Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tại thị xã Điện Bàn ngày càng đi vào chiều sâu, tạo động lực thúc đẩy các mặt công tác khác trên địa bàn.
Thúc đẩy phong trào
Năm 2006, tộc Lê Văn làng Diệm Sơn (xã Điện Tiến) đã thông qua gia quy, quy ước xây dựng Tộc văn hóa (TVH) và được hội đồng gia tộc bổ sung chỉnh lý vào năm 2010. Nội dung bổ sung gồm cam kết không sinh con thứ ba trở lên; quy ước xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH); gia đình có ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; quy ước xây dựng gia đình hiếu học; cam kết không tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp, đông người, thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…
Tộc trưởng Lê Văn Tiến chia sẻ, tộc với hơn 450 hộ dân còn căn cứ theo các tiêu chí đánh giá GĐVH, TVH để giáo dục con cháu về truyền thống gia tộc, đạo làm người và nếp sống văn hóa ở khu dân cư do chính quyền phát động. Đến nay, tộc có hơn 80% gia đình có kinh tế ổn định. Mỗi nhà đều treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc. Công tác khuyến học, khuyến tài, nhất là xây dựng “Gia đình hiếu học” được quan tâm; con em dòng tộc còn thăm, tặng quà cho hộ nghèo, khó khăn trong làng... Qua đánh giá, tộc Lê Văn 9 năm liền đạt danh hiệu TVH.
Năm 2019, Điện Bàn đã khánh thành và đưa vào hoạt động hồ bơi cố định tại xã Điện Thọ, quy mô 4 đường bơi dài 25m với kinh phí 4,8 tỷ đồng; tháng 10.2019 tiếp tục khởi công hồ bơi cố định thứ 5 tại phường Điện Nam Trung, quy mô 4 đường bơi dài 25m, kinh phí 4 tỷ đồng. Ngoài ra, thị xã trích thêm 752 triệu đồng đầu tư lắp đặt 4 điểm tập thể dục thể thao ngoài trời tại các phường Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông và Điện Dương.
Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Điện Bàn - ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, qua đẩy mạnh và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động mô hình TVH trong phong trào TDĐKXDĐSVH, ngoài tộc Lê Văn, đến cuối năm 2019 thị xã còn có 372 tộc họ khác được công nhận TVH. Tiếp tục hiện thực hóa phong trào TDĐKXDĐSVH, chất lượng xây dựng thôn, khối phố văn hóa chuyển biến thấy rõ khi tỷ lệ hộ gia đình tham gia đề án thu gom rác thải có đóng phí tăng lên gần 95%.
Số vụ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các điểm đổ rác thải trái phép giảm dần; ngược lại các tuyến đường có trồng cây xanh, hoạt động tình nguyện nhân dân bảo vệ môi trường định kỳ hằng tháng tăng dần. Cuối năm 2019, Điện Bàn có 134/140 thôn, khối phố đạt chuẩn văn hóa; 15/21 tuyến phố đủ tiêu chuẩn công nhận tuyến phố văn minh đô thị.
Đi vào chiều sâu
Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, địa phương đã bổ sung nội dung thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào tất cả bảng điểm văn hóa để tuyên truyền vận động toàn xã hội tham gia thực hiện.
Qua triển khai thực tế, một số mô hình tổ chức cưới tiết kiệm, lịch sự như đám cưới không thuốc lá, không lạm dụng rượu bia… hình thành; việc tang đã được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm.
Cạnh đó, thị xã vận động nhân dân tuân thủ quy định về sử dụng nhạc tang, phúng viếng, khuyến khích sử dụng vòng hoa luân chuyển, câu lạc bộ trợ táng, an táng theo quy hoạch nghĩa trang nhân dân.
Các xã, phường cũng đã lắp đặt 80 pa nô tuyên truyền, nhờ vậy tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang không còn. Hiệu ứng từ các hoạt động vừa đề cập đã tác động đáng kể đến xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, phường văn minh đô thị. Kết quả, năm 2019 thị xã có 10/13 xã được công nhận xã văn hóa nông thôn mới, 6/7 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Vài năm trở lại đây, tình trạng chiếm dụng lòng đường qua các thôn ở thị xã Điện Bàn để dựng rạp làm đám cưới, lễ hỏi được hạn chế đáng kể. Theo đó, người dân đã thuê sân nhà văn hóa, khu thể thao thôn tổ chức nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan chung. Ngược lại, thôn có thêm một khoản kinh phí nho nhỏ cho các hoạt động phong trào.
Đi khắp các địa bàn, có thể thấy nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khối phố đầu tư xây dựng khang trang, bố trí nhiều trang thiết bị phục vụ, dụng cụ tập thể dục thể thao cần thiết. Riêng năm 2019, Điện Bàn hỗ trợ 3,75 tỷ đồng xây mới, nâng cấp nhiều nhà văn hóa và khu thể thao khối phố. Đồng thời, tiếp tục đầu tư lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời ở 27 thôn xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, các xã trích thêm 890 triệu để chỉnh trang, mua sắm cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn. Có thể khẳng định, việc đầu tư, phát huy nhà văn hóa, khu thể thao là cần thiết vì đây là một trong những thiết chế văn hóa hết sức quan trọng cho sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Qua đó góp phần đáng kể trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cũng như nâng cao hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH.