Gạch Mỹ Sơn & hành trình 10 năm

Khánh Linh 30/12/2012 14:51

Dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G Mỹ Sơn đã bước sang năm thứ 10. Cùng với quá trình tìm ra chất kết dính, việc sản xuất thành công gạch Chăm đã đánh dấu một bước tiến dài trong việc tu bổ các đền tháp nơi đây, mở ra hướng đi mới trong công tác bảo tồn những đền tháp Champa…

“Cuộc cách mạng”  

Đi đầu trong việc nghiên cứu, sản xuất gạch Chăm ở Quảng Nam có thể kể đến “nhà khoa học chân đất” Lê Văn Chỉnh (đã mất) với gần 10 năm mày mò nghiên cứu sản xuất gạch theo nguyên mẫu gạch Chăm cổ vào những năm 80 của thế kỷ trước. Bỏ qua những tranh cãi và hạn chế về chất lượng gạch (bị rêu mốc, mủn nát tại 2 công trình mà ông đã xây dựng ở Khu du lịch Suối Lương và nhà hàng Apsara, Đà Nẵng), sự xuất hiện những viên gạch  của ông đã mở ra hướng tiếp cận mới về việc sử dụng vật liệu thay thế trong trùng tu, tạo cơ sở để các nhà nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình và phương pháp sản xuất gạch Chăm sau này.

Trùng tu bằng gạch Chăm mới.                                                                              Ảnh: K.LINH
Trùng tu bằng gạch Chăm mới. Ảnh: K.LINH

Sang những năm đầu của thế kỷ XXI, nhiều công trình nghiên cứu gạch Chăm đã được các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiến hành với các phương pháp, kỹ thuật hiện đại đã từng bước vén mở bức màn bí mật của người Chăm xưa trong sản xuất gạch xây tháp. Có thể kể đến công trình nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ xây dựng năm 2004, khi sử dụng tia Ronghen và kính hiển vi điện tử quét chụp để tìm ra các chất phụ gia bên trong hay nghiên cứu của Viện Bảo tồn di tích năm 2007 nhằm đo khả năng chịu lực, độ nén, độ xốp của gạch tại các nhóm tháp ở Mỹ Sơn và miền Trung… Đặc biệt, năm 2002 khi bắt tay thực hiện dự án Bảo tồn trùng tu nhóm tháp G ở Mỹ Sơn; việc phân tích sản xuất gạch thay thế đã được các chuyên gia đến từ trường Đại học Milan (Italia) tập trung nghiên cứu nghiêm túc. Qua phân tích gạch từ nhóm tháp G, bằng các phương pháp hiện đại đã từng bước làm lộ rõ  những thông số cũng như các thành phần hóa học cụ thể bên trong gạch như chất sắt, silic, độ nén, độ hút nước, nhiệt độ nung, trọng lượng, cường độ chịu lực… Kết quả trên đã tạo cơ sở vững chắc giúp dự án hướng đến việc nghiên cứu sản xuất gạch thay thế phục vụ công tác trùng tu nhóm tháp G cũng như các nhóm tháp khác ở Mỹ Sơn khi mà phần lớn gạch tại chỗ đã không còn nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho rằng, việc tìm ra các thông số kỹ thuật trong gạch Chăm của các chuyên gia đến từ Italia là phát hiện mang tính đột phá giúp cho việc sản xuất gạch thay thế tại chỗ trở thành hiện thực đáp ứng  yêu cầu trùng tu cứu vãn các đền tháp nơi đây. “Tôi nghĩ nó quan trọng giống như một cuộc cách mạng khoa học vậy” - ông Hường so sánh.

Cứu di tích

 Năm 2005, lần đầu tiên những viên gạch mới với các thông số, kích thước tương ứng gạch Chăm tại nhóm tháp G Mỹ Sơn đã được các chuyên gia Italia đặt hàng tại Xí nghiệp Gốm sứ La Tháp (Duy Hòa, Duy Xuyên). Tuy nhiên, sau khi được đưa vào trùng tu tại tháp G3 qua thời gian đã bộc lộ những hạn chế như có hiện tượng muối hóa bề mặt gạch và mủn nát bên ngoài. Qua nhiều lần xử lý, hoàn thiện quy trình, đến năm 2009, cơ sở gốm sứ La Tháp của “ông Quá Chăm” đã được các chuyên gia dự án nhóm tháp G đặt hàng sản xuất với những quy định chặt chẽ nghiêm ngặt từ việc chọn đất, trộn phụ gia đến thời gian nung… Theo nhận xét của cán bộ Ban Quản lý dự án các công trình văn hóa, thể thao, du lịch Quảng Nam, viên gạch mới đáp ứng được các chỉ tiêu trong trùng tu đền tháp Chăm phải hội đủ các yếu tố như thích ứng với vật liệu gốc, không bị bong tróc bề mặt do tác động của môi trường, không sinh ra muối, có độ cứng, cường độ nén tương đương đáp ứng khả năng chạm trổ bên ngoài… Với những yêu cầu trên, dù còn quá sớm nhưng có thể khẳng định gạch mới thay thế đã đáp ứng được  yêu cầu trong trùng tu các đền tháp Mỹ Sơn trong thời điểm hiện tại.

Qua 10 năm bảo tồn trùng tu nhóm tháp G, ngoài chuyện tìm ra chất kết dính, có thể khẳng định thành công nhất của dự án chính là đã hiện thực hóa việc sản xuất thành công gạch thay thế. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi mà vật liệu gạch luôn là câu hỏi khó do gạch Chăm tại chỗ thường bị vỡ nát trong quá trình sụp đổ của tháp. Kết quả này đã mở ra hướng mới trong công tác bảo tồn trùng tu góp phần cứu vãn các tháp Chăm không chỉ ở Mỹ Sơn mà còn nhiều nơi khác trong thời gian tới.

Khánh Linh

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gạch Mỹ Sơn & hành trình 10 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO