Không riêng ở Việt Nam, sinh viên đại học nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với áp lực học phí ngày càng tăng, nhiều gia đình không đủ khả năng chu cấp cho con em vào đại học, còn sinh viên thì ngập trong nợ nần học phí...
Hiện nay, bình quân học phí tại các trường đại học ở Mỹ được xem là “đắt đỏ” nhất thế giới, tiếp đó là Anh, Nhật Bản và Ireland. Để được ngồi trên giảng đường đại học, trung bình, một sinh viên Mỹ phải có được khoảng 29 nghìn USD/năm (hơn 60 triệu đồng Việt Nam) và không phải gia đình nào cũng đủ khả năng chu cấp. Thống kê cho thấy, hiện có đến một nửa số sinh viên tại Mỹ phải vay ngân hàng và tính đến tháng 5.2014, nợ sinh viên đã tăng mức kỷ lục là 1,2 nghìn tỷ USD, chiếm 26,6% GDP của Mỹ. khoảng 40 triệu sinh viên Mỹ đang phải gồng mình gánh một món nợ khổng lồ có thể lên đến hơn 100 nghìn USD/người. Với mức thu nhập trung bình của sinh viên mới ra trường hiện nay có thể đến 50 tuổi họ vẫn chưa trả hết số nợ này.
Sinh viên đại học nhiều nước chịu áp lực học phí rất lớn. |
Mặc dù được xem là một trong những nền giáo dục thành công nhất thế giới nhưng học phí đại học Australia đang tăng rất cao. Hiệp hội giáo dục đại học quốc gia Australia cho biết, số học phí trung bình hiện nay ở các trường đại học khoảng 7.500USD mỗi năm cho từng sinh viên và dự kiến sẽ tăng lên 15 nghìn USD, chưa kể đến trang trải cuộc sống đại học lên tới hàng chục nghìn USD. Bởi vậy, hiệp hội này cho rằng nếu chính phủ không tăng mức hỗ trợ cho học phí sinh viên thì nhiều sinh viên thậm chí không còn khả năng lo cho ăn uống hằng ngày. Cũng theo hiệp hội, hai phần ba sinh viên của Australia có thu nhập một năm dưới 20 nghìn USD, 21% sinh viên có thu nhập dưới 10 nghìn USD, còn chi phí trang trải cho cuộc sống đại học có thể lên tới 37 nghìn USD. Nếu học phí tăng, gánh nặng lại tiếp túc đè lên vai sinh viên và phụ huynh.
Ở Anh, thông qua chương trình cho vay chính phủ, sinh viên có thể mượn trước một khoản và trả lại trong vài năm sau khi hoàn thành khóa học và đi làm. Còn tại các nước châu Á có nền giáo dục phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… chi phí giáo dục đại học không phải quá đắt như các nước Mỹ, Anh nhưng với trung bình khoảng từ 7 nghìn đến 10 nghìn USD mỗi năm cho từng sinh viên. Nhưng, đối với những gia đình lao động có thu nhập ở mức trung bình thì không phải gia đình nào cũng đủ cho con em ở bậc đại học, nhất là những gia đình có từ 2 sinh viên đại học.
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, thường các trường đại học danh tiếng luôn kèm theo các mức học phí rất cao. Như Đại học Chicago (Mỹ) với mức trên 45 nghìn USD/năm, đứng đầu trong 10 trường có học phí đắt nhất thế giới. Sinh viên tại các trường này ra trường đều có khả năng tìm được công việc thích hợp với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường là bài toán rất khó của không ít chính phủ. Gánh nặng tài chính học phí vì thế được ví như “quả bom” nổ chậm đối với rất nhiều gia đình.
QUỐC HƯNG