Có lẽ những người phụ nữ như bà Vân, bà Sanh, bà Thủy… là thế hệ cuối cùng còn gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống đi bán dạo. Nhờ nguồn hải sản tươi tại chỗ cùng với kinh nghiệm chế biến truyền thống, nước mắm An Hòa đã nổi tiếng từ lâu vẫn còn được ưa chuộng.
Tuy đã 82 tuổi nhưng bà Vân vẫn còn nặng lòng với nghề.Ảnh: T.NGA |
Mưu sinh
Tờ mờ sáng, bà Vân, bà Dung, bà Sanh (thôn 2, xã Tam Hải, huyện Núi Thành) lục đục quang gánh xuống đò cùng những người bạn buôn chuyến. Đò ông Đông nổ máy chở những phụ nữ tuổi đã ngoài 60 với hơn 300 lít nước mắm và mắm cái đủ loại. Mỗi người đi một hướng. Người dừng ở xã Tam Mỹ Đông, người lên Tam Mỹ Tây, có người đón xe ôm lên Tam Thạnh, Tam Trà rồi cuốc bộ vào từng thôn, từng nhà bán nước mắm. Những phụ này cho biết, ngày thường họ đi đò, đến giáp tết, lượng nước mắm được bạn hàng đặt nhiều nên phải đi từ Tam Hải sang chợ Tam Quang bắt xe khách lên ngã tư Tam Giang rồi thuê xe ôm chở lên các xã. Nhóm các bà chuyên đi hướng Bình Sơn (Quảng Ngãi) phải thuê xe đò đến nơi rồi mới gánh bộ đi từng thôn, xóm. Bất kể nắng hay mưa, mỗi ngày họ cuốc bộ hơn 20 cây số cùng 30 lít nước mắm trên vai rao bán mắm.
Tôi theo gánh mắm của bà Nguyễn Thị Vân đến Tam Mỹ Tây. Bà không rao hàng, dường như ở đây ai cũng quen mặt bà. Quen đâu bán đó, chỉ cần gánh mắm tới một nhà là chủ nhà lại gọi cho những người khác trong xóm đến mua. Có khi họ lại nhận ra âm thanh kẽo kẹt từ đôi gánh mắm của bà Vân thế là gọi vào mua. Mỗi khi có người gọi, bà không dừng ngay ngoài đường mà gánh mắm vào giữa sân nhà, đặt cây đòn gánh xuống đất để ngồi, rồi bắt đầu mở nắp thúng mắm, mùi mắm nồng như vị quê. Có người đưa tiền mặt, cũng có người đổi gạo, lúa.. Bà Vân cho biết: “Nếu có tiền thì lấy tiền còn không thì đổi gạo, cứ 1 lít nước mắm là 30 nghìn, gạo thì 3 ký. Mấy chục năm trước, ít ai có tiền mặt nên phần lớn là đổi mắm lấy lúa gạo hoặc khoai. Mua ít thì đong lon, còn mua nhiều thì đong ang. Lúc mua mà chưa có lúa, có khoai thì hẹn đến mùa lúa, mùa khoai lên lấy”.
Bà Vân đi miết thành quen, thành người thân của xóm, gặp ai cũng hỏi thăm: “Dì mấy bữa ni ra răng, con út thằng hai nhà dì đi học hay đi làm đâu rồi dì?”. Bà Vân đến nhà bạn hàng gặp bữa cơm trưa là ăn luôn ở đó. Những người phụ nữ bán mắm dạo cứ đi như thế với đôi vai và đôi chân trên những nẻo đường quê quá đỗi quen thuộc. Đến cuối giờ chiều họ lại hẹn nhau ở cầu Nguyễn Phùng đợi đò ông Đông đón về. Kết thúc một ngày mưu sinh.
Nặng lòng với nghề
Có lẽ những người phụ nữ như bà Vân, bà Sanh, bà Thủy… là thế hệ cuối cùng còn gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống đi bán dạo. Nhờ nguồn hải sản tươi tại chỗ cùng với kinh nghiệm chế biến truyền thống, nước mắm An Hòa đã nổi tiếng từ lâu vẫn còn được ưa chuộng.
