Jean - Luc Mello trầm ngâm hàng giờ trước cơ man giấy dó, giấy tuyến chỉ, những thanh gỗ cắm trên vuông táp-lô. Còn ông lão Nguyễn Quỳnh vẫn đi về với đất Duy Xuyên. Những người dân Quế Sơn, tết nào cũng tỉ mẩn chuẩn bị áo mão để đưa những trích tuồng lên sân khấu...
Trích đoạn Tuồng cổ “Trưng Vương đề cờ” do các em THCS tại Duy Xuyên diễn. ảnh: Phi Thành |
Gian phòng nhỏ trên phố
Ngang qua phố cổ Hội An với những gian triển lãm, quầy hàng lưu niệm phố cổ... “Không gian hội ngộ Cotic” - nơi những tác phẩm tuồng của Jean - Luc Mello và những bức vẽ phục trang tuồng cổ được trưng bày. Những sắc màu - ngay ở cái nhìn đầu tiên, đã níu chân người vào thưởng lãm. Giới hội họa gọi đây là những thể nghiệm đầy cá tính. Tất nhiên, sự liều lĩnh thăng hoa bởi tình yêu của những con người trót mê văn hóa truyền thống Việt Nam. Jean - Luc Mello đã không còn xa lạ với giới hoạt động nghệ thuật. Họa sĩ, đạo diễn phim, và cũng từng là diễn viên, con người này tiếp cận và yêu vốn văn hóa phương Đông như máu thịt mình. Trong cuộc chuyện trò xoay quanh về cảm hứng con người trong nghệ thuật, Jean mở ra cho chúng tôi về một “gian phòng” của tuồng đồ. Ở cánh cửa đầu tiên khi chạm tay vào vốn văn hóa cổ của Việt Nam, Jean thừa nhận, đó là những cái rùng mình trước vốn văn hóa quá dày dặn, là những trầm tư về sự tiếp biến đang diễn tiến quá nhanh. Trong hành trình nghệ thuật và cuộc đời, có những quãng nghĩ để khơi lại nhiều niềm suy tư.
Nhìn những tác phẩm nghệ thuật của người đàn ông Pháp hơn 60 tuổi này, cảm hứng về những gập ghềnh, về sự tan rã lại thấp thoáng dung hòa trong cái ước vọng mơ hồ của những hoàn hảo. Khuôn mặt tuồng, vốn dĩ là biểu lộ cao nhất của tính tượng trưng, Jean - Luc Mello giữ nguyên như vậy. Ông in những khuôn hình này trên giấy dó, giấy tuyến chỉ, rồi áp chúng vào những mặt kính. Cùng với đó, Jean sáng tạo một vuông táp - lô, khoét lỗ ở giữa để cắm cây sào cao tầm 1,6m, treo khuôn mặt tuồng nhìn thấy cả hai mặt. Tiếc thay, vì “không gian hội ngộ Cotic” - gian phòng của tuồng ở Hội An, theo cách gọi của Jean, lại không đủ chỗ để ông trưng bày nguyên vẹn tác phẩm của mình. Trong cái bó chật của không gian triển lãm, Jean cùng những cộng sự đã nghĩ cách treo những khuôn mặt tuồng ngang tầm với khuôn mặt người. Khắc họa tuồng theo cách riêng của mình, cái cách mà Jean từng làm với những môn nghệ thuật khác, dựa trên những chất liệu truyền thống của Việt Nam. Jean mày mò trải nghiệm, chọn nhiều hình tượng, từ “hình và bóng” - một cuộc triển lãnh tranh cùng Síu Phạm, người vợ của ông, với những cảm giác đơn độc ngổn ngang… và bây giờ là tuồng.
Cầu nối một hành trình
“Tôi nhìn thấy sự khác biệt của văn hóa vẫn còn tồn tại trong từng chi tiết của đời sống, chúng không bị cán phẳng như tôi từng thấy ở những thành phố lớn của thế giới. Đó là mảnh đất cho nghệ thuật. Và đó cũng là lý do tôi chọn Hội An làm nơi dừng chân của cuộc đời mình, để khi vẽ, tôi gắn bó với chất liệu truyền thống Việt Nam”. - Jean - Luc Mello |
Hành trình tìm cho tuồng một chỗ đứng đương đại, đưa tuồng len lỏi vào từng câu hát của tuổi trẻ là thôi thúc luôn giục những người có tâm huyết với bộ môn này. Chúng tôi gọi họ là những “cầu nối”, từ ông lão 80, những người nông dân vùng trung du, đến những cô cậu học trò giọng hát trong veo. Bằng niềm mê đắm những trích tuồng cổ, những hồi trống chầu, những giai điệu xưa, họ - bằng nhiều cách, đã để tuồng không bị chìm vào quên lãng. Dẫu chỉ đôi ba lần gióng lên tiếng trống trong cả một năm dài, nhưng một khi người dân quê còn yêu tuồng, còn muốn nghe tuồng, thì tuồng sẽ không lụi tàn. Gốc của tuồng từ những ngôi làng nên nó sống trong làng. “Làng, như nhà văn Nguyên Ngọc, là “cái “gen”, là nơi giữ cái “gen” của văn hóa Việt, để cho nó có thể biến hóa muôn vẻ mà ta vẫn là ta, là ta đặc sắc hơn, phong phú hơn, mạnh hơn”. Nối kết với làng để thấy rằng, khi trở về gốc rễ của mình, ngay trên những sân khấu làng, với cái mộc mạc, thô ráp của những “đào”, những “kép” học từ phương cách truyền miệng, tuồng dễ đi vào lòng người hơn trên những sân khấu lớn, chỉn chu từ ánh sáng đến giai điệu. Trong hành trình bảo tồn tuồng bằng tâm huyết của cả một đời say mê, cụ Nguyễn Quỳnh vẫn chọn đất Duy Xuyên, chọn những “lớp người sau” được nuôi nấng từ cái nôi của tuồng. Cuối cùng, “quả ngọt” được hái sau những ngày gian nan. Một tuổi già và hàng chục tuổi trẻ, cùng nhau lên sân khấu, trình tấu những trích đoạn tuồng bài bản, khiến mọi người trầm trồ thán phục.
Jean – Luc Mello đang mô tả lại quá trình làm một tác phẩm về nghệ thuật Tuồng.Ảnh: S.ANH |
Những người còn giữ trong mình mớ ký ức ngày cũ về những lần mải mê xem các gánh tuồng xưa đi khắp mọi vùng quê, hẳn sẽ dễ dàng chấp nhận cho những “sân khấu tuồng” vào mỗi dịp tết cổ truyền. Bàn tay, bàn chân còn vàng màu phèn của đất ruộng, nhưng gương mặt và giọng hát thì sang và ngọt như một nghệ sĩ đích thực. Mà họ, đúng là những nghệ sĩ của nhà nông. Không có niềm đam mê như gỗ trắc âm ỉ cháy trong lòng, họ chẳng thể nào “nuôi” được sân chơi vững vàng, xuân nào cũng biểu diễn như vậy? Từ vùng trung du Quế Sơn, Tiên Phước đến đất đồng bằng như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, nơi nào cũng duy trì vài câu lạc bộ tuồng đủ để đồng vọng cùng những tích tuồng…
Jean - Luc Mello nghiên cứu kỹ về nghệ thuật tuồng bằng cách gặp gỡ trò chuyện với những nghệ sĩ của nhà nông. Để rồi trong những tác phẩm ông trưng bày ở “Không gian hội ngộ Cotic”, phải ngắm thật lâu, liên tưởng thật nhiều mới cảm được niềm suy tư của ông. Cũng là cái kiểu bảo tồn nghệ thuật cổ truyền bằng cái nhìn mộc mạc nhất. Những người yêu văn hóa Việt như Jean - Luc Mello, hay những người trót yêu mê tuồng bằng cả đời mình như cụ Nguyễn Quỳnh, như những người nông dân xứ núi, vẫn đang cố đưa tuồng vào đương đại, tìm cho tuồng một chỗ đứng, dù nhỏ nhoi ở dòng chảy văn hóa hiện nay.
SONG ANH