Vào Sài Gòn dự triển lãm, tình cờ gặp họa sĩ Ca Lê Thắng, anh đùa: “Tao bây giờ là cử nhân “tiếng Quảng” rồi chứ không phải mấy cái bằng A, B, C gì hết nha mầy. Cũng là nhờ tao giao tiếp thường xuyên với mấy thằng nghệ sĩ Quảng Nam sống trong này đó”. Vậy là, câu chuyện của tôi bắt đầu từ những người Quảng xa quê...
1. Tôi có một cái hẹn làm việc với Giám đốc Công ty Zenbooks Joint Stock Company, một công ty in và phát hành sách có tiếng tăm tại Sài Gòn. Làm việc xong, chợt thấy thú vị khi nghe cô giám đốc Mai Lan Hương tự giới thiệu mình là người gốc Quảng Nam.
Ba mẹ cô người Điện Bàn theo cha đi tập kết ra Bắc, nên Mai Lan Hương được sinh tại Hà Nội năm 1966. Sau 1975, cô theo ba mẹ về quê sinh sống, sau đó định cư tại Đà Nẵng. Tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, rồi có thời gian đi dạy tại đây.
Năm 1990, Mai Lan Hương chuyển vào Sài Gòn và tiếp tục đi dạy Anh ngữ. Cô nhớ lại: “Một sự ngẫu nhiên nào đó có lẽ bắt đầu từ lúc tôi gặp phải những khó khăn khi tìm kiếm tài liệu giảng dạy và sách bài tập tiếng Anh dành cho học sinh. Thế là tôi bèn cùng vài đồng nghiệp của mình bắt tay soạn một bộ sách bài tập tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông. Những tập sách đầu tiên của tôi và đồng nghiệp ra mắt lúc đó đã được học sinh đón nhận nồng nhiệt và được các trường phổ thông sử dụng làm sách tham khảo”.
Thời đó sách tham khảo dành cho học sinh phổ thông còn hiếm hoi, bằng những kinh nghiệm cá nhân trong lúc đi tìm nhà in để xuất bản và phát hành, cô chuyển sang in ấn và phát hành sách giáo khoa dùng để tham khảo. Công việc mới của Mai Lan Hương là xây dựng chương trình, tìm hiểu thêm các loại sách về các mô hình giáo dục tiên tiến, mua tác quyền, tổ chức dịch thuật nếu là sách nước ngoài, biên tập, in và phát hành.
Sau đó, Mai Lan Hương quyết định “ra riêng”. Cô thành lập Công ty CP Zenbooks, chuyên về các đầu sách đặc trưng dành cho giáo dục và thiếu nhi. Sau gần hai mươi năm hoạt động, ngày nay Zenbooks là một cái tên gây được nhiều ấn tượng đối với ngành phát hành sách và thị dân Sài Gòn. Hiện Mai Lan Hương đang ý định phát hành một loạt sách tham khảo mới dành cho học sinh phổ thông.
2. Chia tay Mai Lan Hương trong cái nắng chói chang của Sài thành, tôi gọi điện hẹn gặp Bùi Tiến Tuấn để lấy thêm thông tin về triển lãm sắp đến của anh tại Sài Gòn. Sinh năm 1971 tại Hội An, Bùi Tiến Tuấn xuất thân từ một gia đình gia giáo nhưng đầy chất văn nghệ, mê mỹ thuật từ khi còn nhỏ nên anh xác định đi theo con đường hội họa. Ngay từ năm học lớp bảy, Bùi Tiến Tuấn đã đoạt nhiều giải mỹ thuật dành cho thiếu nhi.
Sau tám năm theo học tại Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, khi ra trường Bùi Tiến Tuấn tham gia câu lạc bộ Họa sĩ Trẻ Sài Gòn. Thoạt tiên chủ đề sáng tác của anh thiên về Hội An và cuộc sống thường nhật ở Sài Gòn.
Học chuyên khoa lụa, nên hình bóng của những bậc thầy về lụa vốn xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã gây áp lực tâm lý không nhỏ, làm cho Bùi Tiến Tuấn luôn cảm thấy ức chế, thậm chí bế tắc trong sáng tác. Anh luôn trăn trở tìm kiếm lối thoát cho mình và cả cho tranh lụa, và sự cố gắng phục hưng tranh lụa của những họa sĩ tâm huyết đã dẫn Bùi Tiến Tuấn trở lại trường mỹ thuật trong vai trò giảng viên chuyên khoa lụa.
Sau đó, anh bắt đầu khai thác chủ đề sáng tác về cuộc sống thị dân đương đại với những mật ngọt quyến rũ và nguy cơ tai hại của nó, trên nền lụa. Tác phẩm “Đàn bà, Mặt nạ và Bóng tối” được thể hiện trên lụa đoạt huy chương bạc tại triển lãm toàn quốc năm 2010 và sau đó được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập, là một động lực lớn để Bùi Tiến Tuấn có thể khẳng định mình, tự tin khai mở con đường mới cho dòng tranh lụa Việt Nam đương đại.
Ngoài những triển lãm nhóm và cá nhân trong và ngoài nước, năm 2013 anh ra mắt triển lãm cá nhân “Hội An – Hoài niệm” tại Sài Gòn như một nỗi nhớ, một lời tri ân về mảnh đất nơi anh sinh thành.
Năm 2018, Bùi Tiến Tuấn ra mắt triển lãm tranh lụa với chủ đề “Hơi thở nhẹ” tại Hội An. Khai thác vẻ đẹp trong những mặt xô bồ của cuộc sống, hình ảnh phụ nữ hiện đại với những đường nét quyến rũ theo phong cách lãng mạn trong tranh của anh là một dấu hỏi lớn về vấn đề nữ quyền và những sự phù phiếm trong cuộc sống đương đại. Và triển lãm “Hơi thở nhẹ” cũng đã định danh Bùi Tiến Tuấn là một trong những họa sĩ hàng đầu trong dòng tranh lụa đương đại nước nhà hiện nay.
3. Cuộc gặp mặt chiều hôm đó đúng là cuộc gặp của mấy tay Quảng Nam giữa đất Sài Gòn: Bùi Tiến Tuấn, Lý Đợi, tôi và Trà Cù Lũ. Dân văn nghệ Quảng Nam ở Sài Gòn lớp chừng sáu mươi tuổi đổ lại chắc ít còn ai lạ lẫm với cái tên Trà Cù Lũ, tên thật là Trương Bách Thảo sinh tại Hội An năm 1974. Đầu thập kỷ 1990, lúc nền kinh tế Hội An đang trên đà rơi tự do, cũng như những thanh niên cùng quê, anh vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Tại Sài Gòn, Trà Cù Lũ theo học nhiếp ảnh, quay phim từ một người chú đang hành nghề ở đây.
Sau khi lập gia đình, anh ra mở hiệu riêng. Cái cách ăn cục nói hòn quê quê kiểu Quảng Nam, kèm theo tay nghề lão luyện đã giúp anh có thêm rất nhiều khách hàng mời tham gia tổ chức những sự kiện lớn. Thậm chí có người đã từng mời Trà Cù Lũ ra nước ngoài để quay phim chụp ảnh sự kiện cho công ty của mình. Tiếng lành đồn xa, anh từng được mời làm tay máy chính cho đám cưới của cháu ngoại cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Sài Gòn.
Năm 2008 dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Henrique Calisto, lần đầu tiên đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt được huy chương vàng SEAgame. Năm 2009, chương trình “Giao lưu với đội tuyển bóng đá Việt Nam” là một sự kiện lớn mà Trà Cù Lũ được mời tham gia trong vai trò nhiếp ảnh cho sự kiện. Anh được mời tham gia sự kiện “Hoa hậu Trái đất” năm 2010 tổ chức tại Nha Trang và “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” năm 2011.
Ngoài những sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn tại Sài Gòn, gần đây nhất Trà Cù Lũ được mời tham gia trong vai trò quay phim - nhiếp ảnh hậu trường và sự kiện ra mắt bộ phim đình đám “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An tại Hà Nội. Trà Cù Lũ quan niệm khi hành nghề phải chuyên tâm, giữ được chữ tín để đáp ứng được lòng tin của khách hàng, đó cũng là tính cách đáng yêu luôn hết mình vì công việc của dân xứ Quảng.
Họ - những người Quảng phải xa quê vào Sài Gòn sinh sống bởi nhiều lý do khác nhau. Có người nổi tiếng, có kẻ bình thường, nhưng với khả năng và bản lĩnh tự thân, họ đã tạo dựng sự nghiệp của riêng mình trên mọi lĩnh vực từ văn chương, báo chí đến nhiếp ảnh, mỹ thuật ở vùng đất mới. Xa quê đằng đẵng nhưng khi tiếp xúc với họ, mới nhận ra cái “chất Quảng” dường như chưa từng phai nhạt bao giờ. Bỗng thấy xúc động biết bao nhiêu khi giữa đất Sài Gòn được nghe họ trả lời ai đó: “Tụi tui dân Quảng Nôm”.