ thuật Gia Định. Ngay khi theo học ở năm thứ hai anh bắt đầu chọn cho mình con đường riêng để hướng đến.
Được các thầy giỏi trong trường hướng dẫn phát triển cá tính, đồng thời được tiếp cận với những sách vở, tài liệu về mỹ thuật thế giới, Trần Trung Lĩnh nói đó là những may mắn anh có được.
Tốt nghiệp mỹ thuật, Trần Trung Lĩnh lao ngay vào con đường sáng tác. Anh thể nghiệm rất nhiều thể loại tranh để thỏa mãn chính mình. Tuy tạo được chút ít tên tuổi trong giới mỹ thuật và cả trong thị trường mỹ thuật, nhưng anh biết rằng vẫn chưa tìm ra lối đi riêng.
Để thay đổi môi trường, với máu văn nghệ có sẵn, Trần Trung Lĩnh tham gia ban nhạc rock “SomeOldGuys”, như một tay guitar rhythm, cùng với những tay tổ của Sài Gòn thời đó như guitar lead Linh “xù”, guitar bass Minh Phương của ban nhạc “Unlimited D”, tay trống Đức Huy của ban nhạc “Atomega”.
Anh cũng sáng tác, thu âm album “I’m teaching myself, everyday”, như một nhà sản xuất độc lập (indie). Album gồm 13 bài mang phong cách nhạc Grunge, một tiểu thể loại alternative rock xuất hiện vào giữa thập niên 80 tại Seatle, Hoa Kỳ. Đồng thời trong vai trò của một “ông bầu”, thường niên Trần Trung Lĩnh cũng tổ chức thành công chương trình nhạc rock “Rock’N’Share”, kéo dài được 7 mùa, tạo được tiếng vang trong giới rock Việt thời bấy giờ.
Dấn thân điện ảnh
Là người có tính cách mạnh mẽ, Trần Trung Lĩnh lần theo nhiều con đường khác nhau liên quan đến mỹ thuật để thử nghiệm sức mình, mong tìm được điều mong muốn nhất. Và một trong những con đường đó là điện ảnh. Anh bắt đầu tham gia điện ảnh với vai trò vẽ bản phác thảo cho từng cảnh quay trong phim, bao gồm cả hiệu chỉnh góc quay và ánh sáng.
Bước ngoặt đáng nhớ nhất đến với Trần Trung Lĩnh khi anh gặp đạo diễn Johnny Trí Nguyễn. Qua những cuộc gặp gỡ, cả hai đều cảm thấy quý mến nhau trong hành trình đi tìm cái đẹp. Anh nhận lời tham gia cùng đoàn phim thực hiện bộ phim “Dòng máu anh hùng”, có những phân cảnh được quay tại quê nhà Hội An.
Kể từ sau lần này, Trần Trung Lĩnh được mời làm giám đốc mỹ thuật cho hàng loạt bộ phim của Johnny Trí Nguyễn như: Để mai tính, Tèo Em, Bụi đời Chợ Lớn, Long Ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ... Chính điều này đã kích thích niềm đam mê điện ảnh luôn hiện hữu trong anh.
Không chịu dừng lại ở đó, Trần Trung Lĩnh mong muốn đi xa hơn vào con đường này với những vai trò khác nhau như viết kịch bản và đạo diễn phim. Bởi chưng, anh nhận biết trong điện ảnh luôn luôn có sự hiện diện của mỹ thuật và cả âm nhạc, những bộ môn nghệ thuật này luôn liên đới với nhau trong từng bối cảnh. Anh tìm mua tài liệu về tự học, đồng thời vừa tham gia làm phim, vừa học nghề.
Một cơ duyên khác đến với Lĩnh khi anh gặp đạo diễn Lưu Huỳnh lúc ông về Hội An để thực hiện bộ phim “Áo lụa Hà Đông”. Nhận biết Lưu Huỳnh là đạo diễn lớn, chuyên làm những bộ phim mang yếu tố nghệ thuật cao, nên Lĩnh lao theo vị đạo diễn này để học hỏi kinh nghiệm cũng như những kỹ năng thực hiện một bộ phim.
Trần Trung Lĩnh tâm sự: “Mất hơn 8 năm để tự học, rồi tôi cũng viết được nhiều kịch bản phim. Có một kịch bản khai thác sâu về câu chuyện nhân sinh đầy tính nghệ thuật, đã được chấp nhận và chuẩn bị bấm máy. Tuy nhiên, như bạn biết, có những độ chênh nhất định trong một bộ phim thuần túy nghệ thuật và dòng phim thị trường.
Chính điều này khiến cho những nhà đầu tư điện ảnh đắn đo về hiệu quả kinh tế, khi phải đầu tư một số tiền quá lớn để dựng một bộ phim hơi khó đáp ứng thị hiếu của phần lớn khán giả, nên dự án phải tạm dừng lại, mặc dù họ rất thích phim này của tôi”.
Trở về với hội họa
Cho đến hiện tại, Trần Trung Lĩnh lại chọn quay về với hội họa bằng con đường hướng tới cộng đồng từ dòng tranh Pop-Art. Anh mong muốn chuyển tải những ý niệm về nhân sinh, quan niệm nghệ thuật một cách gần gũi hơn tới người thưởng ngoạn.
Ra mắt giới thưởng ngoạn mỹ thuật từ đầu năm 2024 tại Sài Gòn, và sau đó tại Hà Nội vào tháng 6, bộ sưu tập “Hahaha” của anh đã được “trình làng” rất thành công tại hai cái nôi mỹ thuật của đất nước.
Những hình ảnh của nàng Mona Lisa, Chung Quỳ, Đạt Ma... trong tranh của Trần Trung Lĩnh, được tác giả “biên tập” lại bằng những bối cảnh khá hiện đại, cộng với các chi tiết mang âm hưởng của những nền văn hóa khác nhau.
Nhìn chung, tranh của Trần Trung Lĩnh có thể tạo nên sự khác biệt, khiến giới thưởng ngoạn phải suy ngẫm. Nhìn qua tưởng chừng như quen đó, nhưng nhìn kỹ lại thực sự lạ lẫm.
Bởi chăng, anh mượn những hình ảnh tưởng chừng như rất quen thuộc với công chúng để diễn bày những quan niệm, suy tư và cả những cảm xúc tự thân của chính mình khi chiêm nghiệm về nghệ thuật, về kiếp nhân sinh bằng nhiều chi tiết khá tương phản.
Với sự nhạy cảm của một nghệ sĩ, phải chăng đây là câu hỏi về những ranh giới văn hóa khác biệt đang bị xóa nhòa dần trong thời đại toàn cầu hóa?
Mới chớp mắt đã xa quê ba chục năm trôi đi. Trong tấm lòng người xa quê, ai chẳng khắc khoải một... giấc mơ hồi hương. Cho dù là “quái” thì đâu đó trong thâm tâm Trần Trung Lĩnh cũng đau đáu một ngày trở về vui vầy trên đất mẹ.
Thực hiện mơ ước của mình, lần đầu tiên sau mấy mươi năm lăn lộn nơi đất khách quê người, anh mang bộ sưu tập “Hahaha” trở về triển lãm trên đất xưa cho thỏa ý muốn tìm về luôn canh cánh trong lòng của một đứa con ly hương.
Hy vọng, có một ngày Trần Trung Lĩnh sẽ thực sự trở về hẳn tại Hội An, bằng những dự án mỹ thuật mới của mình.