“Chờ đi, chút bà Vinh lên, bả là đi nhiều nhứt đó, muốn hỏi chi cũng được”. Thì chờ và… ngó. Hoa, trứng, gà, vịt, nước ngọt, rau đủ loại. Tiếng hô hét, làu bàu: “Đường bến ghe ở thành phố mà ri đây, như cái mương, ít bữa mưa, khổ nữa”. Bến Ngọc Thành đi Cù Lao Chàm, 7h30 phút. Xuống bến, ai thắng xe không kịp là lao đầu xuống sông, chật ké, chẳng kè, chẳng có tam cấp, vạch báo nguy hiểm. “Rồi chưa, rồi chưa?”. Không chờ trả lời, tiếng máy ghe bành bạch. Đi.
Bà Vinh đã 35 năm buôn gánh bán bưng ở Cù Lao Chàm.Ảnh: T.V |
1. Bà Vinh đang đứng trước mặt tôi đây, năm tháng đã vẽ trên mặt bà những đường nhăn, cứ thế mà chồng lấn nguệch ngoạc. Quê bà ở phường Sơn Phong (Hội An). Lúc nãy, ông lái hỏi “răng bác đi trễ”, nghe bà thủng thỉnh là chờ lấy bánh. Hàng của bà đây: 2kg thịt luộc, 100 cây chả, 20 chục bánh ú, bỏ gọn trong đôi gióng mây. Bà lôi trong góc rổ bánh ú ra mấy củ khoai lang và ăn. Buổi sáng, ánh nắng chan hòa mặt sông Hoài. Từ đây chưa phải trực chỉ Cù Lao Chàm mà phải ghé Cửa Đại đón khách thêm. Đây là tàu hàng duy nhất ra đảo, sáng ra, trưa vào. “Răng bác có chừng ni?”. “Thêm nữa, bác gánh không nổi”. Tôi mường tượng, 35 năm, bao nhiêu đôi gióng đã kéo vai bà, hô ứng với tuổi tác và nỗi cơ cực mưu sinh, đã hớt, nạo, cắt, làm bốc hơi đi bao tinh lực nơi bà, từ cái nhìn đến giọng nói, tất cả nhẹ như gió đầu thu đi lạc. “Bác đi đến chiếc ghe ni là đời thứ 3 rồi…”. Giọng bà chìm khuất trong tiếng máy và gió. Ghe đổi chủ, gióng đứt, đòn gánh gãy, 35 năm, hơn nửa đời người, bao kẻ đã đến và đi, bao thế hệ dân Cù Lao Chàm đã sinh ra đời sóng, bền như dây chão cột thuyền trụ lại với cỏ đá nơi đó, hay là buồn quá đã giã từ con sóng, tìm chốn lao xao xứ khác mà mưu sinh, chỉ còn bà và vài bà nữa, vẫn… chung tình. “Ừ, đi miết, cứ rứa sáng chiều. Bà con cần, mình cũng cần, chẳng có chi mà đáng nói, cũng rau quả rồi bánh trái, rằm mồng một thì thêm hoa cúng. Ai nhờ chi mình mua giúp. Mỗi thứ lời một, hai ngàn đồng thôi con, lấy công làm lời”.
Chính họ, những người đàn bà gầy guộc này, như cánh tay nối dài đất liền và đảo, là nguồn cung cấp thực phẩm xanh, thịt, muối cho đảo. Họ bán buôn đã đành, nhưng chưa hề bỏ bữa, cũng chưa có ý định rời xa chiếc ghe gỗ đã bạc bệch với tháng năm này, như người tình chung thủy đến chết trong mối giao đãi vô hình với những con dân nơi đầu sóng. |
Tôi nhìn nhịp con nước dập dờn khi ghe đã ra khỏi cửa, nghĩ về những trụt sồi của đời người, nhiều khi như là cái mệnh neo buộc, ghim như mỏ neo găm xuống, buộc như thế, có vẫy vùng cũng không khỏi, mà cuộc sống vốn lạ đời, khi đã quen với những đi về cựa quậy mòn chán, có khi người ta sẽ bằng lòng và… yêu nó. Bà Vinh và những bạn đồng hành đang ngồi chậm rãi ăn sáng góc ghe, có khi là vậy. “Cô cực lắm”. Ngước đôi mắt mờ đục, khô đét lại bởi tuổi tác, bà thốt ra, nhẹ mà tôi nghe có tiếng cá quẫy mắc lưới. Rằng, giải phóng ra, ông chồng đi bán cà rem ở Cù Lao Chàm, cũng có lời, được 4 năm, ông đột quỵ và mất. Nghèo tới mức không có tiền làm đám ma, bà bán cái áo pi-ra-két được 200 đồng, và từ đây, có ai ngờ, bà hai vai hai thùng cà rem, thay chồng ra đảo, khoác lên đi bán mà nước mắt ròng ròng. Hết cà rem, chuyển ra bán vịt lộn, thịt bò, rồi bánh mì, chả, bánh ú, hết mang rồi gánh, cứ vậy… “Hồi đó dân ở đảo nghèo lắm, nhà toàn lá dừa, không có cầu tiêu, mua thịt bò thì mua lát, 2 ngàn đồng mỗi lát, nghèo mà tiền mô mua”.
2. Bây giờ Cù Lao Chàm đã khác. Nhưng bà vẫn đi. “Ừ, quen rồi, không ra bà con lại nhắc…”. “Bão gió nhiều bác hè?”. Sau lưng bà, bà Mẫn chen ngang: “Cô với chị Vinh đi cùng nhau 28 năm rồi đó, cô bán rau, trứng, ôi thôi khỏi nói cực khổ, bao trận sóng to gió lớn, tưởng chết như chơi”. Bà Vinh kể, lần đó là sáng 29 tết, khi đi ra thì sóng nhẹ, nhưng chiều vô là có bấc, sóng phủ đầu, cả ghe khóc như mưa, ông lái thuyền buộc phải quay lại. Hồi đó làm chi có điện thoại, con cái ở nhà hết ngồi lại đứng mong, lo, còn mấy bà thì bụng như tơ vò. Đến chiều 30 tết thì ghe cập bến Hội An. “Bác về nhà, con gái nói thôi tết nhứt chi nữa, bác ra chợ, chỉ còn chút rau héo và thịt heo để từ sáng tới chiều, nín lặng mà mua về cúng. Còn lại thì thôi, biết mấy mà kể cho hết cực vì gió”. Bà Mẫn chen vào, là có trận sóng to quá, làm ướt sạch phấn ghi tên chủ hàng trên bao, lên tới bờ, chẳng biết của ai, đưa đại, sai, lỗ tùm lum.
Hàng ra đảo, vật dụng không chi to tát, nhưng dân đảo không thể thiếu. |
Xám đen, hằn mỏi mệt như những đường cày trên mắt, trên trán, họ kể về những ngày tháng lênh đênh vượt sóng đem hàng ra đảo, sau những cao trào, là tiếng thở dài, nhưng rồi lại đệm một câu: “quen rồi, mình không đem ra, bà con lấy chi mà ăn”. Mùa bão, hay thừ người ra với bản tin: dân đảo… khan hiếm rau, thịt vì chưa thông được đất liền. Bão tan, chính họ, những người đàn bà gầy guộc này, như cánh tay nối dài đất liền và đảo, là nguồn cung cấp thực phẩm xanh, thịt, muối cho đảo. Họ bán buôn đã đành, nhưng chưa hề bỏ bữa, cũng chưa có ý định rời xa chiếc ghe gỗ đã bạc bệch với tháng năm này, như người tình chung thủy đến chết trong mối giao đãi vô hình với những con dân nơi đầu sóng. “Cô 76 tuổi rồi, nhưng vẫn đi, quen, rồi lại nuôi đứa cháu đang đại học…”. Biển vẫn xanh muôn thuở. Chỉ tóc bà là đã bạc.
3. Tôi nghe dân đảo nói rằng, mấy bà Vinh, Hường, Phước, Mẫn... xứng đáng có hộ khẩu ở đây, là công dân danh dự, bởi bữa mô không thấy, chắc là có chuyện, lại nhắn tin mà hỏi. Tôi vào chợ, thấy bà Vinh ngồi dưới gốc bàng mé cửa chợ, bà Mẫn ngồi nhìn hàng rau… Tất cả đã bán xong, chưa đầy một tiếng lúc 10h, bây giờ thì chuẩn bị chờ ghe quay mũi về lại. Một tiếng đồng hồ để kiếm vài đồng lời. Một tiếng, đủ nấu chín và duềnh doàng với niềm vui. Một tiếng để thấy sóng và những mặt người đã can dự vào đời sống mình chừng đó năm theo hải trình lênh đênh. Một tiếng, một đời người. Chẳng lời mấy, nhưng không đi thì buồn. Niềm vui ở đời, lắm khi chỉ chừng đó, mà hình như càng lớn tuổi, người ta càng tỉnh lược những phù du. Và rồi sẽ đến lúc họ, những người đàn bà như thủy thủ thâm niên ra Cù Lao Chàm này, ngồi xuống, không đi nữa, nhịp sóng cù lao chỉ còn trong ký ức, mà mỗi khi chải mái tóc đã nhuốm màu sóng, như thấy bọt nước một đời cần lao còn đẫm trên tay.
“Không có mấy bả, trước và sau bão, dân ngoài ni không biết lấy chi ăn. Tôi đi với mấy bả lâu rồi, thấy vắng cũng khó chịu trong bụng, lời chẳng mấy đồng, nhưng đâu có bỏ…”. Ông Nguyễn Đình Ơi, thuyền trưởng, chẳng rời hướng nhìn sau tay lái, trả lời như thể sắp sẵn trong bụng rồi. Nặng lắm một khối tình. Tay xách nách mang, nặng nhẹ, ít nhiều, cứ thế mà bước chân xuống thuyền, ở đó như ngôi nhà thứ hai của họ, từ cái thuở đói nghèo lay lắt đến bây giờ đổ xô làm du lịch, đêm ngày rậm rịch chân người, không biết trong đầu họ, những người đàn bà như góp thêm tay chèo cho dân đảo ấy, năm tháng băng qua đời, có giấc mơ nào khác nữa cựa quậy trong họ? Giấc mơ ấy, nếu có, là đừng bao giờ có sóng giật để nước mắt hòa mưa. Nhưng nếu không có vậy, cảm xúc bao người với họ, là chính họ nữa, có lẽ cũng chỉ một khối màu tịnh trong, và câu chuyện về họ sẽ chẳng có một khúc đoạn này khiến họ trào lên như sóng. Những người dân lành, sống nghề lành, mưu sinh độ nhật, họ đãi nhau chẳng hề có lời cảm ơn, bởi như là thừa thãi, chỉ nhìn nhau độ lượng, tin cậy và lo lắng. Đâu đó còn bao chuyện thất kinh do tiền bạc đảo điên, chứ ở đây, nhìn mấy bà chăm chú đếm tiền lẻ bên góc khoang thuyền, ngước lần nữa nhìn ghe rời đảo, thấy như có khối đá, như mỏ neo ngàn tấn níu họ lại với xa xanh.
Ghi chép của TRUNG VIỆT