Gắn sản xuất với thị trường

VĂN SỰ (thực hiện) 31/08/2013 08:33

Trao đổi với P.V Báo Quảng Nam về những mục tiêu và giải pháp trọng tâm mà Quảng Nam đặt ra cho lĩnh vực tam nông thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh cần tập trung rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng tiểu vùng, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

P.V: Những mục tiêu trọng tâm đặt ra cho lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn Quảng Nam trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Từ nay đến năm 2015 giá trị sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp đặt mục tiêu tăng bình quân 4,5%, tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi đạt 34% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn xuống còn dưới 16%. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt hơn 35%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp còn dưới 42%. Hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 40 nghìn lao động. Có 100 - 150 nghìn lượt người được hỗ trợ sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp và các ngành nghề phi nông nghiệp... Hoàn thành dứt điểm chương trình giao thông nông thôn với mục tiêu 100% đường huyện, tối thiểu 70% đường xã khu vực đồng bằng, miền núi thấp và 80% đường huyện, tối thiểu 70% đường xã khu vực miền núi cao được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng. Phấn đấu có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 75% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh...

Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản phải gắn với việc hình thành các nhà máy chế biến. Ảnh: VĂN SỰ
Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản phải gắn với việc hình thành các nhà máy chế biến. Ảnh: VĂN SỰ

P.V:Thưa ông, đâu là giải pháp để đạt được những mục tiêu vừa nêu?

Theo tôi, ngay từ bây giờ cần tập trung rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch ngành nông nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030 để làm nền tảng bố trí cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng tiểu vùng, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Quảng Nam cần sớm nghiên cứu hình thành mới các hình thức tổ chức sản xuất theo kiểu mạng lưới ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào quá trình canh tác và đẩy mạnh liên doanh liên kết nhằm tiêu thụ ổn định các mặt hàng nông sản. Điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách hỗ trợ để ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực nông thôn...
(Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT)

Tập trung đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những chương trình kế hoạch phát triển tam nông đã ban hành, đặc biệt là tăng đầu tư kinh phí sự nghiệp kinh tế hằng năm. Đẩy mạnh công tác dồn diền đổi thửa, giao đất khoán rừng, phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, khai hoang tăng diện tích đất canh tác lúa nước ở khu vực miền núi. Khuyến khích, hỗ trợ mở rộng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn ở đồng bằng. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là lao động nông nghiệp sang các ngành khác, phấn đấu giảm nhanh đến mức hợp lý tỷ lệ lao động khu vực kinh tế nông nghiệp phù hợp với cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng hiện đại…

Về cơ chế, chính sách thì cần khẩn trương xây dựng kế hoạch khuyến nông của ngành theo thời kỳ ổn định ngân sách 5 năm để đảm bảo tập trung các nguồn vốn thực hiện theo từng chương trình có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ về giống mới, quy trình sản xuất nông sản an toàn, các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế cho tất cả thành phần kinh tế tham gia sản xuất lâm nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây lâm nghiệp.

Về khoa học - công nghệ, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khảo nghiệm, chọn lọc, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng của sản xuất, kinh doanh giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ sinh học để sản xuất giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao như công nghệ giâm hom và nuôi cấy mô. Đăng ký và bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác nông - lâm kết hợp bền vững trên đất dốc, mô hình kinh tế trang trại ở nông thôn và một số mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp tại những vùng ven đô thị Tam Kỳ, Hội An.

P.V:Ngành chức năng cần có giải pháp gì để khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa?

Phải quản lý chặt chẽ quỹ đất lúa có tưới và chú trọng thâm canh lúa, bắp để đảm bảo ổn định sản lượng lương thực, tăng sản phẩm hàng hóa. Quy hoạch hình thành vùng sản xuất giống lúa hàng hóa khoảng 3.000ha và vùng sản xuất gạo chất lượng cao ít nhất 12.000ha. Tiếp tục rà soát diện tích rừng, đất lâm nghiệp theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung phát triển mạnh cây nguyên liệu chủ lực với mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 30.000ha cao su và 80.000ha keo lai. Trên lĩnh vực thủy sản, cần quy hoạch, sắp xếp lại ao nuôi nước lợ, thâm canh gắn với an toàn dịch bệnh, đa dạng hóa đối tượng nuôi để tăng hiệu quả. Phát triển mạnh nuôi thủy sản nước ngọt với đối tượng hàng hóa là cá tra, cá rô phi đơn tính. Chú trọng phát triển mô hình khai thác hải sản xa bờ, đẩy mạnh việc thành lập mới các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác ven bờ, vùng lộng theo hướng từng bước giảm hợp lý lượng tàu cá nhỏ đánh bắt ven bờ để bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, đảm bảo khai thác bền vững. Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, tiếp tục hoàn thiện và xây dựng mới một số cơ sở dịch vụ hậu cần. Khuyến khích đầu tư phát triển tàu thuyền dịch vụ, hậu cần cho tàu khai thác ở ngư trường xa bờ.
P.V:Xin cảm ơn ông!

VĂN SỰ (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gắn sản xuất với thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO