Gập ghềnh đường qua núi

CÔNG TÚ 09/02/2021 06:33

(Xuân Tân Sửu) - Câu hỏi liệu có cần thiết mở mới đường miền núi, mở ra sao, mở vào thời điểm nào lại được đặt ra sau khi hàng loạt tuyến giao thông bị mưa lũ càn quét gây hư hỏng nặng.     

Nền, mặt đường nhiều đoạn trên tuyến ĐH1.PS bị đứt gãy hoàn toàn.Ảnh: C.T
Nền, mặt đường nhiều đoạn trên tuyến ĐH1.PS bị đứt gãy hoàn toàn.Ảnh: C.T

Lượng nhiều, chất ít

Giao thông đường bộ đối nội và đối ngoại qua khu vực miền núi Quảng Nam tuy nhiều về số lượng, song chất lượng chưa tương xứng. Với giao thông đối ngoại, các quốc lộ (QL) 14G, 14D, 14E, 24C, 40B, 14H tồn tại nhiều đoạn tuyến có mặt đường mấp mô, chật chội.

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, đường Hồ Chí Minh và 14G chạy dọc - ngang qua địa bàn còn nhiều khúc cong cua, đèo dốc quanh co rất nguy hiểm. Đây chính là những “nút thắt” từng nhiều lần làm nghẽn “mạch máu” lưu thông thông suốt, nhất là vào mùa mưa bão.

Mùa mưa bão 2020, hàng triệu mét khối đất đá sạt lở làm ách tắc, hư hỏng hạ tầng đường bộ, trong đó phần lớn ở khu vực miền núi. Tỉnh lộ (ĐT) 606 (Tây Giang), ĐT611 (Quế Sơn - Nông Sơn), QL40B (Tam Kỳ - Nam Trà My), QL14B (Đại Lộc - Nam Giang)… là những tuyến thường xuyên bị hư hại do thiên tai.

“Hệ thống đường huyện (ĐH) trên địa bàn tỉnh gồm 230 tuyến, dài 2.038,7km, mật độ cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của miền Trung. Tuy nhiên, nhiều tuyến chất lượng thấp, rất dễ bị tổn thương” - ông Võ Công Phúc (Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng - Sở GTVT) đánh giá.

Những năm qua, tỉnh và các địa phương đã dành nguồn lực rất lớn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Ở khu vực miền núi, bằng nhiều chương trình, dự án, đường ô tô đã vào tận trung tâm xã, thôn, bản. Gần đây, nhiều địa phương vùng cao đề xuất mở thêm những tuyến mới, nhằm tạo sự liên kết đồng bộ, phá vỡ thế cô lập.

Song theo ông Võ Công Phúc, đường sá hiện trạng vẫn chưa tốt, cần cân nhắc kỹ trước khi mở mới. “Mở mới đường ở miền núi không phải không làm; tuy nhiên, chúng ta cần suy tính thấu đáo là làm như thế nào, khi nào làm, hiệu quả ra sao?” - ông Võ Công Phúc đặt vấn đề.

Băn khoăn bài toán đầu tư

Nhiều địa phương cứ khăng khăng bảo vệ cho việc phải làm đường mới vì phù hợp quy hoạch. Nhưng đó chỉ thỏa mãn điều kiện cần, quy hoạch thực ra chỉ là nghiên cứu ban đầu, còn điều kiện đủ phải là tính hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội mang lại. Vì vậy, ngành chức năng cho rằng trước mắt, địa phương phải xác định được nguồn lực làm đường, kể cả nguồn lực duy trì con đường.

Bởi, năm nào cũng phải sửa chữa, bảo trì do bị hư hỏng trong quá trình khai thác, gặp thiên tai. Lâu nay chỉ dự toán tiền làm đường, chứ chưa chuẩn bị kinh phí cho việc duy tu bảo dưỡng đường. Chưa kể, cần xem xét kỹ chuyện mở đường tác động đến môi trường, vì thực tế nhiều nơi không có đường thì giữ được rừng và khoáng sản.

Ông Võ Công Phúc đặt vấn đề, vì sao tuyến ĐT606 vào mùa mưa bão năm nào cũng chỉ sạt lở taluy dương thôi, còn đường địa phương lại đứt gãy nền nặng nề như vậy? Địa phương cho rằng không đủ tiền nên không làm đường đủ rộng, không có rãnh dọc, cống thoát nước có khẩu độ khiêm tốn dẫn đến lũ thoát không kịp gây xói lở, đứt đường. Nếu vậy thì hãy khoan làm đường.

Giai đoạn 2005 - 2015 thực hiện theo Luật Xây dựng (cũ), đường địa phương đầu tư giai đoạn này bị hư hỏng nhiều, vì lúc bấy giờ Sở GTVT chỉ góp ý về mặt kỹ thuật, nhưng địa phương không nghe cũng đành chịu. Thực tế nhiều tuyến đường bị cây cỏ tự nhiên “lấn chiếm”, rõ ràng địa phương không có tiền bảo trì, hoặc rất ít người đi lại...

Nhiều đơn vị tư vấn cho hay, họ dành công sức, tiền của, thời gian để lội suối, băng rừng đi khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án giao thông theo yêu cầu của chủ đầu tư. Tuy nhiên, công trình “vỡ” vì thiếu khả thi, những gì tư vấn bỏ ra xem như mất tất.

Từ thực tế trên, ông Võ Công Phúc cho rằng cần phân bổ vốn nghiên cứu đầu tư riêng thì tư vấn mới trung thực, người quyết định đầu tư dễ ra quyết định. Nếu gộp chung vốn nghiên cứu chủ trương đầu tư vào nguồn lực thực hiện đầu tư, tư vấn sợ dự án không khả thi, chủ đầu tư sẽ không trả tiền mà họ đã dày công thực hiện nên có thể “thêm bớt” cho hay vào, chủ đầu tư không nghe được điều cần nghe, nên dễ dẫn đến kết quả “chọn sai con đường”...

Đảm bảo công trình bền vững, an toàn

Sở GTVT cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, các huyện miền núi kiên cố hóa theo đề án giai đoạn 2015 - 2020 được 175,6km mặt đường huyện với tổng kinh phí hơn 532,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 356,6 tỷ đồng) và gần 239km mặt đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 221,6 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hơn 132,5 tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh bố trí hàng trăm tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên đường địa phương, xây dựng nhiều tuyến đường và hàng chục cây cầu...

Do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, khu vực sản xuất có diện tích nhỏ, nằm rải rác nên trong thời gian qua việc xây dựng đường giao thông chủ yếu phục vụ cho dân sinh, an ninh - quốc phòng, kết hợp phục vụ sản xuất. Vì vậy các địa phương có kiến nghị mở các tuyến đường vào các khu sản xuất và một số tuyến giao thông mới khác.

Theo ông Võ Hồng - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, giao thông tạo điều kiện sản xuất, thúc đẩy giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, việc đầu tư phải hết sức cân nhắc, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan như hiện nay sẽ phá hỏng đường mới được xây dựng; phát sinh quá nhiều kinh phí để sửa chữa, khắc phục. Chưa kể, xuất hiện tuyến đường “góp phần” gây nên sạt lở. Do đó, cần dự lường tình huống xấu nhất, đảm bảo công trình đầu tư đạt tính bền vững, an toàn, hiệu quả. Trong sắp xếp dân cư, ổn định sản xuất phải đảm bảo kết nối giữa quy hoạch dân cư với quy hoạch giao thông, hạn chế thấp nhất xâm hại rừng hay bố trí vào khu vực địa hình khó khăn.    

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gập ghềnh đường qua núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO