Những năm qua, trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam đã thành công trong việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động vùng giải tỏa di dời, ổn định “đầu ra” cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Lễ ký kết tạo việc làm cho người lao động giữa nhà trường và doanh nghiệp. |
Được thành lập tháng 11.2017, trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam nằm trong vùng trọng điểm Khu Kinh tế mở Chu Lai (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành) có nhiệm vụ đào tạo nghề ở 2 cấp độ trung cấp và sơ cấp nghề. Qua đó, cung cấp lao động có tay nghề cho các khu công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở vùng giải tỏa di dời, đất sản xuất bị thu hẹp. Ngoài việc kiện toàn, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thực hành, trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam luôn chú trọng công tác tuyển sinh và đào tạo.
Theo đó, trước mỗi khóa tuyển sinh, nhà trường luôn tổ chức các đoàn công tác về từng địa phương để nắm bắt tình hình. Đối với những nơi mất đất sản xuất do hình thành và mở rộng các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa của tỉnh, đoàn đã tận tình phổ biến, hướng dẫn để các lao động có những lựa chọn phù hợp khi đăng ký tham gia học nghề. Riêng khóa III (năm học 2010-2013) trường đã tuyển sinh và đào tạo các nghề: May và thiết kế thời trang, Điện công nghiệp, Hàn, Quản trị khách sạn. Đến đầu tháng 7.2013, trường đã trao bằng tốt nghiệp cho 57 học viên.
Điều đáng mừng là ngay tại lễ nhận bằng tốt nghiệp, phần lớn học viên được các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế mở Chu Lai như Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Công ty May Minh Hoàng, Xí nghiệp Gỗ Minh Dương nhận vào làm việc. Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam nói: “Điều chúng tôi quan tâm là tìm hiểu nhu cầu về các ngành nghề mà doanh nghiệp cần và liên kết chặt chẽ với họ để sau khi các em tốt nghiệp được nhận vào làm việc ngay. Từ ngày thành lập đến nay, trường đã có hơn 300 lao động có tay nghề được các doanh nghiệp thâu nhận, nhiều lao động có thu nhập khá với mức lương mỗi tháng từ 5 - 7 triệu đồng. Chúng tôi không chỉ chú trọng đến số lượng, chất lượng đào tạo mà luôn quan tâm đến việc giải quyết đầu ra cho lao động”.
Trong những năm qua, trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam luôn đồng hành với các doanh nghiệp. Nhà trường cử những cán bộ có năng lực thường xuyên liên lạc, tìm hiểu nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để tham mưu đề xuất kế hoạch dạy nghề trước mỗi mùa tuyển sinh; đồng thời liên hệ ký kết hợp đồng lao động với các doanh nghiệp. Đã thành thông lệ, tại lễ trao bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và bàn giao lao động năm nay, trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam ký kết hợp đồng lao động cho năm tới. Em Nguyễn Đông, học sinh vừa tốt nghiệp khóa III trung cấp nghề tại trường phấn khởi: “Trong quá trình học tập, chúng em được các thầy cô tận tình dạy dỗ. Hiện nay, tình trạng cung vượt quá cầu trong tuyển dụng phổ biến, việc ký kết việc làm giữa nhà trường và doanh nghiệp góp phần tạo sự yên tâm cho học viên. Em sẽ cố gắng làm việc tốt để có thu nhập giúp gia đình và bản thân”. Có mặt tại buổi ký kết lao động, ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Chu Lai - Trường Hải chia sẻ: “Hạnh phúc nhất của chúng tôi là đào tạo học sinh xong các em có việc làm ngay và trường Trung cấp Nghề Quảng Nam đã liên kết làm được việc này. Chúng tôi sẽ kết hợp chặt chẽ với trường trong đào tạo và giải quyết việc làm thời gian đến...”.
Hơn 6 năm hình thành và hoạt động trong vùng trọng điểm Khu Kinh tế mở Chu Lai, trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để đào tạo lao động có tay nghề cung cấp cho các doanh nghiệp. Điều đáng quý là nhà trường luôn ý thức được trách nhiệm, gắn kết với doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động. Trong thời gian tới, trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam sẽ mở rộng quy mô đào tạo và liên kết nhiều hơn với các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên, hiện tại trường đang gặp một số khó khăn. Hiệu trưởng Đặng Đôi cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng cơ sở vật chất nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nội trú cho học sinh, nhất là các em ở xa và con em đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, các công trình nước sạch, vệ sinh, cảnh quan sư phạm chưa đáp ứng. Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành để hoàn thiện công tác đào tạo trong thời gian tới”.
VĂN PHIN