Gặp bạn nhờ những vần thơ

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 12/09/2019 11:04

Cuối tuần qua tại thôn 1 xã Trà Giang (Bắc Trà My), chúng tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến cuộc hội ngộ giữa ông Trần Duy Tung và ông Nguyễn Nghị - hai người bạn từng cùng chiến hào nhưng sau hơn 50 năm mới có dịp gặp nhau nhờ những vần thơ đầy nước mắt “Tôi về thăm lại mộ tôi”.

Ông Trần Duy Tung (bên phải) và ông Nguyễn Nghị mừng vui khôn tả. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Ông Trần Duy Tung (bên phải) và ông Nguyễn Nghị mừng vui khôn tả. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Biệt tin nhau

Năm 1967, Đại đội V12 thuộc Huyện đội  Bắc Tam Kỳ thành lập tiểu đội cảm tử quân gồm 9 người chỉ mới mười tám, đôi mươi. Tiểu đội được trang bị cối 60, B40, B41, trung liên…, có nhiệm vụ bảo vệ núi Dương Đá Bầu, thôn Vĩnh Quý, xã Kỳ Thịnh, huyện Bắc Tam Kỳ (nay là xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh). Đây là vị trí thuận lợi dễ quan sát các tuyến đường từ Cẩm Khê đi huyện Tiên Phước, Tiên Phước đi xã Kỳ Thịnh (Tam Vinh), Tiên Phước đi xã Kỳ Phước (Tam Phước)... Một ngày trung tuần tháng 6.1968, một tiểu đoàn lính Mỹ chia làm 2 cánh tiến đánh phía tây bắc Dương Đá Bầu. Trước tình hình đó, những người cắm chốt nhanh chóng chia làm 3 tổ, liên tiếp đánh trả các đợt tiến công từ 9 giờ sáng đến gần nửa đêm. Các chiến sĩ thuộc Đại đội V12 đã ngoan cường chiến đấu diệt được 75 tên địch. Tuy nhiên trong trận đánh này quân ta có 2 người hy sinh và 2 người bị thương nặng. Trong đó ông Trần Duy Tung bị mảnh đạn găm vào đầu, máu ra xối xả, ngất lịm trên công sự. Tưởng anh đã hy sinh nên đồng đội chôn vội trước khi rút lui, tránh thương vong thêm cho đơn vị.

Đến 12 giờ khuya, ông Tung tỉnh lại, biết mình bị vùi trong đất cát, ông cố quẫy đạp, cào bới và thoát ra được. Đưa mắt nhìn xung quanh thấy không còn ai cả, ông nghĩ thầm, chắc anh em đã rút đi hết rồi, mình cũng phải cố rút ra khỏi nơi đây càng sớm càng tốt, vì nếu địch quay trở lại trận địa thì rất nguy hiểm. Chỉ hơn nửa cây số nhưng do máu ra nhiều, người ngất lên ngất xuống nên đến gần sáng ông Tung mới về đến nhà mẹ Khải (cơ sở Cách mạng nằm ở dưới chân núi Dương Đá Bầu) và được đồng đội đưa đến Bệnh xá huyện Bắc Tam Kỳ điều trị vết thương.

Cũng như ông Tung, ông Nguyễn Nghị bị nhiều mảnh pháo găm vào đầu, nhượng chân bị đứt, máu chảy đầm đìa, người ngất lịm ngay trong căn hầm chiến đấu. Sau khi kiểm tra không còn thấy ai nữa, đến 20 giờ 30 tiểu đội được lệnh rút quân về phía nhà dân để bảo toàn tính mạng và củng cố lực lượng. Nằm bất tỉnh trong căn hầm, đến sáng hôm sau ông Nguyễn Nghị tỉnh lại, cố bò ra khỏi miệng hầm thì bị địch bắt, đưa về Tuần Dưỡng điều trị vết thương và khai thác để lấy thông tin. Dù cố công nhưng sau một năm không khai thác được gì ở ông, bọn chúng đưa ông ra giam tại nhà lao Non Nước (Đà Nẵng); năm 1972 đưa ra trại giam Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tháng 3.1973 ông Nghị được trao trả tù binh tại Lộc Ninh (tỉnh Tây Ninh) và chuyển qua nước bạn Camphuchia điều dưỡng.

Nước mắt ngày gặp lại

Sau ngày quê hương hoàn toàn thống nhất, ông Trần Duy Tung chuyển sang dân chính. Ông Nguyễn Nghị được tổ chức điều về Bộ Quốc phòng, phụ trách công tác vật tư tại TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên do điều kiện sức khỏe, ông được giải quyết chế độ nghỉ một lần về quê ở thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ). Kinh tế khó khăn, năm 1984 ông Nghị đưa vợ con đi xây dựng kinh tế mới tại thôn 3 xã Trà Giang, nay là thôn 1, xã Trà Giang, Bắc Trà My. Con đông, điều kiện kinh tế khó khăn, lo lam lũ làm ăn ông quên bẵng những người bạn cùng chia lửa cho nhau trong những năm chiến đấu ác liệt và cũng không còn nhớ đến trận đánh đã đi vào lịch sử của đơn vị V12 thuộc Huyện đội Bắc Tam Kỳ mà ông đã từng chết đi sống lại.

Vào một ngày đầu tháng 8.2018, ông Nghị về thôn Vĩnh Bình và đến thăm nhà người quen là chị Bùi Thị Sáu. Ở đây ông tình cờ thấy tập thơ “Tôi về thăm lại mộ tôi” của ông Trần Duy Tung - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Tam Kỳ để trên bàn. Ông Nghị đọc bài thơ gồm 40 câu lục bát: “Tôi về thăm lại mộ tôi/ Nằm trên đỉnh núi cuối Dương Đá Bầu/ Bên hòn đá cũ sẫm màu/ Dưới hầm công sự mình đào năm xưa...”. Đọc đến đâu, những hình ảnh về trận đánh kiên cường và bất khuất của đội cảm tử quân hiện ra trước mắt ông Nghị, thôi thúc ông quyết tâm đi tìm đồng đội.

Do vết thương tái phát, đi lại khó khăn, ông Nghị nhờ người con trai làm “cán bộ đường lối” đưa ông đi tìm ở nhiều nơi và làm cầu nối cho ông gặp lại ông Tung ngay tại nhà mình. Trong căn nhà cấp 4 nằm bên sườn đồi, những kỷ niệm ùa về khi hai ông liên tục kể cho nhau nghe những năm tháng gian khổ và hy sinh. Nhiều lúc quá xúc động, hai ông ôm chầm lấy nhau và nước mắt lại tuôn trào. Tại buổi gặp nhau với biết bao kỷ niệm buồn vui khôn tả, ông Trần Duy Tung cảm tác những vần thơ chứa chan tình đồng chí, tình anh em: “Anh tôi biền biệt xa mờ/ Tưởng rằng liệt sĩ ai ngờ tái sinh/ 51 năm vắng bóng, xa hình/ Vui mừng đại phúc chúng mình gặp nhau…”.

Năm nay ông Trần Duy Tung đã bước sang tuổi 70 và ông Nguyễn Nghị cũng là người ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Mái tóc bạc phơ, chân đi bước thấp, bước cao, hai ông ôm nhau và khóc như trẻ nhỏ khi phải nói lời chia tay. Chúng tôi đã đi qua khúc quẹo ở đầu thôn nhưng ông Nghị vẫn dõi mắt nhìn theo như muốn nhắn gửi: “Hãy nhớ về nhau, đừng để mất nhau lần nữa những người bạn tôi ơi!”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gặp bạn nhờ những vần thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO