(Xuân Đinh Dậu) - Con gà - đặc biệt là gà trống - chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt từ ngàn xưa. Trong văn hóa phương Đông, con gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu và cũng nằm trong lục súc (ngựa, bò, dê, gà, chó, lợn). Chính vì rất gần gũi, quen thuộc nên hình ảnh con gà cũng thường được đề cập trong văn thơ, hội họa, tranh dân gian và đặc biệt trên các sản phẩm gốm sứ cổ...
Trong số hàng trăm ngàn cổ vật gốm sứ Chu Đậu có niên đại cách đây hơn 500 năm được trục vớt từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An), có hàng nghìn cổ vật được trang trí hình ảnh của muông thú, từ những con thú trong truyền thuyết như rồng, lân, phượng... đến những con vật quen thuộc như ngựa, dê, sư tử, chim muông, tôm cá... Tuy nhiên, chỉ có vài tiêu bản gốm thể hiện hình ảnh con gà, trong đó đáng chú ý nhất và là độc bản hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, là chiếc ấm đầu gà. Chiếc ấm được vẽ bằng men tam thái (ba màu đỏ, lam, lục), thể hiện một con gà đang đứng, đầu gà có một lỗ tròn để rót chất lỏng vào, thân giữa phình to và thon dần về phía đáy. Đôi mắt gà được thể hiện sắc sảo, mỏ gà hơi cong và có lẽ đây là hình tượng một con gà mái vì chiếc mào gà được thể hiện khá nhỏ...
Chiếc hũ hai đầu gà. |
Hai tiêu bản gốm men trắng hoa lam khác thể hiện hình tượng con gà cũng khá rõ nét. Đó là chiếc hũ hai đầu gà và chiếc lọ tượng gà. Chiếc hũ hai đầu gà là loại hũ trung, chiều cao khoảng 10cm, thể hiện hình tượng hai con gà qua hai cái đầu và đuôi nhỏ gắn song song đối xứng ở phía trên gần miệng hũ. Thân hũ thể hiện cánh gà hình elip với những hình sóng mép vỏ sò và chấm tròn nhỏ trang trí bên trong, phía bên dưới là những nét chấm phá cách điệu thể hiện lông gà và dưới cùng là chân gà. Tuy thể hiện hai đầu, hai đuôi nhưng trên cùng một sản phẩm có dạng hình cầu nên những nghệ nhân xưa chỉ phác một cặp cánh và một cặp chân gà mà thôi. Còn chiếc lọ tượng gà thể hiện hình tượng con gà như đang ấp con, ấp trứng qua chi tiết trang trí chân gà như đang khụy xuống ép sát vào thân. Con gà này được thể hiện hầu như đầy đủ bộ phận của cơ thể, từ đầu, mào, đuôi đến chân, cánh và lông. Đặc biệt ở phần miệng gà có một lỗ tròn nhỏ và phía trên lưng gà có gắn một hũ nhỏ, vành miệng loe. Có thể chiếc lọ tượng gà này được sử dụng với công năng như một chiếc ấm, chất lỏng sẽ được đổ vào chiếc lọ nhỏ trên lưng gà và được rót ra từ miệng gà...
Chiếc lọ tượng gà. |
Ngoài ra còn có hai tiêu bản gốm cổ Chu Đậu là những chiếc đĩa thể hiện hình ảnh những con gà trống không khác mấy so với hình ảnh gà trống chúng ta thường thấy ngày nay. Chiếc đĩa thứ nhất có đường kính khoảng 15cm, lòng đĩa vẽ một con gà trống đang cần mẫn kiếm mồi trên một bờ đá hay mô đất, phía bên trên là nét vẽ cách điệu của một nhánh tre hoặc trúc. Một hình ảnh rất đỗi quen thuộc, yên bình ở những vùng nông thôn Việt Nam.
Chiếc đĩa vẽ một gà trống. |
Chiếc đĩa thứ hai có đường kính khoảng 24cm, lòng đĩa vẽ hai con gà trống đang chọi nhau - một trò chơi dân gian tao nhã, phổ biến xuất hiện từ thời nhà Lý. Đây là thú chơi trong các dịp lễ tết, hội hè thường có; nó vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Trên chiếc đĩa này, hình ảnh hai con gà trống như đang bay lên không trung, cong đuôi, xù lông, co chân, quắc móng chuẩn bị lao vào một cuộc chiến không khoan nhượng... Phía bên trên lòng đĩa thể hiện một nhánh cây tùng - loài cây tượng trưng cho người quân tử, đấng trượng phu. Với bố cục bức tranh như vậy, phải chăng trò chơi chọi gà trong giai đoạn lịch sử này là thú tiêu khiển rất được giới quý tộc, đấng trượng phu yêu thích... Điều đặc biệt, cả hai chiếc đĩa này đều rất quý do vành miệng đĩa có chia thùy và được vẽ bằng men tam thái, vành đĩa trang trí dải cánh hoa sen cách điệu...
Chiếc ấm đầu gà. |
Những tiêu bản gốm sứ Chu Đậu cổ - cách đây hàng trăm năm - thể hiện đề tài trang trí là hình tượng con gà với hình dáng, tư thế và sắc thái hết sức cường tráng, khỏe mạnh và sinh động. Dù chỉ là những hình tượng cách điệu, là những nét hội họa trên gốm, chúng ta vẫn cảm nhận được sự oai phong nhưng cũng hết sức mềm mại, nhanh nhẹn, cần mẫn, chịu thương chịu khó vốn có của loài gia cầm thân thuộc này.
MAI HỒNG LÂM