Đôi chân trần Gần 20 năm bán mắm dạo, bà Nguyễn Thị Hòa (tên thường gọi bà Diệp) chỉ toàn đi chân đất, bà bảo rằng đi chân đất dễ đi hơn là mang dép. Nghỉ bán mắm từ đầu năm nay bà cứ thấy lưu luyến. Đôi quang gánh, chai đựng nước mắm bà vẫn giữ như giữ lại một phần kỷ niệm một thời tần tảo ngược xuôi với đôi gánh trên vai đi khắp các ngả đường đem hương vị nước mắm An Hòa đến mỗi nhà. Còn bà Nguyễn Thị Vân cứ nói với con cháu cứ để bà gánh mắm đi bán, cho đến khi nào đôi chân không đi được nữa thì thôi. Những năm trước, khi chưa có đường bê tông, gặp lúc mưa dầm, một đầu là mắm, một đầu là lúa, nặng vậy mà vẫn ráng đi qua những con đường đất lầy lội. Lúc đó đôi dép mòn được cởi ra, giắt vào một bên quang gánh, chân không như thế mà đi qua bùn lầy. |
Kế nghiệp từ lúc 15 tuổi, nay bà Nguyễn Thị Vân đã 82 tuổi, vẫn còn nặng lòng với gánh mắm dạo. Bà nói gần 70 năm đôi chân của bà quen khắp các ngả đường liên thôn, liên xã. Giờ lớn tuổi, cứ một tuần bà gánh hàng đi bán một lần, mỗi lần vẫn cứ ba chục lít không ít hơn. Bà nói: “Ngày xưa tôi đi cách ngày, mỗi ngày hơn 50 lít. Con cháu thấy vậy cứ cản miết. Cái nghề này cực mà lời ít, nhưng khổ nỗi cái nghề như cái nghiệp nó vận vào thân. Không đi bán, không làm mắm lại nhớ”.
Bà Nguyễn Thị Sanh (tên thường gọi bà Hoạt) đã 73 tuổi nhưng vẫn còn gánh mắm đi bán tận Bình Sơn (Quảng Ngãi). Theo bà, quy trình sản xuất nước mắm cũng lắm công phu. Từ khâu chọn cá đến kỹ thuật muối, rồi kinh nghiệm bảo quản đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Làm mắm cái cũng vậy, phải có tay làm thì mắm mới chín đều, thơm ngon, không tanh và không bị giòi. Đó là sự khéo tay, là kinh nghiệm mà không phải ai cũng có được.
Thế nên có rất nhiều khách hàng ưa chuộng mùi thơm và vị đậm đà của mắm do tay của những phụ nữ gánh mắm này làm. Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Đa Phú 2, Tam Mỹ Đông) khách hàng lâu năm của bà Vân cho biết: “Dì Điệp (tên thường gọi của bà Vân) muối mắm mới hết sẩy, ăn miết mắm của dì quen rồi, giờ mà chuyển sang dùng nước mắm mua ngoài thị trường thấy nhạt miệng, khó ăn và cũng sợ hóa chất nữa. Tôi vẫn thích dùng mắm của người bán dạo”.
Có lẽ đó là hương vị riêng của nước mắm An Hòa được làm ra từ chính những đôi bàn tay luôn nặng lòng với nghề. Mai đây, thế hệ cuối cùng của nghề bán mắm dạo không còn chắc hẳn sẽ còn nhiều người như chị Hoa cảm thấy thiếu vắng.
Mùa mưa, những người phụ nữ gánh mắm rong vẫn hẹn nhau ở bến chờ đò ông Đông. Nhai trầu, kể chuyện nghề, chuyện bạn hàng trước khi đò cập bến. Họ bảo “Cố đi được bữa nào hay bữa đó, chừ thế hệ chúng tôi chẳng còn mấy người, chẳng ai biết được chuyến tới còn ai đi cùng. Già quá rồi mà”.
THIÊN NGA