Hàng loạt dịch vụ y tế tăng giá mạnh từ ngày 1.6 vừa qua sẽ là gánh nặng đối với những người không có thẻ báo hiểm y tế (BHYT) khi chẳng may lâm bệnh.
Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện không có thẻ bảo hiểm y tế phải trả viện phí rất cao. |
“Choáng” với viện phí
Khi đi lại trong nhà, chẳng may trượt ngã, bà Nguyễn Thị Hai (79 tuổi) ở thị xã Điện Bàn phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Bà Hai bị chấn thương khá nặng, bị gãy nền cổ xương đùi nên phải phẫu thuật, và phải thay khớp háng. Bà Hai không có thẻ BHYT, bệnh viện thông báo nộp tiền viện phí, ông Lương Văn Thanh, con trai bà nghe mà rụng rời tay chân. Ước tính số tiền viện phí của bà Hai khoảng 70 triệu đồng, ông Thanh phải kêu gọi tất cả anh chị em, bà con giúp đỡ mới đủ tiền đóng viện phí cho mẹ ông được phẫu thuật. Ông Thanh nói: “Lâu nay mẹ không đau ốm gì nên mẹ cũng tiếc, không cho con cái mua BHYT. Cứ nghĩ chỉ cần một năm nữa, mẹ tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí cho người già nên tôi cũng chủ quan không mua thẻ BHYT cho mẹ. Ai ngờ xui xẻo, nghĩ lại thấy mình thật vô tâm, ân hận cũng đã muộn. Giờ đành phải cố gắng chạy chữa cho mẹ mạnh khỏe chứ biết làm sao. Mà có đi bệnh viện mới thấy thẻ BHYT quan trọng thế nào”.
Từ ngày 1.6.2017, có hơn 1.900 dịch vụ tăng giá. Ảnh: D.L |
Trường hợp của ông Đỗ Thanh Hùng ở thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) cũng do chủ quan, nghĩ bản thân không bao giờ đau ốm gì nên không mua thẻ BHYT. Đến khi bị bệnh u trực tràng, ông Hùng đi bệnh viện, gia đình ông mới tá hỏa, vội mua thẻ BHYT. Nhưng lúc ông bị bệnh mới mua thẻ BHYT nên thẻ chưa có hiệu lực sử dụng, ông đành phải đến bệnh viện để chữa bệnh theo diện viện phí. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, người trực tiếp điều trị bệnh của ông Hùng, trường hợp u lành tính, chi phí điều trị sẽ khoảng 30 triệu đồng, còn u ác tính phải điều trị lâu dài thì chi phí rất tốn kém. Nằm trên giường bệnh, ông Hùng nói rằng đến lúc đi bệnh viện, ông mới thấy “choáng” vì giá viện phí hiện nay quá cao đối với người không có thẻ BHYT, bởi từ trước đến nay ông không hề đi bệnh viện nên không biết.
1.900 dịch vụ tăng giá
Kể từ ngày 1.6.2017, đợt tăng viện phí đối với nhóm người không tham gia BHYT đã khiến giá viện phí cao hơn trước rất nhiều. Theo Thông tư số 02 của Bộ Y tế, giá viện phí cho 1.900 dịch vụ y tế một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT được áp dụng giá viện phí mới. Và việc điều chỉnh viện phí lần này nhằm để người không thẻ BHYT và có thẻ BHYT đều chung mức giá như nhau. Mức giá trần này không bao gồm khám, điều trị tại các khoa tự nguyện, theo yêu cầu. Có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa đó là giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật và xét nghiệm. Tùy theo hạng bệnh viện, chi phí điều trị sẽ tăng 20 - 40% so với trước.
Một hạng mục được tăng giá rất cao sau đợt điều chỉnh này chính là chi phí phẫu thuật, siêu âm, chụp X - quang... Chẳng hạn như chi phí chụp X - quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng, chụp và can thiệp tim mạch từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng, khám nội soi ổ bụng từ 575 nghìn đồng tăng lên 793 nghìn đồng... Chi phí phẫu thuật cũng đặc biệt tăng cao, nếu bệnh nhân khám chữa bệnh không có BHYT. Ví dụ như phẫu thuật cắt khối tá tụy sẽ mất gần 10,5 triệu đồng chưa bao gồm giá một số công cụ hỗ trợ khác, hay một lần điều trị cong vẹo cột sống có giá trên 8 triệu đồng... Với những bệnh nhân bị ung thư, nếu không có bảo hiểm thì sẽ phải trả chi phí xạ phẫu, xạ trị lên đến hàng chục triệu đồng... Nếu như có thẻ BHYT, người bệnh được Quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100%, người không có BHYT phải tự chi trả hoàn toàn.
Bệnh nhân có thẻ BHYT đến bệnh viện, bác sĩ điều trị cũng tự tin hơn khi chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc điều trị để giúp cho bệnh nhân điều trị bệnh tốt hơn. Còn bệnh nhân không có thẻ BHYT, khi gặp khó khăn về tài chính, việc điều trị cho bệnh nhân không được gia đình lo viện phí kịp thời thì nhiều trường hợp có thể rơi vào nguy hiểm, hoặc gây ra thương tật suốt đời cho bệnh nhân chỉ vì được điều trị trễ.
HOÀNG LINH