Bàn về cốt tính người Quảng, không thể thiếu yếu tố gai góc, bộc trực. Nếu muốn minh chứng bằng cá nhân nào đó, ít ai phù hợp cho bằng cụ Phan Khôi. Mà ở xứ Quảng, những “giai thoại cãi” thấy hiện diện khắp nơi…
1. “Đóng vai tuồng ngự sử trên văn đàn”, cụm từ này được nhà phê bình Thiếu Sơn dùng khi nhắc đến nhà văn Phan Khôi, trong bài viết đăng trên báo Thần chung hồi năm 1967. Tác giả Thiếu Sơn đề cập nét tính cách quyết liệt bút chiến của cụ Phan Khôi để bắt “phốt” (faute) người khác, dù họ là những nhà văn có tên tuổi vào hạng tiền bối hay đàn anh.
Tại hội thảo khoa học về Phan Khôi năm 2014 tổ chức ở Quảng Nam, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh gọi đó là “cảm hứng gây sự”… Trong danh sách mà Phan Khôi bút chiến, thấy toàn là “tay tổ” khi ông tỏ ý phê phán lối học phiệt của Phạm Quỳnh, phê bình bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim hay nhại tên riêng của các vị như Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng…
Nhưng khi châm biếm, chế giễu bọn quan lại dốt nát chỉ vì hiểu sai sách vở đã gây oan ức cho dân lành vô tội, ngòi bút Phan Khôi vừa sắc bén vừa thâm hậu. Thí dụ bài “Đọc lệch… giết lầm!” của ông đăng trên báo Phụ nữ tân văn, sau đó tuyển đăng lại trong cuốn “Việt Nam thi nhân tiền chiến”.
Tóm lược, cụ Phan Khôi kể chuyện có tên đạo chích thừa đêm mưa gió lẻn vào chùa làng trộm chuông, bị bắt. Nhưng khi giải lên quan huyện, tên trộm được tha về. Ít lâu sau, cũng làng đó xảy ra vụ trộm chiếu, nhưng lần này tên trộm bị quan huyện chém đầu. Trộm đồ quý giá hơn (chuông) thì được tha, còn ăn cắp vặt (chiếc chiếu) lại bị giết, vì sao?
Cách viện dẫn “chữ nghĩa thánh hiền” của quan huyện, thoạt nghe tưởng rằng đúng. Quan bảo, việc xét xử đều theo sách vở xưa, căn cứ câu: “Phu tử chi đạo kỳ chung thứ giả”, nghĩa là “Phu tử (tức Khổng Tử) dạy rằng, trộm chuông thì hãy tha”. Lại có câu “Triều văn đạo tịch tử khả hĩ”, nghĩa là “Triều đình truyền, ăn trộm chiếu thì phải tội chết”.
Khi cho quỷ sứ lên bắt hồn quan huyện xuống đối chất với tên trộm chiếu chết oan, Diêm Vương mới tá hỏa phát hiện quan huyện hiểu sai bét chữ nghĩa thánh hiền. Theo Diêm Vương, câu đúng phải là “Phu tử chi đạo kỳ trung thứ giả”, nghĩa là “Đạo của Phu tử là đạo trung thứ”. “Trung” bị đọc chệch thành “chung”, tức cái chuông. Còn câu “Triêu văn đạo tịch tử khả hĩ” của Nhan Hồi, có nghĩa “Sáng mà nghe được mùi đạo trung thứ, chiều chết cũng cam”. Chữ “triêu” (buổi sáng) bị đọc thành “triều” (triều đình); “tịch” (buổi chiều) lại nhầm sang chữ “tịch” đồng âm, có nghĩa là… chiếc chiếu.
Diêm Vương giận, bắt tên quan đầu thai làm chó để đền bù tội lỗi, quan huyện lại xổ chữ, xin làm… chó cái, không làm chó đực. Cũng bởi sách có câu: “Lâm tài mẫu cẩu đắc, lâm nạn mẫu cẩu miễn”, tức “Gặp tiền thì chó mẹ được hưởng, gặp nạn thì chó mẹ được miễn”. Diêm Vương liền chỉnh: Câu đó nghĩa là “Gặp tiền tài không nên lấy bừa bãi, gặp tai nạn không nên bỏ qua”, không có chó cái/chó mẹ (mẫu cẩu) gì ở đây cả.
2. Chưa hết, vì bị Diêm Vương tuyên chôn sống, quan huyện lại xin chôn… từ cổ trở xuống, dẫn câu “Thiên niên mai cốt bất mai tu” với nghĩa “Ngàn năm chôn xác, chẳng chôn râu”. Lại bé cái nhầm chữ “tu” (xấu hổ) với “tu” (râu).
Lối “bẻ” chữ thâm thúy của cụ Phan Khôi cũng thấy xuất hiện nhiều trong các giai thoại xứ Quảng.
Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc từng dẫn lại mẩu chuyện ông nghe nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký kể trong lần gặp nhau ở Hội An. Chuyện rằng, trong một vở diễn, có 2 anh hề ra sân khấu đố nhau. Hề A hỏi nghĩa của câu “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Hề B giảng, đó là câu nói về phụ nữ: khi còn nhỏ ở với cha, khi có chồng phải theo chồng, chồng chết thì ở với con trai.
Ấy vậy mà hề A vẫn lý sự:
- Sai bét! Khi còn nhỏ ở với cha, vậy là mẹ cô ấy chết rồi à? Chồng chết ở với con trai, vậy con gái của mình không hiếu thảo, không ở với nó được à? Sao khinh đàn bà như rứa?
Hề A quả quyết câu đó là để dành nói về đàn ông có chức tước. “Tại gia tòng phụ” nghĩa là ở nhà thì theo vợ (phụ/cha đồng âm với phụ/vợ). “Xuất giá tòng phu” nghĩa là khi đi xa có phu giá, nằm trên cáng có người khiêng, tức là phải theo những người phu khiêng (giá/lấy chồng, đồng âm với giá/xa giá, phu/chồng đồng âm với phu/người lao động chân tay). “Phu tử tòng tử” nghĩa là khi phu khiêng cáng bị sẩy chân té chết, thì người nằm trên cáng cũng ngộ nạn chết theo (tử/con đồng âm với tử/chết).
3. Viết đến đây, sực nhớ đang trong dịp tưởng nhớ ngày cụ Phan Khôi chào đời tại làng Bảo An (tháng 10.1887), và nhân nhắc chuyện ông từng phê phán bộ sách Nho giáo của Trần Trọng Kim, chúng tôi thử “bắt chước” bậc tài danh Tú Khôi của xứ Quảng để bàn về cư dân mạng với vài câu trích từ bộ Nho giáo. Lại xin mượn tạm hai chàng hề của cố giáo sư Hoàng Châu Ký để dẫn chuyện…
Hề A lẩm bẩm:
- Người xưa tài thật, dự đoán cả chuyện sôi động trên không gian mạng sau này. Kẻ xếp ở tốp đầu, nhiều người hâm mộ thì thấy thường có xu hướng bàn chuyện cao xa trên trời dưới đất; kẻ ít người hâm mộ hơn thì không thể cao đàm khoát luận. Nên sách có câu: “Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã; trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã”.
Hề B cãi:
- Đó là câu trong sách Luận Ngữ. “Những người tư chất bậc trung trở lên mới có thể nói điều cao xa, người tư chất bậc trung trở xuống thì không”. Học giả Trần Trọng Kim đã dịch như thế. Kẻ mà ông vừa nhắc chính là KOL - “người dẫn dắt dư luận chủ chốt”. Liên quan chi đến “trung nhân dĩ thượng”?
- Vậy ông có tin các cụ đã sớm cảnh báo những ai tham gia giao thông thì không nên chở quá số người quy định không?
- Cảnh báo thế nào?
- “Tam nhân hành, tắc tổn nhất nhân; nhất nhân hành, tắc đắc kỳ hữu”. Tức là ba người cùng đi, thì phải bỏ bớt một người kẻo bị phạt; nếu một mình chạy xe thì có thể chở một người bạn.
- Đây là câu trong Kinh Dịch, bàn về lẽ sinh hóa của trời đất, về cơ (lẻ) và ngẫu (chẵn). “Ba người đi thì bỏ một người, một người đi thì gặp được bạn”, ngụ ý một cái cơ phải tìm một cái cơ khác để thành ra ngẫu thì mới sinh được. Trong số 3, có một ngẫu và một cơ, vậy cơ là thừa. Cái cơ ấy đi gặp cái cơ khác, thành ra ngẫu, lại điều hòa mà sinh sinh… Xe máy chở ba gì ở chỗ này?