Hôm qua 28.4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phân luồng học sinh (HS) và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì hội nghị.
Những băn khoăn cũ
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm học 2020 - 2021, UBND tỉnh quyết định chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 là 80%, số còn lại vào GDNN. Theo đó, trong tổng số 21.300 HS tốt nghiệp THCS, có gần 17.000 HS vào lớp 10 (gần 80%); số còn lại, chỉ có 2.235 HS vào các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh (chiếm hơn 51% số tốt nghiệp THCS không vào lớp 10).
Theo đánh giá, tỷ lệ HS phân luồng năm 2020 vào GDNN cao hơn các năm trước nhưng vẫn còn thấp, chất lượng đầu vào hạn chế. Về kế hoạch năm 2021, tiếp tục chỉ tiêu phân luồng 20% số HS tốt nghiệp THCS vào các cơ sở GDNN.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện đến từ các Phòng GD-ĐT Nam Trà My, Điện Bàn, Hội An tiếp tục bày tỏ những băn khoăn, lo lắng cũ như HS 15 tuổi còn quá nhỏ, tâm lý phụ huynh ngại cho đi học tại các cơ sở GDNN vì xa nhà, khó quản lý con em...
Theo ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, các cơ sở GDNN cần tăng cường thông tin đầy đủ cho địa phương, phụ huynh, HS nắm rõ tình hình học tập, sinh hoạt, nhu cầu việc làm của doanh nghiệp để thu hút người học. Các cơ sở GDNN và cả doanh nghiệp sử dụng lao động cần có khu nhà ở tập thể dành cho đồng bào người dân tộc thiểu số.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc “chốt” lại những vấn đề nan giải khiến cho công tác phân luồng gặp khó hiện nay là các bậc phụ huynh, HS còn băn khoăn trong lựa chọn giữa học chữ và học nghề; lo lắng các em độ tuổi nhỏ đi học xa; đáng quan tâm nhất là chất lượng đào tạo nghề.
Đào tạo gắn doanh nghiệp
Giải đáp băn khoăn về dạy văn hóa trong trường nghề, ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết có 2 chương trình dành cho HS trường nghề, đó là giáo dục thường xuyên do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh đảm nhận hoặc liên kết với các trường THPT giảng dạy (HS được thi tốt nghiệp THPT và đại học). Thứ 2 là chương trình các môn văn hóa do trường nghề đảm nhận nhưng phải có đội ngũ được Sở GD-ĐT thẩm định (không thi tốt nghiệp THPT nhưng được liên thông lên đại học); hiện nay chưa có trường nào dạy.
Ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco chia sẻ một thông tin rất đáng chú ý: nhu cầu lao động của doanh nghiệp có đến 68% là thợ - trung cấp, chỉ 24% đại học - cao đẳng và 8% lao động phổ thông. Vì vậy, cần đẩy mạnh phân luồng, không chỉ sau THCS mà cả THPT vì tỷ lệ đỗ đại học hiện nay là 45%.
“Có thể thấy, 50% HS xong THCS sau 3 năm học tiếp THPT cần phải có một nghề để đảm bảo cuộc sống. Điều này cho thấy một sự lãng phí trong đào tạo - giáo dục và chúng ta có thể hạn chế nếu phân luồng triệt để sau bậc THCS” - ông Tiềm phân tích.
Đại diện Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam cho biết gắn kết với doanh nghiệp để thực hành, rèn luyện kỹ năng tay nghề và tạo điều kiện cho HS có việc làm là nhiệm vụ được nhà trường đã, đang và sẽ tập trung triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, ở góc nhìn doanh nghiệp, đến từ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, ông Lưu Thanh Tùng - Trưởng phòng Nhân sự chia sẻ, trong tổng số 11.000 lao động của công ty hiện nay, lao động Quảng Nam chỉ có 1.600 người; thời gian tới sẽ tiếp tục tuyển dụng 6.000 lao động.
Thời gian qua, công ty chủ động liên kết, tuyển dụng lao động thông qua đặt hàng đào tạo với nhiều cơ sở GDNN tại Quảng Nam. Tuy nhiên những em học hết lớp 9 tham gia học trung cấp tại các trường nghề khi tốt nghiệp mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi làm việc nên công ty đành chịu, không thể tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của toàn xã hội về học nghề, lập thân, không phải nhất thiết chỉ có con đường vào đại học.
Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tư vấn, tuyển sinh, nhu cầu lao động có tay nghề hiện nay rất lớn, tránh tình trạng học đại học xong rồi về đi học nghề, gây lãng phí. Gắn đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp, với nhu cầu của địa phương. Các cơ sở GDNN tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng, đào tạo gắn với thị trường lao động, đầu ra chứ không phải theo năng lực đào tạo của đơn vị.