“Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), mỗi địa phương ở Quảng Nam đều có những nét riêng nhưng cùng chung đích đến: lấy yếu tố con người làm trung tâm. Bằng những cách làm mới lạ và phù hợp, các địa phương đang nỗ lực gìn giữ và tạo lập những giá trị văn hóa bền vững cho tương lai.
|
Những cách làm mới
Văn hóa gắn liền với chữ viết. Chữ viết gắn liền với giáo dục. Nếu không thành sách vở thì sự truyền lưu sẽ ít nhiều mất mát. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Bling Miah chia sẻ: “Các bài viết, cuốn sách nói về văn hóa Cơ Tu ngày càng nhiều với những đặc sắc riêng của bản làng, rừng núi, nhưng quan trọng phải tìm về chữ viết, phải có giáo trình, sách vở. Nếu làm văn hóa mà không có chữ viết thì khó thực hiện”. Các loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc Cơ Tu cũng được bảo tồn và phát huy, trong đó điển hình là nghệ thuật múa tung tung da dá, cồng chiên và bộ sưu tầm sáng tác những làn điệu dân ca. Thông qua các làn điệu dân ca ca ngợi truyền thống tốt đẹp của người Cơ Tu, núi rừng Tây Giang, còn có những triết lý về tình yêu lứa đôi sâu sắc nồng nàn của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tây và ta cùng ra quân tuyên truyền giữ gìn phố cố Hội An.Ảnh: QUỐC HẢI |
“Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhiệm vụ có tính bao trùm là phải tập trung xây dựng con người thật sự là con người văn hóa. Ở đây con người được đặt vào vị trí trung tâm với vai trò chủ thể trong toàn bộ quá trình phát triển. Nếp sống và phẩm hạnh của mỗi người sẽ là phần tinh túy nhất của văn hóa địa phương. Vì thế, phải làm thế nào để mọi người dân xem văn hóa như là nhu cầu tự thân”. (Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự) |
Tại Hội An, đảm bảo sự hài hòa trong phát triển là yêu cầu quan trọng để chính quyền thành phố liên tục có những chủ trương mới lạ và “lần đầu tiên” trên cả nước, hơn 3.000 người dân Cù Lao Chàm đã “nói không” với túi ny lông. Việc này như một kỳ tích vì Hội An đã giữ được môi trường một vùng biển đảo hoang sơ trong khi vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội cho xã đảo. Trước đó khá lâu (năm 1998), Hội An được chọn xây dựng thí điểm mô hình “đô thị văn hóa”, sau đó phát động xây dựng “thị xã văn hóa” đầu tiên của cả nước. Trong 10 năm trở lại đây, Hội An còn hình thành phố không có tiếng động cơ, UBND thành phố yêu cầu không cấp giấy phép hoạt động dịch vụ karaoke; trên phố không lát gạch hoa, không thắp đèn ánh sáng trắng, không trưng bày hàng hóa ngoài cửa hiệu; ăn mặc nhếch nhác không được vào di tích, cấm nam hớt tóc nữ - nữ hớt tóc nam; không tách thửa đất nếu mặt tiền ít hơn 7m. Mới đây, UBND thành phố cũng đã phát động xây dựng “thành phố du lịch không khói thuốc lá”... Hội An cũng đã được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi vì “có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, phát động phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Chủ trương là của Đảng bộ, chính quyền thành phố, nhưng mấu chốt nằm ở người thực hiện, là nhân dân. Người dân Hội An đã biết giữ nếp sống, phẩm hạnh và văn hóa truyền thống, đó cũng là cách chăm bón cho rễ cây văn hóa bám sâu vào lòng dân tộc”.
Con người văn hóa
Trong hội nghị tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên - Nguyễn Văn Khương thừa nhận: “Chúng ta có trách nhiệm đánh giá một cách khách quan những ưu điểm và hạn chế, yếu kém. Chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, đúc rút bài học kinh nghiệm, những cách làm hay để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Người dân vừa được tiếp cận với các giá trị văn hóa mới của nền văn minh nhân loại, vừa bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Chính việc lấy con người làm gốc cho sự cố kết cũng như lĩnh hội những tiếp biến văn hóa, khiến việc thừa nhận những sai lầm và yếu kém trở thành tiêu chí vô cùng quan trọng. Ví dụ ở Tây Giang, nhiều gia đình trong cả làng đã đặt tên cho con theo phim Hàn Quốc có một phần trách nhiệm của cán bộ, và cũng bởi chữ viết Cơ Tu tuy đã được viết thành sách nhưng chưa giảng dạy trong nhà trường.
Hội thi vẽ tranh mỹ thuật tại Mỹ Sơn. |
Giáo dục bằng di sản Tám năm nay, ngành giáo dục huyện Duy Xuyên duy trì chương trình ngoại khóa “Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn” trong học phần giáo dục. Năm 2010, một hội thảo về “Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường” cũng đã được Phòng GDĐT Duy Xuyên tổ chức tại Mỹ Sơn. Một cách làm “lạ” nhưng đã chứng tỏ được sự cần thiết trong vai trò gìn giữ, giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đáng mừng là sau khi chương trình được triển khai, mỗi học sinh đã trở thành một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên, cả là thuyết trình viên giới thiệu cho người thân, bạn bè và cả du khách về giá trị của Mỹ Sơn.(ANH TRÂM) |
Quá trình đô thị hóa đặt trong một môi trường quốc tế cao như ở Hội An kéo theo không ít vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống. Các giềng mối truyền thống của gia đình, dòng tộc, láng giềng, nghề nghiệp, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lề thói, lệ tục… biến đổi theo hoàn cảnh, điều kiện mới với chiều hướng bất lợi, làm cho một số giá trị truyền thống có nguy cơ bị mờ nhạt. Thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả, trọng tâm mà Hội An phải nỗ lực là xây dựng con người Hội An. Vừa xây dựng vừa chống đỡ để từ đó phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Nhiệm vụ thứ hai là gìn giữ cho được di sản mà thế giới đã giao cho. Điều cần lưu ý là không thể có một mô hình khuôn mẫu cứng nhắc, hay một phương thức và nội dung áp dụng máy móc, mà phải nghiên cứu định hướng tiêu chí cụ thể cho từng đối tượng. Mặt khác, đối với từng mô hình, phải khảo sát đánh giá chất lượng, hiệu quả; tổ chức trưng cầu ý kiến và tiến hành các quy trình để bổ sung thêm những tiêu chí mới, nội dung mới vào quy ước. Qua đó, vừa đạt được chiều sâu trong công tác tuyên truyền giáo dục, đồng thời cũng là một giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng phong trào.
Mất chừng 10 năm, những người con của đồng bào Cơ Tu mới có thể cho ra đời một số cuốn sách nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người Cơ Tu. Những cuốn sách như “Tiếng thông dụng Cơ Tu - Kinh và văn hóa Làng Cơ Tu”, “Văn hóa người Cơ Tu” (B’riu Liếc), “Người Cơ Tu ở Việt Nam” (Trần Tấn Vịnh), “Vóc dáng Tây Giang”, “Từ điển Cơ Tu - Việt, Việt - Cơ Tu”... đã được tập hợp và trở thành một thư viện lưu trữ. |
Tiến trình xây dựng nông thôn mới đặt trong bối cảnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” lại đồng hành với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) phải chăng tạo nhiều áp lực cho cả chính quyền lẫn người dân (?). Trong hội nghị tổng kết, các địa phương cũng đã thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đúng đắn về bản chất của nền văn hóa Việt Nam, nhất là giới trẻ dễ sa ngã trong “mê lộ” văn hóa đồi trụy, lai căng... Điều này nói lên rằng công tác tuyên truyền, giáo dục còn chưa làm đến nơi, đến chốn, thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa tập trung đổi mới các hình thức tuyên truyền. Và một điều không kém phần quan trọng là phát triển kinh tế chưa tương xứng đã ảnh hưởng không ít đến việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Công cuộc “gạn đục khơi trong” dòng văn hóa sẽ vẫn phải còn tiếp tục và cần thêm những mách cứ.
ANH TRÂM - QUỐC HẢI