Gần dân!

PHAN HOÀNG 15/05/2017 08:52

Giữa tháng 5, phụ huynh tại các cơ sở trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn Tam Kỳ bắt đầu nộp đơn xin đăng ký cho con được “chăm sóc, nuôi dưỡng trong dịp hè 2017”. Đơn phải được phụ huynh viết tay theo mẫu nhà trường dán ở mỗi lớp học. Những năm trước đây, phụ huynh chỉ cần đăng ký với giáo viên chủ nhiệm lớp để nhà trường chủ động có kế hoạch chăm sóc trong hè; nhưng hai năm nay lại thay bằng hình thức đơn xin!

Quy định này của Bộ GD-ĐT thực ra không mới nhưng các địa phương chỗ triển khai, nơi không. Để được gửi con trong hè, phụ huynh phải viết đơn và nhà trường tùy theo điều kiện cụ thể về đội ngũ giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất của đơn vị để xem xét tổ chức hoạt động hè. Hiệu trưởng một trường mầm non tại Tam Kỳ cho biết, trường chỉ tổ chức hoạt động hè khi đã báo cáo kế hoạch và được sự đồng ý của phòng GD-ĐT thành phố.

Bao năm nay, chuyện giáo viên mầm non không được nghỉ hè vì nhu cầu của phụ huynh cứ như chuyện con kiến leo cành cụt, không có lời giải. Nếu các trường không tổ chức giữ trẻ trong mấy tháng hè thì phải gửi trẻ ở đâu? Công nhân, người lao động, viên chức, người buôn bán… sẽ phải mang theo con đi làm? Hoặc nháo nhào tìm chỗ gửi trẻ ở các cơ sở tư nhân chỉ trong vòng 2 tháng? Hoặc phải xin nghỉ phép, nghỉ không lương ở nhà trông trẻ? Trẻ ở độ tuổi 2 - 5 vốn khó thay đổi môi trường, nếp sinh hoạt hằng ngày phải như thế nào trong suốt thời gian đó… Nhưng, giáo viên mầm non (vốn vất vả nhất trong các cấp học) đã vắt kiệt sức lực chăm sóc trẻ trong 9 tháng (với thời gian làm việc hằng ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối) cần có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động thì phải làm sao? Cứ đến hẹn lại lên, sang hè, câu chuyện lại được xới trở lại mà vẫn chưa được các bộ, ngành cân nhắc và thống nhất trong quy định để công tác quản lý được tốt hơn; bức xúc xã hội trong việc chăm sóc trẻ cũng được giải quyết rốt ráo hơn.

Trở lại việc triển khai “Đơn xin đăng ký chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong dịp hè”: tất cả phụ huynh viết đơn, giáo viên chủ nhiệm tổng hợp, tiếp tục viết đơn, nộp lên nhà trường, nhà trường nộp lên phòng giáo dục cấp quản lý mình. Hình thức và nhiêu khê. Thực chất của vấn đề vẫn không được giải quyết. Chỉ hành khổ giáo viên. Rõ là một quy định xa rời thực tế.

Lại nhớ quy định về chuyện xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng mấy năm trước đến nay vẫn loay hoay khi đưa vào áp dụng trong thực tế. Mới đây, Bộ Y tế lại đang nghiên cứu cơ chế “phạt nguội” người hút thuốc lá nhằm góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Hay Thông tư 57/2015 của Bộ Công an buộc ô tô phải có bình chữa cháy…

Rất nhiều quy định xa rời thực tế được các cơ quan thực thi pháp luật đưa ra hoặc “chết ngay” khi vừa ở văn bản dự thảo hoặc “chết yểu” khi vừa đưa vào áp dụng.

Đã tròn 1 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vài ngày nữa là kỷ niệm sinh nhật Bác. Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân, vì dân của Bác: “Dân trên hết và dân trước hết”, luôn thật sự cần thiết đối với mỗi “công bộc” của dân, và phải được thể hiện  bằng thực tế.

Thực sự hiểu dân cần gì, hẳn sẽ không có những văn bản, quy định từ trung ương đến địa phương xa rời thực tiễn, gây khó cho người thực hiện, gây khổ cho dân.

PHAN HOÀNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gần dân!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO