Gần với phố xa

HỨA XUYÊN HUỲNH 08/07/2018 11:31

Ở nơi chốn nào đó, với người lạ sẽ gấp gáp tìm hiểu cho bằng được, còn người quen thì ngược lại: đôi khi họ quên hết những ngõ ngách cũ và chỉ chờ có dịp là ký ức trỗi dậy, gần gũi. Tam Kỳ cũng vậy, một khi đã trở thành một phố rất xa trong tôi…

Đô thị mẹ - con đang dần nối liền ở Tam Kỳ. Ảnh: H.X.H
Đô thị mẹ - con đang dần nối liền ở Tam Kỳ. Ảnh: H.X.H

1. Hôm trước tôi về ngồi bên một quán vắng nơi nhánh nhỏ tách ra từ sông Bàn Thạch. Phía cuối tầm nhìn, về hướng nam, giờ đã “vướng” bởi cây cầu lớn bắc ngang qua đang hối hả thi công.

Tôi nhận ra đây là một phần phác thảo, bước ra từ lý thuyết về trục đô thị mẹ - con mà kiến trúc sư Hoàng Sừ (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Nam) từng đề cập trong bài viết Đi tìm “dáng riêng” của đô thị Tam Kỳ trong tương lai đăng trên Tạp chí Kiến trúc hồi đầu năm 2016. Cây cầu ấy, cùng với vài hạng mục tương tự, giúp cho trục kết nối tây – đông giữa thành phố mẹ (Tam Kỳ hiện nay) và thành phố con (mới) phía biển trở nên liền mạch. Hệ trục trung tâm được mệnh danh là “trục xương sống” này của thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ được bố trí nhiều công trình quy mô lớn như trung tâm hành chính, văn hóa, siêu thị, trung tâm triển lãm, thể dục thể thao, dịch vụ du lịch giải trí…

Lược sử Tam Kỳ có những cột mốc lớn. Ngoài niên biểu 1471, khi huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa của đạo Thừa tuyên Quảng Nam được hình thành dưới thời vua Lê Thánh Tông, thì còn ít nhất 3 thời điểm khác không thể quên trong tiến trình gầy dựng làng - phố Tam Kỳ: năm 1906, trở thành phủ lỵ; năm 2006 thoát khỏi chiếc áo chật hẹp thị xã để trở thành thành phố tỉnh lỵ; năm 2016 đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2… Nhưng vì tôi đến ngụ cư Tam Kỳ từ năm 1997, lúc Tam Kỳ còn nhỏ bé đến mức không có một ngã tư, nên phố trong tôi luôn mang khuôn mặt khắc khổ, tĩnh lặng. Lâu nay, cứ giữ thói quen quan sát sự động tĩnh của những con hẻm thân quen, những góc đường mới mở và biết rằng phố ấy đang lớn. Cho đến ngày “bắt gặp” một cây cầu bắc qua đầm lầy phóng mạnh về hướng biển, hình dung ra vóc dáng đô thị đang ngày càng lực lưỡng và sẽ lại đón đợi thêm những thế hệ ngụ cư mới.

2. Trên tài khoản Facebook của UN-Habitat Vietnam thấy vừa chia sẻ album gồm 51 bức ảnh dưới chủ đề “Khám phá Tam Kỳ từ A đến Z”. Đọc hết 16 nội dung, với sự dụng công của tác giả khi sắp xếp các điểm đến theo một cung đường, mới hay mảnh đất Tam Kỳ cũng rất… phong phú. Có ngôi làng bích họa đầu tiên tại Việt Nam, bãi biển Tam Thanh sạch đẹp, gợi ý những góc máy và thời điểm chụp ảnh ấn tượng, những quán ăn bình dân, vài món đặc sản, các điểm đến ấn tượng (tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, Văn thánh Khổng miếu)… Tất cả vẽ nên một không gian sống hấp dẫn.

Ấy là Tam Kỳ trong mắt người lạ. Nhưng với người cũ, từng ở đó đã bao nhiêu năm, hẳn sẽ không có nhiều nhu cầu khám phá nữa. Trong họ giờ chỉ cần một sợi ký ức để đánh thức kỷ niệm.

Bạn có nhớ những lần đi xa, ban đêm ngồi trên xe quay về Tam Kỳ thoáng thấy đèn nhấp nháy trên cột phát sóng đồi An Hà là biết mình sắp đến nơi. Nhiều người khác chỉ cần nhìn tán cây hai bên đường đoạn sắp rẽ vào nội thị là như cầm nắm được cảm xúc gần gũi. Đôi khi, đó chỉ là một sắc hoa tím lấp ló bên trong tán lá ven hồ điều hòa Nguyễn Du. Một khoảng trống bỏ lại nơi quán nước… Chừng 20 năm trước, nhiều người ngạc nhiên trước đường sá Tam Kỳ vắng ngắt vào dịp cuối tuần hay lễ tết, có lẽ khi ấy nhiều người (ngụ cư) đã về quê. Khi ấy, có thể phố đang ngơi nghỉ. Nhưng riết rồi không gian tĩnh lặng ấy lại trở nên thân thuộc. Giữa những phố xá chật chội bây giờ, họ lại thèm được chậm rãi chạy xe qua các con đường cũ…

3. “Mẹ không được nhắc hai chữ “Tam Kỳ”. Nhắc là con sẽ… khóc đó!”.

Một đứa trẻ 9 tuổi đã “dọa” mẹ như thế, khi cả nhà phải dịch chuyển ra khỏi Tam Kỳ. Những ngày đầu, đôi mắt cu cậu cứ ngần ngận nước, và lẳng lặng úp mặt vào gối khóc thật. Chừng tháng sau, nỗi nhớ có vẻ nguôi ngoai. Thêm vài tháng nữa, khi đã vào năm học mới, cuối mỗi ngày trên đường từ trường về nhà cu cậu lại khoe: “Hôm nay con có thêm một bạn mới”. Thêm bạn mới, tức là đứa trẻ lớp 3 ấy đang phải kết nối lại từ đầu. Nhưng không có nghĩa là nó đã quên những bạn cũ, trường cũ, xóm cũ, phố cũ. Thậm chí ngược lại.

Thoạt tiên, tôi nghĩ con người ta đi đâu về đâu cũng chỉ đơn giản là chốn nương náu. Nhưng rồi, như một phần tứ thơ của Chế Lan Viên, khi xứ sở cũ đã hóa tâm hồn, thì chốn nương náu hời hợt ấy trở thành nơi trú ngụ đằm sâu lòng người đi xa. Ngẫm mà xem, có những con đường cũ mèm, nhưng khi bạn rời xa nó và chờ thời gian rắc lên đấy vài hạt bụi, thì lối mòn kia đã hóa thân thành ký ức.

Tôi đang nghe lại những bài hát viết về Tam Kỳ, mãi vẫn chưa tìm ra vài chỗ đồng điệu. Phải chăng phần lớn ca khúc đều viết từ trong lòng phố viết ra, chứ chưa có bản nhạc nào da diết từ xa vọng lại? Nên đành mượn “Phố xa” xuất hiện từ 30 năm trước, thoáng hiện những con phố xa lạ nào đó ở miền Nam. “Trên tay em nụ hoa vẫn nở/ Phố xa phố xa ngỡ như thật gần”, nhạc sĩ Lê Quốc Thắng đã kéo thời gian lại gần với không gian một cách kỳ diệu như vậy đấy.

Sung sướng thay cho những ai vẫn ngày ngày đi lại trên con đường ấy, ngang qua góc phố ấy, gặp gỡ những bạn bè thân quen ấy mà không lo đến lúc sẽ phải lìa xa…

HỨA XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gần với phố xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO