(QNO) - Chiều ngày 9.8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII, do Phó Chủ tịch Hội đồng - Mã Điền Cư làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2010 đến tháng 6.2013, tổng số LĐNT là đồng bào DTTS được hỗ trợ học nghề từ các chương trình, dự án là 3.915 người, khoảng 60% LĐNT có việc làm sau học nghề (trong đó 20% có việc làm mới, 40% tự tạo việc làm ở ngành nông nghiệp và nghề truyền thống). Người lao động DTTS sau học nghề được đưa đi xuất khẩu lao động ở các thị trường là 725 người. Toàn tỉnh hiện có 49 cơ sở dạy nghề, trong đó có một số cơ sở thường xuyên đào tạo nghề cho LĐNT là người DTTS như Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Miền núi Quảng Nam, trung tâm dạy nghề các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, và một số trường, trung tâm dạy nghề của tỉnh có tham gia đào tạo nghề cho đồng bào DTTS.
Chính sách đào tạo nghề cho người DTTS được thực hiện bằng các chính sách dạy nghề đối với học sinh DTTS nội trú, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho LĐNT. LĐNT người DTTS chủ yếu học các nghề như mộc dân dụng, nuôi gà thả vườn, nề hoàn thiện, dệt. Việc đào tạo nghề cho người DTTS gặp không ít khó khăn do dân trí thấp, nhận thức chưa cao, chưa năng động trong việc học nghề, lập thân lập nghiệp, địa bàn đi lại cách trở nên việc dạy nghề lưu động gặp nhiều khó khăn…
UBND tỉnh đã kiến nghị với Đoàn giám sát có ý kiến để Trung ương thay đổi mức hỗ trợ theo hướng tăng hơn so với mức cũ (tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày thực học, tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học đối với người đi xa trên 15km), mức này quá thấp và không phù hợp với khu vực miền núi; có chế độ phụ cấp cho cán bộ theo dõi công tác dạy nghề tại xã, phường, thị trấn; điều chỉnh, bổ sung một số chính sách dạy nghề đối với học sinh DTTS gồm mở rộng đối tượng được hưởng chính sách, bỏ hình thức cử tuyển mà chuyển sang học nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của người học.
Ông Mã Điền Cư đánh giá cao những nổ lực, kết quả mà Quảng Nam đạt được trong đào tạo nghề cho đồng bào DTTS. Ông cũng ghi nhận những kiến nghị của UBND tỉnh, đồng thời đề nghị tỉnh nên chú trọng vấn đề đào tạo nghề cho LĐNT là đồng bào DTTS. Vì người DTTS trình độ dân trí thấp nên khi đào tạo nghề sẽ vấp phải nhiều khó khăn, nhưng đó là cách để nâng cao ý thức và trình độ của đồng bào DTTS, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Từ đó, giúp người DTTS có được nghề nghiệp, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
* Trước đó, vào buổi sáng ngày 9.8, Đoàn giám sát đã đến làm việc với Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam về đào tạo nghề cho lao động DTTS. Trường đã đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 113 học sinh DTTS, trung cấp nghề cho 43 học sinh DTTS, ở các nghề may công nghiệp, nề hoàn thiện, công nghệ ô tô. Trong đó, có 86 người được giới thiệu làm việc ở các doanh nghiệp sau tốt nghiệp, còn lại tự tạo việc làm ở địa phương. Nhà trường cũng đã kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung như tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, chế độ học bổng cho học sinh, kinh phí đào tạo…
DIỄM LỆ