Gắn kết tình quê xứ

THÀNH CÔNG 10/02/2020 13:19

Nhiều hoạt động được quan tâm, chú trọng hơn trong năm 2019 giúp cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh có nhiều chuyển biến, góp phần nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, hướng về cội nguồn của cộng đồng này.

Công tác xuất khẩu lao động được đưa về các huyện miền núi đang phát huy hiệu quả trong giảm nghèo. Ảnh: T.C
Công tác xuất khẩu lao động được đưa về các huyện miền núi đang phát huy hiệu quả trong giảm nghèo. Ảnh: T.C

Điểm nhấn xuất khẩu lao động

Gần 13.400 lượt người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có gần 450 lượt tạm trú tại nhà của thân nhân. Con số ngày càng tăng trong những năm qua, không chỉ ở lượt lưu trú tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, còn tăng ở cả số công dân gốc Quảng Nam trở về với bà con, dòng tộc.

Thêm một tín hiệu đáng mừng: toàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp do kiều bào trở về đầu tư kinh doanh, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực sản xuất, chế biến, du lịch, thương mại - dịch vụ..., có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thông tin, các cơ quan chức năng cũng đã cấp phiếu lý lịch tư pháp cho hơn 1.200 trường hợp, đăng ký khai sinh, kết hôn cho hàng trăm trường hợp, đồng thời hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của 20 người di cư tự do, kết hôn không giá thú theo thỏa thuận Việt Nam - Lào có nguyện vọng, đủ điều kiện.

“Thời điểm hiện tại, có khoảng 3.000 lao động Quảng Nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả này cho thấy công tác xuất khẩu lao động của tỉnh đã chuyển biến, có sự lan tỏa, tạo thu nhập ổn định cho hầu hết trường hợp. Hàng loạt hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng giúp cho nhiều trường hợp học sinh được đi du học. Hai quốc gia tiếp nhận nhiều du học sinh Quảng Nam nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, phần lớn được các tổ chức nước ngoài tuyển chọn, trao học bổng để có điều kiện tiếp xúc với nền giáo dục quốc tế” - bà Trang thông tin.

Thông tin thêm về tình hình xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, người lao động Quảng Nam ở nước ngoài góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế ở quê nhà. Nhiều trường hợp sau thời gian lao động ở nước ngoài có số vốn tương đối ổn định để sau khi trở về quê hương có thể khởi nghiệp là tiền đề khá tốt.

“Năm 2019 có một số chuyển biến mạnh ở vùng miền núi, khi có 61 lao động ở Nam Trà My và Tây Giang được đưa đi xuất khẩu lao động. Việc người Quảng Nam, nhất là đồng bào người dân tộc thiểu số tham gia lĩnh vực này đã tạo chuyển biến, giải quyết bài toán giảm nghèo, giúp người miền núi vươn lên làm giàu. Đầu năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị xuất khẩu lao động. Dù còn khiêm tốn so với các tỉnh bắc miền Trung, nhưng có thể khẳng định đây sẽ là một dấu ấn trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm tới” - ông Thùy nhấn mạnh.

Huy động nguồn lực

Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối, tăng cường quan hệ, gắn kết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng theo đánh giá, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan chức năng trong và ngoài nước còn chưa đồng bộ và kịp thời, chưa huy động đúng mức tiềm năng của kiều bào vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế..., đang là những hạn chế hiện nay.

Thống kê cho thấy, năm 2019 Quảng Nam chưa thu hút được nguồn lực tri thức người Việt Nam ở nước ngoài nào, chỉ có các chuyên gia đến làm việc với tư cách là giáo sư, cố vấn, chuyên gia… hỗ trợ các dự án. Nhiều tổ chức, cá nhân kiều bào tại tỉnh đã tài trợ hơn 172 nghìn USD thực hiện các công trình, trao học bổng cho học sinh nghèo…, song con số này còn khá khiêm tốn so với số lượng người Quảng Nam ở nước ngoài hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, một số kiều bào đầu tư ở mảng dịch vụ du lịch, dù còn nhỏ lẻ, song đã chấp hành tốt chủ trương chính sách cũng như các quy định của ngành. Trong số này, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, người rất có thiện chí trong việc đóng góp ý kiến phát triển, xây dựng quê hương. Ông Hồng đặt vấn đề nên kết nối, mời những người có chuyên môn, trách nhiệm và tâm huyết với quê hương như trường hợp kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc để góp ý một số vấn đề quan trọng của tỉnh.

“Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh thành mạnh về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có việc thu hút các nhà khoa học, trí thức về để tham gia phát huy, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá tiềm năng của địa phương” - ông Hồng đề cập.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, để thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, cần nhanh chóng cập nhật số lượng kiều bào gốc Quảng Nam, làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách đến kiều bào.

“Sở Ngoại vụ cần chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh sớm cập nhật số liệu, xây dựng phần mềm, đưa vào hệ thống dữ liệu chung để có cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới. Phải thường xuyên liên lạc, gắn kết mật thiết với hội đồng hương, hội đoàn của kiều bào Quảng Nam ở các nước, tạo sự lan tỏa hơn nữa, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, đăng tải thông tin về chủ trương thu hút đầu tư, ngành, lĩnh vực khuyến khích để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào có cơ hội về quê sản xuất kinh doanh. Tỉnh sẽ lập kế hoạch thăm, làm việc hàng năm với người Việt Nam ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, đề ra các hoạt động hiệu quả thiết thực hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gắn kết tình quê xứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO