Gắn kết logistics với thương mại điện tử

VĨNH LỘC 09/11/2023 10:44

Được xem là mắt xích không thể tách rời của thương mại điện tử, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp quá trình giao nhận hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, tiện lợi.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã giúp các dịch vụ logistics phát triển.Ảnh: V.L
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã giúp các dịch vụ logistics phát triển.Ảnh: V.L

Bổ trợ cùng phát triển

Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Nam (Viettel Post) vận chuyển khoảng 13 nghìn đơn hàng lưu thông, trở thành một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh lớn trên địa bàn tỉnh.

Thống kê sơ bộ, qua 10 tháng của năm 2023, Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Nam (Viettel Post) vận chuyển gần 4 triệu đơn hàng, bao gồm dịch vụ chuyển phát nhanh, logistics, fulfillment, dịch vụ thương mại…

Ông Đỗ Xuân Thắng - Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Nam cho biết, vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng đơn hàng của doanh nghiệp luôn đều đặn, dự báo sẽ cao hơn trong những năm tới bởi tiềm năng logistics, vận chuyển hàng hóa, chuyển phát nhanh trên địa bàn tỉnh khá lớn, nhất là khi hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển sôi động.

Đón đầu xu thế, thời gian qua Viettel Post đã triển khai kế hoạch đầu tư mở rộng kho bãi, chăm sóc khách hàng, phát triển các dịch vụ vận chuyển, mạng lưới giao hàng nội tỉnh, đảm bảo hàng hóa lưu thông thuận lợi, nhanh chóng, giảm tình trạng ách tắc hàng hóa dài ngày.

Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa đứt gãy. Hình thức mua hàng truyền thống dần bị thay thế bởi các đơn đặt hàng online, qua đó mang đến cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp chuyển phát, giao hàng nhanh phát triển.

Tại Công ty CP Giao hàng tiết kiệm, chi nhánh Quảng Nam, hoạt động chuyển phát hàng hóa diễn ra liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần với hàng chục nghìn đơn hàng được giao nhận mỗi ngày. Riêng tại cơ sở Điện Bàn, bình quân mỗi ngày các nhân viên giao khoảng 1.000 đơn hàng đến tận tay khách…

Thúc đẩy logistics trong TMĐT

Logistics trong hoạt động thương mại được xem là hình thức liên kết đa phương thức vận tải nhằm giúp quá trình lưu thông, phân phối, phục vụ nhu cầu cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tiện lợi.

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của TMĐT, nhất là sự phát triển của các nền tảng công nghệ số, logistics ngày càng giữ vai trò quan trọng kết nối người bán với người mua nhằm hoàn tất quy trình đơn hàng, bao gồm từ khâu lưu giữ, đóng gói, vận chuyển, thu tiền, kể cả chăm sóc khách hàng sau bán hàng.

Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, TMĐT và logistics luôn có mối liên kết chặt chẽ và tương trợ lẫn nhau. Trong đó, TMĐT giúp tăng cường sức bật cho logistics, ngược lại logistics là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của TMĐT. Muốn phát triển TMĐT không thể thiếu các dịch vụ logistics và chuyển phát chất lượng.

Những năm qua, Quảng Nam xác định logistics là mũi đột phá trong phát triển công nghiệp, thương mại, bao gồm TMĐT. Dù vậy, hầu hết doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ thực hiện các dịch vụ đơn lẻ như vận tải, phân phối quy mô vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về logistics của doanh nghiệp còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản…

Theo ông Hường Văn Minh, để nâng cao chuỗi dịch vụ, cung ứng logistics, ngoài tiếp tục phát triển hạ tầng logistics, cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics… thì việc khuyến khích triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT cũng cần được doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Qua đó, nhằm triển khai các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần, cung ứng từ chặng đầu tới chặng cuối…

Đặc biệt, tỉnh khuyến khích thành lập nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô lớn, phát triển dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics...

“Logistics không những làm cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa được thông suốt, chuẩn xác và an toàn, mà còn giảm được chi phí vận tải. Nhờ đó hàng hóa được đưa đến thị trường nhanh chóng, kịp thời; người tiêu dùng cũng sẽ được mua hàng hóa thuận tiện, linh hoạt thông qua các phương tiện điện tử, công nghệ như máy vi tính, điện thoại thông minh…

Các yêu cầu sẽ nhanh chóng được đáp ứng về các mặt hàng cần mua và được vận chuyển đến tận nhà. Tất cả hiệu quả đó chính là nhờ ứng dụng hệ thống logistics vào thương mại và lưu thông hàng hóa” - ông Hường Văn Minh phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gắn kết logistics với thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO