Gan lì, dũng mãnh - Cao Đình Trung - Bài 2: Vẹn tròn khí tiết

THANH TƯỜNG 25/07/2022 09:03

Tại nhà lao Hiệp Đức, bọn địch dùng đủ thủ đoạn, cực hình tra tấn, dụ dỗ mua chuộc nhưng không khuất phục được tinh thần gạn dạ, ý chí sắt đá của Cao Đình Trung. Không chịu cảnh giam cầm, ông vượt ngục trở về tham gia và chỉ huy chiến đấu.

Tác giả cùng gia đình viếng mộ liệt sĩ Cao Đình Trung tại Hiệp Đức.
Tác giả cùng gia đình viếng mộ liệt sĩ Cao Đình Trung tại Hiệp Đức.

Không thể chết khi cách mạng cần

Hơn một tháng bị giam cầm tại nhà lao, mặc cho địch dùng những thủ đoạn nham hiểm, đốt các đầu ngón tay đau đớn vô cùng nhưng Cao Đình Trung vẫn một mực không khai báo, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Mặt khác, với cách nói năng sâu sắc, giàu tính thuyết phục, ông khéo léo chuyện trò và chiếm được cảm tình của các tên lính gác. Và chính họ đã nới rộng còng tay cho ông, mỗi ngày một ít, còn lén đem cho ông lưỡi dao lam để râu.

Và chính những điều này đã giúp ông thực hiện ý định vượt ngục, khi bọn địch bắt dân biểu tình và cho bọn chỉ điểm, dân vệ cải trang trà trộn vào dân hô khẩu hiệu đòi trừng trị Cao Đình Trung để chúng hợp pháp thủ tiêu.

“Tôi là người từng tham gia chỉ huy và trực tiếp chiến đấu với đồng chí Cao Đình Trung. Trong chiến đấu và công tác, đồng chí Trung là người có khả năng nhận định, nắm bắt, đánh giá tình hình rất sắc xảo, chuẩn xác. Trong lãnh đạo, chỉ huy, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh chiến đấu rất ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, bất chấp gian khó hiểm nguy, luôn yêu thương gắn bó với đồng chí đồng đội và bà con nhân dân địa phương...”.

(Nguyên Đội trưởng Đội công tác vũ trang Huyện ủy Quế Sơn - ông Trần Đình Hiển)

Không để địch thực hiện ý đồ đen tối. Không thể chết đi khi cách mạng đang cần. Cao Đình Trung khẩn trương chuẩn bị và chọn thời cơ cho cuộc vượt ngục.

Đêm hôm đó, chờ tên lính gác vừa xem tiểu thuyết vừa ngủ gà, ngủ gật, thời cơ đến, nhanh như cắt, Cao Đình Trung tuột tay ra khỏi còng và lấy lưỡi dao lam cắt đứt dây trói, áp sát đánh gục tên lính gác rồi nhanh chân phóng ra ngoài.

Đã chủ động nghiên cứu địa hình nơi đây nên trong chốc lác ông đã thoát ra khỏi các lớp rào. Để đánh lừa địch, lần theo mé bờ sông, ông chui vào nằm trong bụi lau sậy sát Đồn cảnh sát Sơn Tân.

Phát hiện Cao Đình Trung thoát tù, bọn địch nháo nhào tung quân truy lùng lên hướng Thăng Phước, vì chúng cho rằng nơi này mỏng lực lượng và sơ hở nhất. Đêm thứ hai, lần xuống bờ sông, sẵn chiếc ghe của dân, ông xuôi chèo đến vùng ta và tìm gặp lại tổ chức trong nỗi vui mừng khôn xiết của chiến sĩ, đồng bào.

Tin đồng chí Cao Đình Trung vượt ngục loan truyền khắp nơi, quần chúng cách mạng vui mừng khôn xiết. Còn kẻ địch vô cùng tức tối căm giận, tên Quận trưởng Nguyễn Xuân Tình bị cách chức, đổi đi nơi khác; tên Cao Hữu Ánh về thay làm Quận trưởng Hiệp Đức.

Thoát khỏi nhà tù của địch, Cao Đình Trung tiếp tục hoạt động cách mạng, thâm nhập vùng địch kiểm soát nắm bắt tình hình, xây dựng cơ sở mật, giác ngộ quần chúng, tạo nên những làn sóng đấu tranh liên tục, rộng khắp.

Những hồi kèn xung trận

Tháng 3.1960, Cao Đình Trung được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía. Ông cải trang thành người đi buôn, đột nhập các vùng lân cận dọc theo tuyến đường từ Hiệp Đức đi Phước Nhang, huyện Phước Sơn (nay là xã Phước Trà, Hiệp Đức) để theo dõi tình hình, nắm ý đồ bố trí lực lượng của địch...

Mọi công tác được giao, ông đều chuẩn bị chu đáo, phục vụ đắc lực cho cuộc khởi nghĩa. Khởi nghĩa làng Ông Tía diễn ra vào đêm 13.3.1960, ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía là tiếng kèn xung trận, là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên và thắng lợi vẻ vang ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ.

Tháng 9.1960, Liên khu 5 quyết định mở đợt hoạt động vũ trang toàn khu. Tại Quảng Nam, mục tiêu được chọn là Chi khu quân sự quận lỵ Hiệp Đức. Cao Đình Trung được giao nhiệm vụ tham gia chuẩn bị chiến trường, cùng Đội công tác cánh Tây Quế Sơn trinh sát, nắm tình hình địch, lên phương án tác chiến.

Ngày đêm lặn lội, vượt sông Trầu để tiếp cận các cơ sở, ông không quản ngại gian khổ hy sinh, kiên trì vượt qua bao bãi mìn, đồn bót, khu dồn trong hệ thống phòng ngự kiên cố của địch để theo dõi, bám nắm tình hình, soi đường trinh sát các mục tiêu từ hướng Sơn Tây, Sơn Tú vào quận lỵ Hiệp Đức.

Suốt quá trình tiến công vào quận lỵ, ông luôn xông xáo, dũng mãnh băng qua làn đạn địch, xung kích dẫn đường cho bộ đội địa phương tỉnh tiếp cận tiêu diệt chi công an, đồn bảo an địch.

Trên đường hành tiến tiêu diệt địch, bất ngờ một tên địch còn sống sót tại Chi Công an nổ súng vào đội hình ta làm ông bị thương ở chân... Từ công tác chuẩn bị chiến trường chu đáo, tỉ mỉ, mà Cao Đình Trung là người giữ vai trò quan trọng trong công tác trinh sát, nắm địch, đã góp phần vào thắng lợi chung của trận đánh.

Tiếp nối chiến công

Tháng 5.1962, Cao Đình Trung được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quế Sơn, giữ chức Bí thư Huyện đoàn, được giao nhiệm vụ đứng cánh Tây Quế Sơn (khu vực Hiệp Đức), phụ trách đội công tác.

Tại đây, ông đã chỉ đạo Đội công tác vũ trang huyện, Đội công tác xã Sơn Tân phối hợp với Đại đội 3, Tiểu đoàn 60 vũ trang giải phóng các thôn Bình Kiều, Trà Linh, xã Sơn Tân, thành lập chính quyền các thôn, rút thanh niên bổ sung vào lực lượng vũ trang huyện.

Tháng 6.1962, hai đại đội biệt kích Nùng từ trại biệt kích Nông Sơn luồn rừng lên các thôn Đồng Làng, Trà Linh (Sơn Tân), Nhụ Sơn (Sơn Lợi) hòng tìm diệt lực lượng ta.

Biết được ý đồ của địch, Cao Đình Trung chủ động triển khai cho lực lượng bộ đội địa phương huyện cùng du kích các xã Sơn Tân, Sơn Lợi bố trí trận địa mai phục tiêu diệt địch.

Đúng như nhận định của ông, khi quân địch lọt vào trận địa phục kích của ta, các cỡ súng thi nhau nổ tới tấp xé nát đội hình địch, tiêu diệt gần hết đại đội địch. Ta thu được 2 khẩu trung liên, 4 khẩu súng trường và 1 máy thông tin PRC25.

Ngày 26.10.1962, một Tiểu đoàn bảo an địch được máy bay lên thẳng từ Đức Dục chở đến đổ quân xuống đồng Cây Canh, Thổ Sung, Nà Trâu thuộc các thôn Nhơn Trạch, Trà Linh (Sơn Tân). Cao Đình Trung cùng Ban Chỉ huy Trung đội bộ đội địa phương huyện và du kích xã Sơn Tân triển khai đội hình chiến đấu đánh địch.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm và tài tổ chức chỉ huy mưu trí, linh hoạt của ông, trận đánh giành thắng lợi lớn, ta tiêu tiêu diệt tại chỗ 47 tên địch, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng, bắn bị thương 2 chiếc khác. Có thể nói, đây là trận đầu tiên ta đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận” của địch trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

----------------------
Bài cuối: Sống trong lòng quê hương

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gan lì, dũng mãnh - Cao Đình Trung - Bài 2: Vẹn tròn khí tiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO