Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp du lịch

KHÁNH LINH 29/10/2018 03:00

Đào tạo xa thực tế, sinh viên yếu chuyên môn, thiếu kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ kém… là những hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp du lịch khó tuyển chọn được lao động. Đây cũng là nội dung hội thảo “Đào tạo lao động cung ứng cho doanh nghiệp du lịch” do Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức cuối tuần qua tại TP.Hội An.

Du lịch Quảng Nam phát triển mạnh mẽ khiến nhu cầu về lao động ngành du lịch càng tăng cao.
Du lịch Quảng Nam phát triển mạnh mẽ khiến nhu cầu về lao động ngành du lịch càng tăng cao.

Rào cản tuyển dụng

Nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu - câu chuyện không mới nhưng đã trở thành bài toán chưa có lời giải trong nhiều năm qua của Quảng Nam. Theo bà Lê Thị Bé Phượng - Trưởng nhân sự, Khách sạn Almanity Hội An, so với hệ đại học, cao đẳng, sinh viên trường nghề có nhiều hạn chế hơn như, năng lực không đồng đều; tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề yếu; thiếu kỹ năng mềm; khả năng ngoại ngữ kém; bị động trong định hướng nghề... “Qua những cuộc phỏng vấn tuyển dụng tôi nhận thấy phần lớn sinh viên chỉ học lý thuyết mà thiếu thực hành. Do đó, kỳ vọng của doanh nghiệp là giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn phải cần có kinh nghiệm và thái độ với nghề. Với nhà trường, việc chọn sinh viên đầu vào cần đạt chuẩn, phải giúp các em có thể định hướng được nghề nghiệp của mình khi ra trường” - bà Phượng nói.

Theo bà Trương Thị Thanh Hải - Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An, do ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở lưu trú khiến nhu cầu tìm kiếm, cạnh tranh nguồn nhân lực du lịch trở nên khốc liệt, nhất là lao động trực tiếp như lễ tân, buồng, bar, spa, bảo trì, bảo vệ... Trong khi đó, mỗi năm có hàng nghìn cử nhân đại học, cao đẳng ra trường nhưng vẫn thất nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chưa có tiếng nói chung. “Các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến khâu tuyển sinh, phải chuẩn đầu vào về trình độ văn hóa, ngoại hình dễ nhìn. Yếu tố thứ hai là khung chương trình đào tạo, thời lượng đào tạo phải đảm bảo. Ngoài ra, các kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, văn hóa ứng xử, niềm đam mê công việc... cũng phải được chú trọng. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp du lịch trong đào tạo nhằm tạo cơ hội cho các em sinh viên có thời gian thực hành, trải nghiệm thực tế nhiều hơn tại doanh nghiệp” - bà Hải nói.

Tăng cường liên kết

Thống kê từ Sở VH-TT&DL cho biết, hiện ngành du lịch Quảng Nam sử dụng khoảng 15 nghìn lao động. Cụ thể, khối lưu trú chiếm 70%; lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên (10%); các dịch vụ khác (20%). Trình độ lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên đạt tỷ lệ 65%. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc chỉ đạt 40 - 60% (tùy theo ngành nghề). Trong đó khoảng 10% đáp ứng vượt kỳ vọng, tập trung chủ yếu ở khối cơ sở lưu trú 3 sao trở lên; doanh nghiệp lữ hành quốc tế hoặc khu du lịch cao cấp.

Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở đăng ký đào tạo liên quan đến ngành nghề du lịch, dịch vụ, quy mô tuyển sinh 2.500 chỉ tiêu/năm, chủ yếu trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (80%). Toàn tỉnh chưa có trường công lập đào tạo chuyên về du lịch, mà chỉ có các khoa du lịch trong các trường. Dự kiến, năm 2020 ngành du lịch tỉnh cần khoảng 20 nghìn lao động. “Việc đào tạo lao động cung ứng cho doanh nghiệp du lịch vẫn còn bất cập, thể hiện ở chương trình và giáo trình đào tạo, kể cả trình độ, chuyên môn của đội ngũ giáo viên; vấn đề đầu ra của sinh viên cũng chưa được bảo đảm, chưa kể mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch vẫn chưa rõ ràng về lợi ích” - ông Thùy dẫn giải.  

Tuy nhiên, TS.Phạm Quang Đông (Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung) cho rằng, không thể đổ hết cho nhà trường mà doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trong đào tạo lao động du lịch. “Học sinh sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi doanh nghiệp vẫn than không tuyển được nhân sự. Doanh nghiệp cho rằng sản phẩm đầu ra của nhà trường không thể sử dụng ngay, phải đào tạo lại. Nhưng tại sao doanh nghiệp không đầu tư ngay khi học sinh sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, cùng nhà trường chăm lo khâu đào tạo, như vậy sẽ đỡ phải đào tạo lại” - ông Đông nói.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, với tốc độ tăng trưởng khách hàng năm hơn 10% cùng sự cạnh tranh từ các thị trường lân cận, du lịch Quảng Nam đang đối diện nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng. Do đó, nhà trường và doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác, phối hợp cùng chia sẻ trách nhiệm, thông tin; tăng cường mối quan hệ giữa các bên liên quan. Đặc biệt, nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề, trang thiết bị… hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu thực tế trong thời gian tới.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO