Gà trong gốm sứ cổ

HỒ TRUNG TÚ 21/01/2017 08:02

Gà xuất hiện trên gốm sứ không nhiều. Cả một nền văn hóa gốm sứ Trung Hoa rất nhiều hình tượng, đồ án, họa tiết được sử dụng thế nhưng gà chỉ xuất hiện thưa thớt, duy chỉ ở đồ sứ thời Thành Hóa (Minh Hiến Tông, 1465-1487) gà mới thành con vật được vẽ lên đồ gốm sứ với tất cả sự trân trọng.

Một số đồ gốm cổ Trung Hoa vẽ gà có giá rất cao. Ảnh: H.T.T
Một số đồ gốm cổ Trung Hoa vẽ gà có giá rất cao. Ảnh: H.T.T

Điểm đặc biệt là những sản phẩm này đang giữ kỷ lục về mức giá trên các sàn đấu giá cổ vật thế giới. Năm 1999, một chiếc bát sứ vẽ gà, nhỏ như bát cơm ta dùng hiện nay, hiệu đề Đại Minh Thành Hóa đã được đấu giá thành công với mức giá 24 triệu bảng Anh (khoảng 36 triệu USD). Những chiếc bát sau đó cũng đạt giá cao tương đương. Hiện tại, trên thế giới chỉ còn 4 chiếc bát sứ có họa tiết hình gà được chế tác từ thời vua Minh Hiến Tông.

Tương truyền, Minh Hiến Tông đặt làm những chiếc bát này để tặng Vạn Quý phi, tức Vạn Thị Trinh, người bảo mẫu lớn hơn Hiến Tông đến 17 tuổi nhưng Hiến Tông hết mực yêu mến, thậm chí vì muốn thừa kế ngôi báu bà đã âm mưu hại bất cứ cung phi nào có thai, sinh con cho Hiến Tông. Mùa xuân Thành Hóa năm thứ 23 tức năm 1487, Vạn Quý phi lâm bạo bệnh qua đời. Hiến Tông 7 ngày liên tiếp không thượng triều và đau thương khôn xiết nói rằng: “Vạn Quý phi đi rồi ta cũng nhanh đi thôi”. Không ngờ tháng 8 cùng năm, ông ta cũng đột ngột băng hà mang theo mối tình khó hiểu với người đời nhưng vô cùng bền dai như một tình sử đẹp cùng người bảo mẫu lớn tuổi của mình.

Đồ gốm vẽ gà xuất hiện nhiều ở Việt Nam vào thế kỷ 19 - 20.
Đồ gốm vẽ gà xuất hiện nhiều ở Việt Nam vào thế kỷ 19 - 20.

Một chiếc bát sứ khác được trang trí bằng hai bức tranh màu, một bức tranh vẽ một con gà mái dẫn một đàn gà con mổ thức ăn ở đằng sau, một con gà trống ngẩng cao đầu đi ở đằng trước, phía trước con gà trống là một cây cọ, có ngụ ý là đưa con cái tìm về cội nguồn. Một bức tranh khác vẽ một con gà mái cùng một đàn gà con mổ thức ăn, một con gà trống quay đầu lại nhìn, bên cạnh có hoa mẫu đơn và hòn đá, có ngụ ý hoa khai phú quý và vạn ý tốt đẹp.

Ở Việt Nam, ấm gà thì có từ thời Đông Sơn đến đồ gốm Chu Đậu nhưng đồ án họa tiết vẽ gà thì tuyệt không thấy. Ấm gà Chu Đậu mang dáng dấp chim phượng nhiều hơn là gà. Thời cực thịnh của gốm Việt là đời Hậu Lê, với đỉnh cao là gốm Chu Đậu - vẽ từ côn trùng đến cá bò, vịt, chim, lợn nhưng cũng không thấy vẽ gà.

Đột nhiên sang cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì gà xuất hiện rực rỡ, nhiều màu sắc và đầy sinh động trong đồ gốm Nam bộ. Người lớn tuổi hiện nay hẳn còn nhớ những chén, bát, đĩa, thố, bình hoa.. vẽ gà được sử dụng ở hầu khắp miền quê. Nhiều người như gặp lại bao ký ức thời ấu thơ khi nhìn thấy những món đồ này. Giới sưu tập cổ vật cũng dành cho nó những ưu ái riêng mặc dù giá trị cổ vật không cao, một chiếc đĩa giá chỉ chừng vài trăm ngàn đồng. Giản dị nhưng sinh động, con gà trong đồ gốm Lái Thiêu mang một vẻ đẹp khá hiện đại. Nhiều người đã dùng chén, đĩa vẽ gà này đóng khung hoặc decor trang trí cho các resort, biệt thự và tạo được những dấu nhấn khá ấn tượng cho người xem.

HỒ TRUNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gà trong gốm sứ cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO