Thanh niên nông thôn đổ xô lên thị thành kiếm sống luôn là nỗi trăn trở của nhiều chính phủ trên thế giới. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng lao động thanh niên kế thừa trong sản xuất nông nghiệp tại nhiều nước.
Năm 2010, Suk Moo Lee, một thanh niên Hàn Quốc đã mạnh dạn từ bỏ công việc ở một hiệu giày tại thủ đô Seoul, trở về vùng nông thôn Eumseong-gun để đầu tư phát triển sản xuất cây việt quất (không chỉ là loại quả ngon mà còn là thần dược cho sức khỏe con người). Năm 2013, lợi nhuận anh thu về từ cây việt quất lên tới 200 nghìn USD. Lee kể, hồi bé, anh luôn mơ ước trở thành một nhà doanh nghiệp. Sau khi tiếp cận với nhiều việc làm trong ngành công nghiệp khác nhau trên thành phố, Lee khám phá ra rằng, sản xuất nông nghiệp cũng là một tiềm năng rất lớn nên anh quyết định về thôn quê lập nghiệp. Và rồi, sự đổi nghề đã không phụ với công lao và tâm huyết của Lee.
Thanh niên Tanzania trải nghiệm sản xuất hoa màu. |
Cũng vậy, suốt nhiều thập kỷ qua, thanh niên Nhật Bản lũ lượt khăn gói lên thủ đô Tokyo tìm kiếm cơ hội thành công. Nhưng một vài năm trở lại đây, quan niệm của nhiều người trẻ tuổi đã thay đổi. Khi sức hấp dẫn từ ánh hào quang đô thị đã giảm đi, và áp lực của cuộc sống bận bịu, ồn ào khiến không ít những lao động trẻ tuổi của xứ sở hoa anh đào quay lại tìm sự yên bình và lối sống chậm, vốn đầy ắp tình cảm ấm áp làng xóm nơi thôn quê. Mặc dù số thanh niên thành thị về nông thôn cũng chưa nhiều so với dòng người đi theo hướng ngược lại ra thành phố, nhưng cùng với những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương thì dù sao sự chuyển hướng này cũng là một tín hiệu đáng mừng đối với nông thôn và ngành nông nghiệp Nhật Bản, khi mà tuổi trung bình của người nông dân hiện đang ngấp nghé ngưỡng 70.
Suk Moo Lee hay xu hướng quay về nông thôn của giới trẻ Nhật Bản cũng là xu hướng được các chính phủ khuyến khích. Bởi theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nông nghiệp hiện là lĩnh vực tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhất là trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu hiện vẫn ở mức cao là hơn 13,1%. Hoạt động nông nghiệp tạo khoảng 32% trong tổng số lao động việc làm toàn cầu, đặc biệt chiếm 39% số lao động tại các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Song thực tế cho thấy lĩnh vực này vẫn chưa thực sự hấp dẫn người lao động, càng không phải là nghề nghiệp được nhiều người lựa chọn, nhất là lao động lứa tuổi thanh niên. ILO cho biết, vào năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng gấp 1/3 người so với hiện nay, tức khoảng 9,3 tỷ người, đồng nghĩa với nhu cầu lương thực càng tăng cao. Thống kê của ILO cũng cho thấy một lo ngại nữa là số sinh viên tốt nghiệp ở lĩnh vực liên quan tới nông nghiệp rất thấp. Như tại Malaysia, số sinh viên này chỉ chiếm 2,35%, tại Việt Nam tốt hơn nhưng cũng ở mức thấp với 7,99%.
Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực bền vững cho nhu cầu dân số gia tăng cũng như giảm bớt áp lực cho đô thị, tạo công ăn việc làm, ILO khuyến khích các chính phủ tạo sợi dây kết nối hấp dẫn cho lao động thanh niên với sản xuất nông nghiệp bằng các chính sách ưu đãi, huấn luyện kỹ thuật nghiệp vụ, đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu…
QUỐC HƯNG