Cuối tuần qua, tại TP.Tam Kỳ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Nam tổ chức diễn đàn “Phát triển các mô hình tổ, đội tàu liên kết khai thác hải sản xa bờ khu vực miền Trung”. Các đại biểu đã tập trung đánh giá những vấn đề tồn tại và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của ngư dân gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân Quảng Nam mạnh dạn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa, bám biển dài ngày. Ảnh: VIỆT SỰ |
Nghề biển, ngày càng khó
Lãnh đạo ngành thủy sản, chính quyền các địa phương ven biển miền Trung và đông đảo ngư dân tham dự diễn đàn đều cho rằng, chưa bao giờ giá trị kinh tế trong khai thác hải sản lại eo hẹp như thời điểm này. Đáng nói nhất là sự “bắt tay” của các đầu nậu, tư thương ở khắp dải ven biển miền Trung đã khiến cho đầu ra của hải sản ngày càng teo tóp hơn. Bức tranh nghề cá trầm lắng đến mức chuyến biển sản xuất đạt năng suất cao nhưng không đem lại lợi nhuận đáng kể cho ngư dân. Điểm yếu cố hữu của nghề biển tồn tại lâu nay là ngư dân mới chỉ quan tâm đầu tư lớn về năng lực khai thác mà chưa thể trang bị những thiết bị cần thiết cho việc bảo quản sản phẩm. Trong khi đó, khu hậu cần nghề cá loại 1 làm “bà đỡ” đầu ra sản phẩm cho ngư dân vẫn còn vướng về khâu quản lý hoặc chưa được đầu tư đúng mức. Như tại Quảng Nam, trong tổng số 4.289 phương tiện khai thác hải sản, có 585 tàu cá sản xuất xa bờ nhưng mới chỉ có 15 tàu cá có trang bị hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ mới; đến nay tỉnh vẫn chưa được đầu tư khu hậu cần nghề cá quy mô. Và, khi chi phí sản xuất ngày một tăng cao nhưng đầu ra của sản phẩm bị o ép thì giá trị kinh tế mang lại cho ngư dân thấp là chuyện không khó hiểu.
Quảng Nam hiện đã thành lập được 136 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với sự tham gia của 971 tàu cá, 7.871 lao động. Trong đó, có 325 tàu từ 90CV trở lên với 4.716 lao động. Thời gian qua, hoạt động của mô hình này đã mang lại hiệu quả cao trong việc khai thác hải sản và hỗ trợ khá tốt khâu tìm kiếm, cứu nạn trên biển. |
Về sự cần thiết tham gia mô hình tổ, đội sản xuất, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam nói, đây tương tự mô hình tàu cung ứng hậu cần trên biển. Khi một tàu trong tổ đội vào đất liền bán hải sản sẽ nhanh gọn, đầu ra đảm bảo vì cá, mực được bảo quản tốt. Cùng với đó, tàu này mua ngay dầu, nước đá và mọi vật dụng khác ra cung ứng cho các tàu trong tổ đang đánh bắt, nhờ đó sẽ tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ. Mô hình này giúp ngư dân tăng thời gian bám biển, giảm chi phí đầu vào và tạo sự ổn định cho đầu ra của sản phẩm.
Nhận diện vướng mắc
Sản xuất trên biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên rất cần sự đoàn kết của ngư dân. Mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập trong thời gian qua ở các tỉnh, thành miền Trung đã giúp ngư dân tương trợ, giúp đỡ, giải cứu lẫn nhau khi tàu cá không may gặp nạn trên biển. Nghĩa cử tương thân tương ái đã giúp nhiều tàu cá và ngư dân tai qua nạn khỏi, ổn định việc đánh bắt. Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đã tập trung phân tích những vướng mắc trong việc vận hành mô hình này. Thứ nhất là thông tin liên lạc 2 chiều giữa tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên, gây khó khăn trong việc thông báo diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thứ hai là một số tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập nhưng hoạt động chưa đúng theo quy ước do ngư dân vẫn còn tư tưởng giấu ngư trường, không thông báo tọa độ với ngành chức năng. Cuối cùng là sự kết nối, liên lạc giữa tổ, đội đoàn kết sản xuất này với tổ, đội đoàn kết sản xuất khác nhiều khi rời rạc, hình thức, khiến cho việc cứu hộ, cứu nạn trên biển gặp không ít khó khăn. Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nói: “Nhận thức của một bộ phận ngư dân về tầm quan trọng của mô hình đoàn kết còn hạn chế. Một số địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Các điểm yếu đó cần được giải quyết kịp thời để phát huy tối đa vai trò của mô hình ấy trong thời gian đến”.
Nhờ tham gia các tổ, đội đoàn kết nên việc khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam mang lại hiệu quả cao. |
Ông Trần Quang Kiến - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho rằng, các cấp chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể ở khu vực ven biển cần làm tốt công tác tuyên truyền để ngư dân thấy được lợi ích thiết thực của việc tham gia tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và hăng hái tham gia. UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn có nghề cá cần tiếp tục đẩy mạnh xây mô hình đoàn kết sản xuất trên biển theo hướng vận động ngư dân tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi. Bên cạnh đó, nên khen thưởng kịp thời những tổ, đội đoàn kết sản xuất hiệu quả, ổn định để tạo cơ sở tốt cho việc nhân rộng mô hình này ở tất cả tàu cá của tỉnh trong thời gian đến. Ông Đỗ Văn Tiến - đại diện Đội tàu đoàn kết C10 của xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên góp ý: “Ngư dân chúng tôi khá vất vả trong việc sản xuất trên biển nên rất cần nghĩa cử đồng hành của các ngành chức năng. Để làm được việc đó, thiết nghĩ ngành thủy sản sớm tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời để mô hình đoàn kết sản xuất đi vào chiều sâu. Hiện tại, phần lớn ngư dân tự giác tham gia vậy thôi chứ đâu có ràng buộc gì. Chính vì thế, cần phải cụ thể hóa về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tham gia tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để các chủ tàu, ngư dân có trách nhiệm hơn”.
Làm giàu từ biển gắn với bảo vệ chủ quyền
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (trực thuộc Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT), vấn đề cốt lõi hiện nay của nghề cá là làm giàu từ biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó, trong thời gian đến, ngành thủy sản từ trung ương đến địa phương cũng như chính quyền các tỉnh, thành ven biển miền Trung cần tạo điều kiện để liên kết sản xuất. Các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, ngư dân và nhà quản lý phải vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ. Khi chuỗi giá trị từ việc khai thác hiệu quả cho đến bảo quản tốt sản phẩm và cung ứng hải sản ra thị trường đảm bảo thì nghề cá sẽ phát triển bền vững, tạo động lực lớn cho ngư dân trong quá trình bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền. Ông Tuấn nói: “Những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao, hỗ trợ các địa phương ứng dụng các công nghệ sản xuất mới như lưới vây bằng dệt không gút; chà rạo có thiết bị vệ tinh đánh bắt cá ngừ; sử dụng lồng bẫy để khai thác hải sản tầng đáy như bạch tuộc, tôm hùm và hệ thống ánh sáng phù hợp hơn cho nghề lưới vây. Các tỉnh, thành ven biển miền Trung cần xây dựng cơ chế, gắn kết với chúng tôi để triển khai hiệu quả, tạo cú hích cho việc phát triển nghề cá”.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Trí Thanh cho rằng, việc gắn kết để sản xuất trên biển là điều vô cùng cấp thiết hiện nay nhằm nâng cao hoạt động của nghề khai thác hải sản và góp phần rất lớn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Các mô hình này cần phải được xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc hơn, có cơ chế phù hợp hơn, sát thực tiễn hơn. “Quảng Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học, doanh nghiệp đến nghiên cứu và quảng bá các thiết bị, sản phẩm, công nghệ, máy móc hiện đại. Qua đó, giúp ngư dân địa phương dễ dàng tiếp cận, đầu tư, vận hành sản xuất. Lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo ngành liên quan và chính quyền các cấp tập trung giải ngân nguồn kinh phí để tiếp tục đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng vận hành tàu vỏ thép cũng như tập huấn, giúp ngư dân nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống khẩn cấp trên biển” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
QUANG VIỆT - VĂN SỰ