Gắn kết thị trường lao động

DIỄM LỆ 25/10/2013 08:37

Hai mươi năm, chặng đường đủ dài để Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh khẳng định vị trí của mình trong thị trường lao động (LĐ). Trải qua bao khó khăn, thử thách, đến nay trung tâm đã được người LĐ biết đến nhiều hơn, với những hoạt động góp phần cho sự phát triển của thị trường LĐ.

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã thể hiện được vai trò cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động.Ảnh: D.L
Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã thể hiện được vai trò cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động.Ảnh: D.L

Từng bước đi lên

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (sau đây gọi tắt là Trung tâm) tiền thân là Trung tâm Xúc tiến việc làm phía Nam được thành lập ngày 26.3.1993 theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Sau ngày tái lập tỉnh, đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam, và từ năm 2006 đến nay lấy tên Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam. Trung tâm được đặt tại Tam Kỳ với mục đích dạy nghề, giới thiệu việc làm cho LĐ các địa phương phía nam của tỉnh. Trước đây, Trung tâm được đặt tại cơ sở cũ của Công ty Lương thực Tam Kỳ bàn giao lại, với 2 dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, chỉ có 3 biên chế. Năm 1998 Trung tâm mở thêm cơ sở 2 ở tại xã Hương An (huyện Quế Sơn) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho LĐ các huyện phía bắc của tỉnh học nghề và được giới thiệu việc làm. Hiện nay, một văn phòng khu vực tại huyện Điện Bàn đang được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của người LĐ. Đến nay, Trung tâm có tổng số 38 cán bộ, viên chức, nhân viên; trong đó có 2 thạc sĩ, 17 cử nhân, kỹ sư, còn lại ở trình độ trung cấp, kỹ thuật.

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cũng đã đào tạo nghề cho 25.951 học viên ở các trình độ trung cấp và sơ cấp, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ cho 5.084 học sinh; dự báo thông tin thị trường LĐ; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp với 12.970 người đến đăng ký thất nghiệp, cùng với nhiều trường hợp từ nơi khác chuyển về, đã có 17.107 người được hưởng trợ cấp.

Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm nói: “Có thể khẳng định, hiện nay dù còn nhiều khó khăn, nhưng điều kiện cơ sở vật chất và con người cho Trung tâm hoạt động đã ổn định. Điều đáng mừng là tập thể cán bộ, công nhân viên của Trung tâm còn trẻ, tinh thần làm việc nhiệt tình. Tập thể luôn có sự đoàn kết, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là những phiên giao dịch việc làm lưu động, phải đi về các huyện, không có phương tiện vận chuyển nhưng anh em vẫn không nề hà. Chính điều này giúp Trung tâm hoạt động ổn định và mang lại một số kết quả, giúp người LĐ và doanh nghiệp gần nhau hơn”.

Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố là những đầu mối giúp Trung tâm đến được với người LĐ. Những ngày đầu, đội ngũ cán bộ mỏng, địa bàn rộng, nên hoạt động tư vấn chỉ tập trung tại chỗ. Sau đó, sự hỗ trợ đắc lực của các Phòng LĐ-TB&XH đã giúp Trung tâm trong tư vấn việc làm. Trên cơ sở những thông tin Trung tâm gửi về huyện, huyện sẽ tư vấn cho người LĐ và phản hồi với Trung tâm về nhu cầu của người LĐ, từ đó thông tin được xâu chuỗi, kết nối thường xuyên.

Vai trò cầu nối

Nhiệm vụ đầu tiên và lớn nhất của Trung tâm chính là làm cầu nối cho doanh nghiệp và người LĐ đến gần nhau hơn. Suốt 20 năm qua, bất cứ hoạt động nào của Trung tâm cũng không nằm ngoài mục tiêu lớn này. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm thực hiện tư vấn cho người LĐ và người sử dụng LĐ về các lĩnh vực chính sách, chế độ, tiêu chuẩn... về LĐ và việc làm của Nhà nước; giúp người LĐ lựa chọn công việc phù hợp với trình độ, khả năng, chuyên môn và sở trường cá nhân; hướng dẫn người LĐ tự tìm kiếm việc làm hoặc học nghề; liên hệ với người sử dụng LĐ để tìm chỗ làm trống cho người LĐ; tổ chức tuyển chọn LĐ cung ứng cho người sử dụng LĐ là người Việt Nam và người nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam... Hơn 102 nghìn người được học nghề, có việc làm trong nước, xuất khẩu lao động và gần 17 nghìn LĐ được giới thiệu việc làm trong nước là kết quả mà Trung tâm đã nỗ lực thực hiện và đạt được trong thời gian qua.

Sàn giao dịch việc làm của tỉnh đặt tại Trung tâm chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ năm 2008, là bước tiến tất yếu và cần có. Từ tần suất tổ chức 5 lần/năm, đến nay đã nâng lên 20 lần/năm (cả cố định và lưu động). Ông Tưởng cho biết: “Sàn giao dịch việc làm thực sự đã quảng bá, tạo nhận thức trong số đông người LĐ về vấn đề LĐ và việc làm. Sàn giao dịch là nơi để cho các doanh nghiệp tuyển LĐ trong nước, LĐ đi làm việc ở nước ngoài; các trường, trung tâm đào tạo nghề gặp gỡ học sinh, người LĐ để tư vấn, tuyển dụng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và nguyện vọng của người LĐ”. Sàn giao dịch việc làm trong 6 năm qua đã tổ chức được 83 phiên giao dịch, có gần 1.500 lượt doanh nghiệp tham gia, gần 40 nghìn lượt người đến tìm hiểu thông tin, trong đó có gần 12 nghìn người đăng ký tuyển dụng. Ngoài ra, đã có hơn 200 nghìn lượt truy cập vào website “http://www.vieclamquangnam.vn” của Trung tâm để tìm hiểu thông tin.

Xuất khẩu LĐ là lĩnh vực mà Trung tâm đã đi tiên phong thực hiện trong thời gian đầu. Lúc ấy, người LĐ còn rất xa lạ với việc đi xuất khẩu LĐ do thiếu thông tin, chưa có phong trào. Trong khi đó, chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa thực sự quan tâm và công tác tư vấn còn hạn chế. Mặt khác, kinh phí để tham gia xuất khẩu LĐ là vấn đề lớn đối với người LĐ. Nhạy bén với tình hình, Trung tâm đã chủ động liên hệ làm việc để Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Bộ LĐ-TB&XH) đồng ý đứng ra ký tín chấp với một số ngân hàng tại Quảng Nam để bảo lãnh cho người LĐ được vay không thế chấp 80% kinh phí trước khi đi. Sau đó, một số công ty khác cũng thực hiện theo hình thức này và cơ hội thuận lợi đã đến với LĐ Quảng Nam. LĐ Quảng Nam xuất khẩu đến các thị trường Malaysia, Đài Loan, rồi Hàn Quốc, Nhật Bản... dần trở thành phong trào sôi nổi tại các địa phương của tỉnh. Đến nay, LĐ đã xuất cảnh qua kênh của Trung tâm được 2.081 người.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gắn kết thị trường lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO